Nhiều dịch vụ chậm trở lại ‘cuộc đua’
Trong khi các doanh nghiệp từ nhiều ngành kinh tế khác ở khu vực phía Nam đang nỗ lực trở lại “cuộc đua” thì các ngành dịch vụ vẫn chờ diễn biến dịch và chỉ đạo của chính quyền. Việc phục hồi của ngành này trong thời gian tới như thế nào vẫn đang là dấu hỏi sau những tổn thương lớn từ đợt dịch Covid-19 thứ 4.
“Lực bất tòng tâm”
Anh Trần Ngọc Tín - Chủ một quán ăn ở TP Thuận An (tỉnh Bình Dương) cho biết, vào giữa năm 2019, anh ký hợp đồng thuê mặt bằng 3 năm để mở quán ăn trên quốc lộ 13. Mở ra được 6 tháng thì dịch xuất hiện. Từ đó cho đến nay được hơn 2 năm, quán liên tục phải đóng cửa do các đợt dịch bùng phát. Trong khoảng 4 tháng gần đây, quán phải đóng cửa hoàn toàn, chủ nhà chỉ giảm cho 30% những tháng đóng cửa, còn tất cả phải gồng gánh tiền mặt bằng, thậm chí còn phải lo cho nhân viên vì họ bị kẹt lại, không kịp về quê tránh dịch.
Cũng theo anh Tín, hiện chính quyền cho phép bán mang đi nhưng lượng khách cũng rất thưa thớt vì tâm lý khách hàng ngại đến những nơi tiếp xúc đông người. Không biết khi nào tình hình mới bình thường trở lại.
“Lúc thuê mặt bằng, kinh doanh cái gì cũng dễ nên tôi mới chấp nhận yêu cầu của chủ nhà đặt cọc trước 6 tháng, bây giờ muốn rút ra cũng không được. Hơn nữa, bỏ mặt bằng rồi cũng chẳng biết làm gì, mà vật dụng như bàn, ghế, tủ lạnh, xoong nồi… bán ở thời điểm này chưa chắc có ai mua nên đành đợi thêm một thời gian nữa, hy vọng dịch hết, chuyện làm ăn có thể trở lại như trước đây” - anh Tín buồn bã chia sẻ.
Còn tại TP HCM, nơi được xem như “tâm dịch” của cả nước đang tiến tới việc trở lại trạng thái “bình thường mới”. Chị Phùng Thị Hạnh, chủ một quán cà phê lớn ở phường Bình Thọ, TP Thủ Đức mong muốn sớm được bán hàng phục vụ tại chỗ để tận dụng cơ hội thị trường trong các tháng cuối năm, nhằm tăng doanh thu, bù đắp lại những tháng phải ngừng hoạt động do ảnh hưởng dịch bệnh.
Về việc tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, cho biết Thành phố sẽ thí điểm, có thể tổ chức ở quận 7 hoặc những địa bàn đáp ứng đủ các điều kiện về an toàn. Và khi thí điểm dịch vụ ăn uống tại chỗ, như lưu ý của ông Phan Văn Mãi là TP HCM đang đánh giá khẩn trương nhưng thận trọng”.
TP HCM hiện vẫn đang áp dụng các bộ tiêu chí trong các lĩnh vực như sản xuất, giao thông, công thương, du lịch… làm cơ sở để các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động và thời gian tới sẽ tiếp tục điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với từng lĩnh vực, trong đó có các ngành dịch vụ.
Đều dễ bị “tổn thương”
Số liệu mới đưa ra từ Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm 2021 của cả nước đã sụt giảm 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ ăn uống đạt gần 260 nghìn tỷ đồng, giảm 20,7%. Còn doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 19,5 nghìn tỷ đồng, giảm 37,1%. Ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành dịch vụ du lịch lữ hành.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến mới đây để bàn về việc phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng: “So với các ngành khác, du lịch là ngành dịch vụ dễ bị tổn thương, liên quan đến sự di chuyển của con người, mật độ, khả năng tương tác cao nên dễ thành tâm điểm chịu tác động ngay lập tức. Và khi phục vụ phải đợi các ngành khác phục hồi, khó lại càng khó”.
Bên cạnh khó khăn của ngành dịch vụ ăn uống hay du lịch thì doanh thu các dịch vụ khác trong 9 tháng đầu năm nay cũng giảm 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Cũng theo Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nên doanh thu của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể đều sụt giảm. Đến nay, các doanh nghiệp vừa sản xuất kinh doanh vừa phải chống dịch nên hiệu quả sản xuất kinh doanh dịch vụ chưa cao. Đơn cử như mảng dịch vụ giáo dục và đào tạo sụt giảm doanh thu đến 33,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi, dịch vụ vui chơi giải trí giảm 19,3%; dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 23,4%; dịch vụ hành chính và hỗ trợ giảm 18,1%.
“Khi doanh thu của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh, và cơ hội để hồi phục vẫn còn đầy bất trắc ở phía trước trong bối cảnh nhiều địa phương đang tỏ ra khá thận trọng cho trạng thái bình thường mới, việc trở lại “đường băng” tăng trưởng của DN trong các ngành dịch vụ lại càng gian nan hơn” - TS.Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright.