Bao giờ giá hàng nông phẩm trở lại như trước khi có dịch?
Theo cơ quan phân tích và thông tin INFOLine, giá lương thực toàn cầu tiếp tục tăng đáng kể trong năm nay, với chỉ số giá tăng tới 27%.
“Đây là một trong những đợt tăng giá lương thực cao nhất kể từ những năm 70. Trong 40 năm, không có sự gia tăng giá ở mức tương tự như hiện nay mà chúng tôi đã và đang ghi nhận” - Giám đốc điều hành INFOLine, Ivan Fedyakov, nói.
Phân tích thêm, ông Ivan Fedyakov nói: “Giá lương thực tăng cao đã tác động và kéo giá của các mặt hàng thực phẩm khác neo cao, trong đó có trái cây, rau quả, kể cả sữa. Điều này gây ra một cơn bão giá cả, giá cả tăng và sẽ tiếp tục tăng, nhưng vấn đề chính là sức mua không phải là không có giới hạn. Ông Fedyakov cũng cho rằng, đáng tiếc là việc tăng giá của các loại phân bón dùng trong trồng trọt cũng như giá thức ăn chăn nuôi sẽ tạo ra một “vòng xoáy” giá không dễ gì thoát ra trong ngắn hạn.
Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cũng cho biết, vào tháng 9/2021, mức lạm phát hàng năm ở khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro đã tăng lên mức cao nhất trong 13 năm qua, chủ yếu là do giá năng lượng tăng, trong đó, giá khí đốt tự nhiên ở mức cao kỷ lục. Đây là mức cao nhất được báo cáo kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế vào tháng 9/2008 - Eurostat cho biết. Theo dữ liệu của Eurostat, giá thực phẩm, rượu và thuốc lá trên toàn khu vực đồng Euro đã tăng trung bình 2,1%.
Còn theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá lương thực của thế giới tính đến nửa dầu tháng 10 năm nay đã tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua.
Chỉ số giá lương thực thực phẩm của FAO (theo dõi giá trên toàn cầu của các loại thực phẩm được giao dịch quốc tế nhiều nhất) đã tăng 130 điểm vào tháng 9, lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2011. Tổng cộng giá lương thực thực phẩm tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo phân tích của FAO, thực trạng giá lương thực tăng này chủ yếu do giá dầu thực vật, ngũ cốc và đường tăng cao. Nguyên nhân là bởi những khó khăn trong thu hoạch và nhu cầu gia tăng đối với các loại thực phẩm này. Trong đó, giá lúa mì tăng nhiều nhất do nguồn cung xuất khẩu giảm trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu tăng mạnh. FAO dự báo, sản lượng ngũ cốc cao nhất trên toàn thế giới là 2,8 tỷ tấn vào năm 2021, nhưng lưu ý rằng mức tiêu thụ sẽ còn vượt xa sản lượng này.
Chưa hết, tính đến tháng 10/2021, chỉ số giá thịt được ghi nhận tiếp tục tăng trong tháng thứ 12 liên tiếp, trong đó tăng giá thịt cừu và thịt bò đứng đầu. Giá gia cầm và thịt lợn giảm do nguồn cung trên thị trường toàn cầu tăng và cũng là do người dân đã “thay đổi thói quen” các bữa ăn hàng ngày kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, tính từ tháng 4/2021.
Nói về nguyên nhân tăng giá các loại nông phẩm, Tiến sĩ Eliott Phamerkine cho rằng, trước hết do bị tác động của đại dịch Covid-19. Đại dịch khiến nhiều quốc gia phải tiến hành phong tỏa, không chỉ làm đứt gẫy chuỗi cung hàng hóa trong nước mà còn khiến cho dòng chảy xuyên quốc gia bị gián đoạn hoặc bị “nắn dòng”.
Đại dịch cũng khiến cho các nhà máy thuốc trừ sâu dùng cho trồng trọt hoặc thức ăn chăn nuôi không đạt được công suất sản xuất, khiến giá cả bị đẩy lên. Từ đó, nông dân phải đẩy giá nông sản lên để bù lỗ.
Nguyên nhân thứ hai, theo Tiến sĩ Eliott, đó là do những yếu tố cực đoan của thời tiết trong năm 2020 và 2021.
Trên thực tế, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết “mưa thuận gió hòa”. 2 năm qua, do phải tập trung vào ngăn chặn và chống dịch Covid-19, yếu tố sức khỏe được đặt lên hàng đầu nên những chương trình hợp tác chống biến đổi khí hậu đã phải lùi lại, các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp cũng trong tình thế tương tự.
Vậy, câu hỏi đặt ra là: Bao giờ giá các mặt hàng nông phẩm trở lại như trước khi có dịch?
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, điều đó phụ thuộc vào mức độ kiểm soát dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu. Năm 2021, tình hình khó thay đổi. “Hy vọng từ giữa năm 2022, khi chúng ta đã thực sự coi Covid-19 như một loại cúm mùa, lúc đó các hoạt động xã hội sẽ được đẩy nhanh. Cũng từ đó sản xuất nông nghiệp sẽ hồi phục, sản phẩm dồi dào hơn, dẫn tới sự ổn định giá cả của lương thực lẫn thực phẩm” - Tiến sĩ Eliott nhận định.