Thương những cây cầu
Hà Nội đang xôn xao quanh chuyện thiết kế một cây cầu mới mang tên Trần Hưng Đạo. Khi hoàn thành, đây sẽ là cây cầu thứ 8 bắc qua sông Hồng. Những cây cầu mới làm cho thành phố mỗi ngày càng trở nên hiện đại hơn, lộng lẫy hơn. Nhưng cũng vì thế mà tôi bỗng thấy nhớ nhung một Hà Nội trong ký ức, từ khi mới chỉ có độc nhất cây cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, rồi sau đó, thêm những cây cầu lần lượt xuất hiện…
1. Bố tôi lớn lên ở phố Hàng Than, gần nhà máy điện Yên Phụ, là nơi làm việc của ông nội tôi thời còn Pháp thuộc. Sau năm 1954, bố tôi rời thủ đô đi lập nghiệp ở nhiều nơi và dừng chân ở đất Thái Nguyên. Đó là lý do mà hàng năm, cứ vào mỗi dịp nghỉ hè, tôi lại được bố cho về Hà Nội thăm ông bà bằng tàu hoả. Tôi vẫn còn nhớ như in những chuyến tàu chợ Thái Nguyên- Hà Nội ngày ấy, nó ì ạch, lê thê, có hơn 80km mà đi ròng rã cả ngày trời. Chỉ đến khi nghe tiếng bánh sắt nghiến lên đường ray rầm rầm và tiếng bố nhắc đến cầu Long Biên rồi, tôi mới vội vã nhìn ra cửa sổ để ngắm dòng sông Hồng ngầu đỏ đang miên man cuộn chảy. Những nhịp cầu sắt cổ kính từ từ lướt qua trước mắt trước khi con tàu ì ạch bò vào thành phố rực rỡ ánh đèn.
Với tôi, cây cầu Long Biên lúc đó giống như một dấu gạch nối hai thế giới, một thế giới bình dị, nghèo khó mà tôi đang sống, với một thế giới phồn hoa đô hội. Sau này, khi đã về Hà Nội học đại học, tôi vẫn theo những chuyến tàu đó về thăm nhà, mỗi lần qua cầu Long Biên, cảm giác hai thế giới ở hai đầu cây cầu vẫn rất rõ rệt. Nhưng phải đến lúc đó, tôi mới nhìn rõ hơn cây cầu trăm tuổi này.
Cầu Long Biên do người Pháp xây dựng từ năm 1898 đến 1902 dưới thời Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Doumer. Nó từng là cây cầu cầu dài thứ hai trên thế giới (chỉ sau cầu Brooklyn bắc qua sông East-River của Mỹ), từng được ví là tháp Eiffel nằm ngang của Hà Nội. Hồi đó, phương tiện còn thưa thớt nên cầu được thiết kế chỉ có một đường sắt đơn chạy ở giữa còn hai bên là hai làn đường dành cho xe đạp và người đi bộ. Đó cũng là 1 trong 2 cây cầu đặc biệt ở Việt Nam, cùng với cầu Việt Trì, cũng do người Pháp xây dựng, người tham gia giao thông lại đi phía bên trái.
Rồi trong những tháng ngày cùng bè bạn lang thang khắp phố phường Hà Nội, tôi đã nhiều lần lặng ngắm vẻ già nua của cây cầu, nhìn thấy màu thời gian đọng lại trên từng con ốc vít, trôi trên từng thanh ray tàu, phũ phàng trên những nhịp dầm thép. Tôi cũng nhìn thấy sự tàn khốc của chiến tranh chưa xa khi gặp những nhịp cầu nhấp nhô bị gián đoạn, do có những nhịp cầu đã bị trúng bom và chìm sâu dưới đáy sông. Người ta không thể, hay không muốn khôi phục lại chúng một cách nguyên bản, để sự không hoàn thiện ấy mãi là chứng tích của những ngày cầu Long Biên là trọng điểm đánh phá của không lực Hoa Kỳ..
Điều đặc biệt là, khi có thêm những cây cầu mới mọc lên, cây cầu Long Biên bỗng trở nên cũ kỹ, thậm chí có phần lam lũ. Nó trở thành cây cầu gắn bó với những nỗi nhọc nhằn mưu sinh của người dân nghèo. Suốt mấy chục năm ròng, cứ mỗi sáng sớm, dòng người xe đạp thồ chở đủ thứ nông thổ sản từ ngoại thành nườm nượp đổ vào Hà Nội. Rồi chiều đến, dòng xe đạp thồ lại vội vã trở về qua cây cầu này. Đến bây giờ, vẫn dòng người chở nông sản ấy, chỉ khác là xe đạp được thay bằng xe máy. Tôi cũng đã gặp những số phận người cả đời gắn bó với cây cầu Long Biên này. Một anh xe ôm không biết bao nhiêu năm vẫn đứng ở góc đường Trần Nhật Duật ngay dưới gầm cầu này chờ khách. Một bà bán chè chén vẫn ngồi chếch phía dưới mà khách khứa hầu như là những gương mặt lam lũ quen thuộc. Rồi thời nào cũng có những người sa cơ, lỡ vận phải tá túc ngay dưới những trụ cầu. Cây cầu vẫn như thế, bao dung và chở che. Rồi tôi gặp những người nghệ sĩ nhiếp ảnh lang thang tìm lại bóng dáng xưa cũ của Hà Nội, những đôi tình nhân đưa nhau lên cây cầu này hẹn thề...
2. Sau hơn 70 năm chỉ có duy nhất cầu Long Biên bắc qua sông Hồng vào Hà Nội, đến năm 1985, cầu Thăng Long được khánh thành. Với tổng chiều dài khoảng 10,7 km, cầu Thăng Long khi đó là cây cầu dài nhất Việt Nam. Cây cầu được áp dụng những công nghệ hiện đại nhất lúc bấy giờ, xứng danh với tên gọi “công trình thế kỷ”, nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam vừa trải qua chiến tranh và công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế mới bắt đầu. Cầu có 2 tầng, tầng dưới ở giữa là đường sắt, 2 bên là xe thô sơ, tầng 2 dành cho xe ô tô. Vào những năm tháng đó, cầu Thăng Long cùng với nhà máy thuỷ điện Hoà Bình do Liên Xô giúp ta xây dựng trở thành một trong những điểm tham quan của Hà Nội, trở thành biểu tượng của tình hữu nghị Việt Xô. Tôi cũng từng có mặt trong đoàn đại biểu cháu ngoan Bác Hồ được đến thăm cây cầu này và đến giờ vẫn nhớ nguyên cảm giác choáng ngợp về sự vĩ đại của công trình. Còn nhớ, thời gian đầu đi vào khai thác, cầu Thăng Long chưa phát huy hiệu quả, xe cộ khá vắng vẻ. Nhưng rồi vài năm sau đó, kinh tế phát triển, cầu Thăng Long bắt đầu nhộn nhịp và đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc thu hút đầu tư cho các tỉnh khu vực phía Tây Bắc như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai... So với cây cầu Long Biên cổ kính và duyên dáng, giống như một gạch nối quá khứ với hiện tại, thì cầu Thăng Long lại như một cách tay khoẻ khoắn, rộng mở vươn tới tương lai.
Cây cầu thứ 3 của Hà Nội là cầu Chương Dương, chỉ khánh thành ngay sau cầu Thăng Long khoảng 1 tháng. Cầu Chương Dương nhanh chóng trở thành cây cầu có mật độ phương tiện đông nhất suốt từ khi hoàn thành cho đến tận bây giờ, bởi vị trí quá đắc địa nối thẳng vào khu vực trung tâm của Hà Nội. Đây là cây cầu thép đầu tiên do các đơn vị của ngành giao thông tự thiết kế thi công, là niềm tự hào về tinh thần tự lực tự cường của ngành cầu đường Việt Nam. Trong bối cảnh đất nước khó khăn, các đơn vị thi công đã đã tận dụng cả những vật liệu thừa từ quá trình xây dựng cầu Thăng Long để xây cầu Chương Dương. Được mệnh danh là chứng nhân cho thời kỳ đổi mới của Hà Nội, cây cầu Chương Dương đã chứng kiến Thủ đô Hà Nội cao thêm, dài rộng ra như thế nào trong suốt hơn ba chục năm qua.
Tiếp sau đó, Hà Nội liên tục có thêm những cây cầu hiện đại là Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Ba Vì. Mỗi cây cầu đều mang đến một niềm tin, hy vọng mới cho Hà Nội. Nhưng có lẽ, ấn tượng hơn cả với tôi là cầu Nhật Tân, cây cầu thép dây văng lớn nhất Việt Nam, được coi như một biểu tượng mới của Hà Nội, hoàn thành tháng 1/2015. Cây cầu có 5 trụ tháp chính kết nối các nhịp dây văng nâng đỡ toàn bộ phần chính của cây cầu, tượng trưng cho 5 cửa ô cổ kính của Hà Nội. Mang tên làng trồng đào nổi tiếng, cây cầu là luồng sinh khí mới cho vùng đất cổ kính giàu truyền thuyết ở phía Tây Hà Nội. Mỗi khi đêm xuống, cây cầu khoác lên mình một bộ áo mới đa sắc màu, ánh sáng thay đổi nhịp nhàng sáng rực cả một khúc sông. Một người bạn nước ngoài của tôi đã tâm sự, trước khi đến Hà Nội, tôi cứ hình dung ra một đất nước Việt Nam nhỏ bé, nghèo nàn do bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nhưng khi hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, ngồi trên xe lướt qua cầu Nhật Tân để vào nội thành, tôi đã thấy một Hà Nội, một Việt Nam hoàn toàn khác, rất trẻ trung và hiện đại.
Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có thêm ít nhất 10 cây cầu nữa bắc qua sông Hồng trong tương lai, mà gần nhất là cây cầu Trần Hưng Đạo sắp được xây dựng. Thật khó hình dung Hà Nội của tôi trong 10 năm, 20 năm hay 50 năm nữa sẽ ra sao, chỉ biết rằng, những cây cầu cũ sẽ nằm mãi trong ký ức Hà Nội.