Người 'mở lối' cho bảo tàng
Với chặng đường nửa thế kỷ nghiên cứu về văn hóa và di sản và bảo tàng, PGS.TS Nguyễn Văn Huy luôn trăn trở, làm thế nào đổi mới, để bảo tàng không đi theo lối mòn, và làm thế nào để bảo tàng thực sự trở thành những địa chỉ có ích, hấp dẫn đối với công chúng. Nếu chỉ nói bảo tàng quan trọng, nhưng không ai đến thăm thì đó là sự thất bại.
Tạo ra cuộc “cách mạng” trưng bày
Tên tuổi của PGS.TS Nguyễn Văn Huy gắn liền với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tại Hà Nội. Ông cũng là người tạo ra cuộc “cách mạng” trưng bày, nhằm thu hút công chúng đến với bảo tàng. Được khởi động năm 1981, đến nay Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã trở thành một tình yêu của Hà Nội, một điểm sáng văn hóa của Thủ đô.
Nhớ lại những ngày đầu, ông chia sẻ: Bảo tàng được xây dựng trong bối cảnh có rất ít hiện vật và chuẩn bị khai trương trong tình thế các bảo tàng ở Việt Nam còn quá lạc hậu, và trong tình trạng đìu hiu, vắng khách. Làm thế nào giải quyết được bài toán khó đó, để giới thiệu những nét đặc sắc, độc đáo của 54 dân tộc?
Điều quan trọng nhất là bảo tàng chúng tôi đã chọn được đúng định hướng đi, đó là tập trung nghiên cứu sưu tầm về văn hoá thể hiện trong đời sống thường ngày. Giới thiệu văn hoá các dân tộc qua đời sống đương đại. Cái khác lạ, cái độc đáo thì dễ gây hấp dẫn, gây tò mò. “Muốn chuyển tải cái hay, cái đẹp trong văn hóa các dân tộc thì điều chú trọng hàng đầu là nội dung trưng bày phải khoa học, có nhiều thông tin và trưng bày phải thật sự chuyên nghiệp, phải đẹp, bắt mắt và lôi cuốn. Bản thân hiện vật văn hoá của các dân tộc đã đẹp, trưng bày lại càng phải tìm ra những giải pháp phù hợp để tôn vinh những nét văn hoá đó”, PGS Nguyễn Văn Huy quan niệm.
Với nơi gửi nhiều tâm huyết nhất, ông kể: Không gian trưng bày bên trong bảo tàng giới thiệu chân thực cuộc sống văn hóa của đồng bào dân tộc. Đồng bào sống thế nào, chúng tôi trưng bày và giới thiệu như thế, không tô hồng, không thêm thắt, và cũng không cố tình lồng ghép những bài học, kinh nghiệm vào… bởi chúng tôi muốn để người xem tự cảm nhận, và cách làm đó đã rất hiệu quả. “Chúng tôi đi phỏng vấn những người làm văn hóa, những người dân, họ suy nghĩ gì, họ muốn nói gì để chúng tôi thực hiện và giới thiệu cho công chúng... Chúng tôi cũng là những người đầu tiên thực hiện việc trao máy ảnh cho người dân, hướng dẫn để người dân tự chụp ảnh sinh hoạt của cộng đồng mình, tự lựa chọn những hình ảnh mà họ muốn trưng bày, giới thiệu với du khách, hoặc tự mình tham gia vào làm phim để giới thiệu câu chuyện mà họ muốn kể… và chúng tôi đã thành công”, PGS Nguyễn Văn Huy nhớ lại.
Không chỉ trưng bày, giới thiệu hiện vật, bảo tàng còn là nơi giới thiệu văn hóa sống của các tộc người. Vào những dịp lễ Tết cổ truyền, ông cho mời các thợ thủ công, những nhóm biểu diễn dân gian đến trình diễn tại chỗ, và chia sẻ những câu chuyện nghề và đời sống của mình với khách tham quan.
Sự ra đời của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam với mô hình sống động đã khiến cho quan niệm về hoạt động bảo tàng ở Việt Nam thay đổi mạnh mẽ. Nhiều năm trở lại đây, Bảo tàng luôn trụ vững trong Top những điểm đến hút khách nhất Việt Nam, và được các trang web du lịch quốc tế bình chọn vào Top những bảo tàng hấp dẫn trong khu vực.
Về hưu vẫn bận rộn
PGS.TS Nguyễn Văn Huy sinh năm 1945 tại Hà Nội. Ông là nhà nghiên cứu dân tộc học Việt Nam, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện là Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hoá (thuộc Hội Di sản văn hoá Việt Nam). Ông đồng thời là Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia các nhiệm kỳ 2004-2009 và 2010-2014. Hiện ông là Giám đốc, kiêm chủ sở hữu bảo tàng Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên.
Dù nghỉ hưu từ năm 2008, nhưng PGS Nguyễn Văn Huy vẫn miệt mài với nhiều dự án đổi mới các bảo tàng. Như Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã mời ông tư vấn nhằm đổi mới hoạt động. Bảo tàng Phụ nữ chuyển từ một bảo tàng mang tính truyền thống thiên về tuyên truyền, sang một bảo tàng về giới. Từ năm 2010, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã khai trương mới, thay đổi hoàn toàn về chất: Trưng bày đẹp, có màu sắc và đa dạng, tập trung kể những câu chuyện đời thường đương đại, như phụ nữ trong gia đình, phụ nữ trong lịch sử, trong xã hội; những câu chuyện, những vấn đề về giới mà xã hội đang quan tâm trăn trở. Thông qua câu chuyện người phụ nữ, người ta hiểu được một phần xã hội Việt Nam.
Ông cũng là người góp phần làm thay đổi diện mạo của Dinh Độc Lập. Từ năm 2014, với sự tư vấn của ông, Dinh Độc Lập đã có hệ thống diễn giải, hệ thống thông tin trong từng phòng với nội dung phong phú, trình bày đẹp, hấp dẫn để du khách có thể tự xem, tự tìm kiếm thông tin… Hình thức hướng dẫn thuyết minh bằng loa, vừa ồn ào vừa không hiệu quả đã được bỏ, thay vào đó là thuyết minh theo nhóm nhỏ, tự động, phục vụ từng du khách. Mô hình này rất thành công. Cuộc trưng bày “Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập” (3/2018) đã tạo sức hâp dẫn về cách kể chuyện mới trong trưng bày, thu hút du khách đến với Dinh Độc Lập.
Là con trai của cố GS Nguyễn Văn Huyên - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cùng gia đình đã xây dựng Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên - bảo tàng gia đình đầu tiên ở Việt Nam, một trưng bày có đẳng cấp giới thiệu về cuộc đời sự nghiệp và những nghiên cứu của GS Nguyễn Văn Huyên, về gia đình ông và dòng họ Nguyễn. Ông cũng giúp người dân làng Lai Xá quê hương ông xây dựng Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá - bảo tàng làng nghề đầu tiên ở Việt Nam. Bảo tàng này hiện không chỉ là niềm tự hào của người dân Lai Xá, mà còn là hy vọng để phát triển du lịch.
Dành tình yêu cho khảo cổ
Ngoài bảo tàng, ông còn dành tình yêu cho khảo cổ. Đặc biệt là Giải Ý tưởng của Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2018 đã được trao cho “Đề xuất bảo tồn, phát huy di chỉ Vườn Chuối” của PGS.TS Nguyễn Văn Huy và các nhà khoa học. UBND thành phố Hà Hội đã đánh giá: Đây là lựa chọn xứng đáng cho những nỗ lực của các nhà khoa học trong việc bảo tồn, lưu giữ bằng chứng lịch sử của Hà Nội có niên đại 3.000 năm tuổi.
Và tin vui là cuối tháng 8 vừa qua, sau 2 năm nghiên cứu, khai quật, di chỉ hơn 3.000 tuổi Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) - nơi ghi dấu cư dân đầu tiên của Hà Nội, một trong những di chỉ hiếm ở thời kỳ Hùng Vương đã nhận được sự đồng thuận bảo tồn một phần tiêu biểu. Điều đó được thể hiện bằng văn bản của Cục Di sản Văn hóa (thuộc Bộ VHTTDL) thống nhất với đề nghị của Sở VHTT Hà Nội về việc thực hiện nghiên cứu, bảo tồn khu vực phía Đông di chỉ Vườn Chuối có diện tích khoảng 6.000m2.
Với di chỉ này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy đề xuất về những biện pháp khả thi: Cùng với việc xây dựng các công trình hiện đại, chúng ta có thể xây dựng các công viên văn hóa ở trong đó, lấy chính những hiện vật tìm được để kể câu chuyện về chiều dài lịch sử của mảnh đất đó cho thế hệ sau. Người dân tại chỗ và khách đến chơi có thể chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa của mảnh đất mình đã chọn để cư trú. Bằng cách đó các giá trị văn hóa sẽ được lan tỏa. Không phải chỉ bằng một tấm bia đá đánh dấu như xưa, hiện nay sự phát triển của khoa học - công nghệ đã cho phép chúng ta tái hiện và truyền tải đến công chúng những ý nghĩa, giá trị văn hóa bằng nhiều phương tiện: Trưng bày - bảo quản, thuyết trình tự động, trình chiếu hình ảnh tĩnh và động, dựng mô hình 3D”.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, những cách làm mới sẽ có sức hấp dẫn, thu hút và thuyết phục được công chúng và làm cho các công trình hiện đại có thêm nhiều giá trị văn hóa.
Phải thay đổi quan niệm về bảo tàng, đổi mới cách diễn giải trưng bày trong bảo tàng để hút khách, nhất là thế hệ trẻ. Bên cạnh đó,cần phải tiếp tục thay đổi tư duy, đưa bảo tàng trở thành nơi “giáo dục trải nghiệm” cho những thế hệ nhỏ tuổi - thế hệ sẽ quyết định số phận của di sản và tương lai của đất nước. Tuy nhiên, phải giáo dục dục trong bảo tàng theo phương pháp mới, khuyến khích tính chủ động, tính sáng tạo của mỗi người chứ không thể hoạt động ào ào theo phong trào.