Ứng phó với nguy cơ thiếu điện

H.Anh 25/10/2021 06:30

Bộ Công Thương mới đây đã có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình cung ứng điện các năm 2022-2023 cũng như giải pháp trong thời gian tới nhằm đáp ứng điện cho nhu cầu phát triển kinh tế, cũng như đáp ứng yêu cầu sinh hoạt của người dân thời gian tới.

Trong báo cáo do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xác định 3 nguyên tắc chính đối với việc đảm bảo cung cấp điện trong năm 2022 và các năm tiếp theo, bao gồm: Tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân, trong mọi tình huống không để xảy ra thiếu điện; bám sát tăng trưởng nhu cầu điện, tình hình khôi phục và phát triển kinh tế để cập nhật dự báo phụ tải theo các kịch bản phụ tải cơ sở, kịch bản phụ tải phát triển cao trong điều kiện bình thường và điều kiện bất lợi nhất của năm 2022 và các năm tiếp theo để chỉ đạo, điều hành; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giữ vai trò chủ đạo, chịu trách nhiệm chính trong đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và các nhu cầu xã hội.

Căn cứ trên đánh giá về tình hình cung cấp điện trong thời gian tới, Bộ Công Thương và EVN đã đưa ra 5 giải pháp chính nhằm đảm bảo cung cấp điện. Theo đó, thực hiện rà soát các dự án điện đang xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn 2021-2025, đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng và vận hành các công trình nguồn và lưới điện. Được biết, Bộ cũng đang chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tập trung toàn lực, thúc đẩy dự án nhiệt điện Thái Bình 2 (1200 MW) phấn đấu hòa lưới điện tổ máy số 1 vào tháng 5 năm 2022.

Giải pháp tiếp theo ra là, rà soát các dự án có khả năng đẩy sớm tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành để bổ sung khả năng cấp điện sớm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Theo đó, Bộ sẽ giao đơn vị chuyên môn rà soát các công trình nguồn và lưới điện đã có trong quy hoạch, kế hoạch, có giải pháp để đẩy sớm tiến độ thực hiện.

Cùng với đó, khẩn trương triển khai xây dựng các đường dây, trạm biến áp giải tỏa công suất các dự án hiện hữu, nhất là các công trình năng lượng tái tạo. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tổ chức rà soát, chỉ đạo EVN đẩy nhanh tiến độ tất cả các công trình lưới điện đảm bảo việc giải tỏa công suất các nguồn điện đã xây dựng, trong đó có các nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Mục tiêu không để các nguồn điện đã xây dựng bị hạn chế công suất do quá tải.

“Chỉ đạo EVN đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện các hợp đồng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào” – Báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ, đồng thời cho biết, Bộ tiếp tục chỉ đạo EVN triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn vận hành, bao gồm việc chỉ đạo các chủ đầu tư các nhà máy điện đảm bảo công tác quản lý, bảo dưỡng các tổ máy phát điện vận hành an toàn, ổn định; Chỉ đạo EVN vận hành an toàn hệ thống lưới điện, đặc biệt là hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc-Nam và hệ thống truyền tải điện; Chỉ đạo EVN và các đơn vị thành viên làm việc với các khách hàng có nguồn điện dự phòng chuẩn bị sẵn sàng vận hành để bổ sung nguồn cung cấp điện trong trường hợp bất lợi không nhận được điện từ hệ thống…

H.Anh