Giám sát các lĩnh vực nhạy cảm để chặn tham nhũng

V.Thắng 25/10/2021 06:00

Ngày 24/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Đại biểu Nguyễn Công Long. Ảnh: Quang Vinh.

Nhức nhối khai thác cát, sỏi trái phép

Theo đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai): Báo cáo của Chính phủ về tình hình phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 có nêu tình trạng hoạt động khai thác trái phép cát, sỏi diễn ra ở nhiều địa phương. Thế nhưng vi phạm pháp luật diễn ra trên khắp cả nước. Thực tế cho thấy hoạt động vi phạm pháp luật này mang lại lợi nhuận khổng lồ. Và những thiệt hại rất lớn do khai thác cát sỏi gây ra thì ai cũng biết.

Đưa ra dẫn chứng, có doanh nghiệp đấu giá bỏ ra hơn 3000 tỷ để có thể trúng thầu khai thác cát trong khi giá chỉ 7,2 tỷ đồng, ông Long khẳng định, lợi nhuận là nguyên nhân để các tổ chức cá nhân vi phạm bất chấp tất cả; hệ quả là gây ra tác hại rất lớn về môi trường, thất thoát lượng lớn về tài nguyên, thất thu ngân sách, làm ảnh hưởng lớn tới mưu sinh, sinh kế của hàng triệu người dân khu vực bờ sông.

“Câu hỏi đặt ra là tại sao tình trạng này kéo dài, nghiêm trọng như vậy còn hiệu quả đấu tranh lại không cao? Hệ thống pháp luật của chúng ta hiện rất đầy đủ và hoàn thiện. Ngoài Luật Khoáng sản còn có Luật Tài nguyên nước và các luật có liên quan. Chính phủ cũng ban hành Nghị định 23 năm 2020 quy định cụ thể về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ bờ, bãi sông, lòng sông, xác định rõ trách nhiệm từng bộ, ngành và UBND địa phương nhưng tại sao công tác đấu tranh này lại không hiệu quả?”- ông Long nêu câu hỏi đồng thời đặt vấn đề: “Phải chăng có sự lơ là, buông lỏng của chính quyền các cấp trong việc quản lý? Mới đây Bộ Công an đã cử các đơn vị xuống Hải Phòng để truy bắt hàng chục tàu khai thác cát trái phép. Vấn đề đặt ra là tại sao những sai phạm của địa phương mà trên Bộ xuống mới xử lý được? Vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương đến đâu?”.

Theo ông Long, thời gian tới Chính phủ cần tập trung các biện pháp chỉ đạo, quyết liệt trong việc lập lại trật tự trong khai thác cát, sỏi và lòng sông trên khắp cả nước và xử lý tất cả các tổ chức, cá nhân vi phạm. Cùng với đó, cần xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý công tác này.

Xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), thời gian qua, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các ngành tư pháp phối hợp với hệ thống chính trị cùng toàn dân tham gia, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm nên công tác phòng chống tội phạm, tham nhũng đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhận định tình hình sắp tới sẽ “sống chung an toàn” với dịch Covid-19, tội phạm dự báo sẽ tiếp tục phát sinh ở nhiều lĩnh vực, ông Hòa đề nghị: Cần có sự quyết tâm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công; lợi ích nhóm, “sân sau”.

“Để việc phòng ngừa, ngăn chặn đạt hiệu quả, phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho công chức, viên chức và người lao động để “không dám, không muốn, không ham” tham nhũng. Tăng cường thanh tra, kiểm toán, giám sát các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng. Nhất là thời gian gần đây xảy ra trong mua sắm thiết bị y tế, gói hỗ trợ an sinh xã hội, đóng góp của nhân dân trong công tác từ thiện” - ông Hòa cho hay.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) đề nghị làm rõ hơn tình hình gây rối trật tự công cộng và tội phạm chống người thi hành công vụ, bởi đây là hai loại tội phạm tăng đột biến trong năm 2021. Bày tỏ bức xúc khi hoạt động nhân đạo, từ thiện, kêu gọi, vận động trong công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh vừa qua xảy ra việc tranh chấp, nói xấu lẫn nhau trên mạng xã hội, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, văn hoá truyền thống Việt Nam, ông Bình kiến nghị: “Các cơ quan điều tra, tư pháp phải vào cuộc điều tra, xử lý kịp thời và quyết liệt, không để tình trạng này tồn tại như thời gian qua”.

Đề nghị xây dựng Luật Đăng ký tài sản

Đề cập tới vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho biết: Những năm gần đây các cơ quan tố tụng đã làm tốt hơn, tích cực hơn nhưng chưa hài lòng so với yêu cầu bởi số thất thoát so với số thu hồi chưa tương xứng. Theo ông Trí, kể cả có quyết tâm kê biên, thu hồi nhưng vẫn phải tuân theo pháp luật hiện hành. Không phải lúc nào cũng có thể kê biên, niêm phong tài sản. Nếu kê biên, niêm phong không đúng, sẽ phải bồi thường. Từ đó ông Trí đề nghị Quốc hội xây dựng Luật Đăng ký tài sản do vẫn còn khoảng trống trong việc kê biên tài sản. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt để dễ dàng xác định nguồn gốc tài sản và có cơ sở để thu hồi, tránh tình trạng các đối tượng tẩu tán tài sản trong quá trình điều tra.

V.Thắng