Nhà văn Dũng Hà: Sông cạn mây bay

Phùng Văn Khai 18/10/2021 09:00

Khi tôi nhập ngũ (1994) thì Thiếu tướng - nhà văn Dũng Hà đã nghỉ hưu rồi. Ông khi đó cũng đã 65 tuổi. Tuy sức khỏe còn tốt nhưng cũng còn nhiều việc cần dành cho văn chương nên ông nhất quyết nghỉ là nghỉ. Quả thực sau đó ít năm, bản thảo “Sông cạn”- cuốn tiểu thuyết có thể nói là đỉnh cao của Dũng Hà - đã được hoàn thành với tất cả sức lực của người lính chiến Điện Biên.

Nhà văn Dũng Hà.

Thiếu tướng Dũng Hà sinh năm 1929. Ông tham gia quân đội khi mới 17 tuổi. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Chính trị viên trực tiếp chiến đấu trên đồi A1 và bị thương. Mỗi khi nhìn thấy vết thương nơi cánh tay vị tướng, lứa nhà văn chúng tôi không chỉ khâm phục mà còn thầm biết ơn thế hệ các ông. Ông từng viết truyện ngắn từ khi còn ở Điện Biên có tên là “Trận đánh cuối cùng” được nhà văn Từ Bích Hoàng viết thư nhiều lần trao đổi. Dũng Hà bén duyên với Tạp chí Văn nghệ quân đội từ những số đầu tiên. Các truyện ngắn “Theo chồng”, “Khẩu đội trưởng mới”, “Trung thành”, “Đứng giữa” đều được đăng và đoạt giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ quân đội. Khi đó ông đang là Phó Chính ủy Trung đoàn 148 ở Tây Bắc.

Mỗi khi các nhà văn Hồ Phương, Xuân Thiều, Nguyễn Khải lên Tây Bắc, Phó Chính ủy Dũng Hà đều đem xe ra sân bay Nà Sản đón về trung đoàn để các nhà văn nói chuyện với bộ đội. Ngày tháng dần trôi, vị cán bộ trung đoàn đã phát triển thành Chính ủy Binh chủng Đặc công. Cuối năm 1981, tướng Nguyễn Nam Khánh - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị gọi Dũng Hà lên và nói, đại ý: Tổng cục có ý định điều cậu về làm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, ý cậu thế nào? Mặc dù tìm cách để từ chối, song vài tháng sau Dũng Hà đã là Tổng Biên tập dưới sự ủng hộ của các nhà văn Hữu Mai, Hồ Phương, Xuân Thiều… Đây cũng là điều hết sức đặc biệt. Các nhà văn lừng danh ở Văn nghệ quân đội nhẹ nhàng và trân trọng tiếp nhận Dũng Hà như trở về ngôi nhà của mình. Đó cũng chính là đạo lý dần dần trở thành truyền thống của Nhà số 4.

Trong một thời gian ngắn, các tiểu thuyết “Sao mai”, “Mảnh đất yêu thương”, “Đường dài”, “Quãng đường xưa in bóng” lần lượt ra đời khẳng định một ngòi bút vạm vỡ và nhiều khác biệt của Dũng Hà. Nhất là tiểu thuyết “Sao mai” đã được dịch và xuất bản ở Liên Xô năm 1986 với số lượng lớn. “Sao mai” khi đó, và sau này cuốn “Sông cạn” là hai cột mốc làm lên tên tuổi nhà văn Dũng Hà.

Nếu như “Sao mai” được in ấn và tái bản nhiều lần dễ dàng bao nhiêu thì “Sông cạn” của Dũng Hà ghềnh thác bấy nhiêu. Đây cũng là cuốn sách tâm huyết nhất của ông. Ông luôn nói là để trả nợ cho cuộc chiến tranh, cho đồng đội, nhất là những người đã khuất.

Nhà văn Dũng Hà xuất thân lính đặc công, lính trận vào sinh ra tử coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Nhưng khi là nhà văn, ông luôn coi sự sống mới là đáng quý. Trong khoảng hơn mười năm làm Tổng Biên tập Văn nghệ quân đội, nhà văn Dũng Hà luôn duyệt cho in những truyện ngắn, bài thơ về sự hy sinh vô bờ bến của bộ đội và nhân dân ta. Các câu chuyện đã như cứa vào ông những nhát đau âm ỉ. Có không ít những hy sinh thầm lặng, như hàng trăm, hàng ngàn người chiến sĩ đặc công máu thịt của ông đã không bao giờ trở về, ngay cả một rẻ xương cũng không còn sót lại bởi đã hòa vào biển mặn non cao.

Phải vậy chăng mà suốt thời gian Dũng Hà làm Tổng Biên tập Văn nghệ quân đội các cuộc thi thơ, thi truyện ngắn đều đã diễn ra liên tục và gây tiếng vang lớn trong văn giới. Mảng truyện hậu chiến, mảng truyện phản biện xã hội, thậm chí có cả những truyện luận đề đều thấy có ở đây.

Dũng Hà làm thủ trưởng cơ quan Văn nghệ quân đội đánh dấu cuộc thi truyện ngắn Kỷ niệm 25 năm Truyền thống của Tạp chí (1957-1982) với giải Nhất rất ấn tượng được trao cho Nguyễn Thị Minh Thư với truyện ngắn “Có một đêm như thế”. Tiếp đó là việc tiếp nhận về Tòa soạn lứa nhà văn tốt nghiệp Nguyễn Du Khóa I: Hữu Thỉnh, Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Khắc Trường, tiếp đó là Trung Trung Đỉnh, Hồng Diệu, Ngô Vĩnh Bình. Đây cũng là thời kỳ rất sung sức về sáng tác của đội ngũ nhà văn.

Với văn chương mỗi người mỗi cá tính, nhà văn Dũng Hà đều tôn trọng họ và họ cũng rất tôn kính người đàn anh, người thủ trưởng của mình. Với đời thường, Dũng Hà luôn coi Văn nghệ quân đội là một gia đình lớn cần phải có tôn ti trật tự. Ông đã có những xen ứng xử tuyệt hay với lứa đàn em văn bút thì tài mà chất chơi cũng bát ngát cung mây lắm. Một chuyện rằng nhà thơ Duy Khán hay say rượu túy lúy có hôm quên cả chỗ về ngủ ngay tại cổng chân ngoắc vào khung xe đạp sợ mất, Dũng Hà thương quá đưa vào phòng sáng mai Duy Khán cứ tỉnh queo bảo: “Quái lạ! Mình đã chủ trương ngủ ngoài cho mát mà thằng nào không biết nó lại đưa ta vào phòng”. Dũng Hà mới thong thả bảo “là thằng tao đấy!” khiến Duy Khán cứ rối rít gãi đầu gãi tai chả biết xin lỗi ông anh thế nào.

Lại có chuyện rằng Khuất Quang Thụy viết văn thì như bổ củi song nghe đâu chuyện chị em cũng có duyên ngầm lắm. Dũng Hà đương nhiên coi như không biết, mũ ni che tai tạo điều kiện cho ông em chăng? Vậy mà có lần vợ Khuất Quang Thụy từ Sơn Tây tới nhất quyết đến gặp Dũng Hà để “làm cho ra ngô ra khoai”. Khuất Quang Thụy thì vẫn đánh bài cũ cứ im im khép nép mặc kệ ông anh ứng phó. Chả hiểu ông anh nói gì mà “sư tử Sơn Tây” từ phòng thủ trưởng Dũng Hà đi ra tươi tỉnh thoải mái lắm, còn khoe bác Hà cho tiền mời chồng đi ăn phở. Khuất Quang Thụy được vợ dắt tay mời đi ăn phở trong lòng kinh ngạc nhưng vẫn đủ thông minh để tạo ra vẻ mặt ăn năn. Mà vẻ mặt Khuất Quang Thụy kiếp này lúc nào dường như cũng ăn năn như thế.

Nhà văn Dũng Hà làm Tổng Biên tập 11 năm (1982-1993) rồi bàn giao cho nhà văn Nguyễn Trí Huân. Văn nghệ quân đội khi đó có hai vị được phong tướng. Phó Tổng Biên tập Hồ Phương được phong năm 1990 và Tổng Biên tập Dũng Hà được phong năm 1992.

Đối với lứa chúng tôi, nhà văn Dũng Hà tuy là tuổi tác cách đến hai thế hệ mà sao vẫn thấy thật gần. Buổi giao ban nào chúng tôi như cũng gặp được ông, trò chuyện cùng ông. Ông ở trên từng đó, đôi mắt thẳng nhìn xuống anh em, chứa chan tình cảm mến. Ông dường như chẳng có gì lo lắng về chúng tôi cả, dù đã nhiều lần ông nhắc với nhà văn Ngô Vĩnh Bình: “Ồ, mình đọc cuốn “Hư thực” của thằng Khai mà chả hiểu nó viết gì cả. Nó viết gì ấy nhỉ?” đã khiến Ngô Vĩnh Bình phải nói chệch đi: “Nó viết chiến tranh đấy anh ạ” rồi lảng sang chuyện khác. Rõ ràng là ông vẫn theo dõi chúng tôi xem viết lách thế nào. Nhưng tuyệt không nói phải thế này thế nọ.

Mới ít ngày trước khi ông mất, chúng tôi còn đến thăm ông, ông còn mời bia chúng tôi và cùng nâng ly vui vẻ lắm.

Vậy mà dòng “Sông cạn” đã mây khói về trời được mấy năm rồi.

Phùng Văn Khai