Quy hoạch cảng biển: Chờ bứt phá
Với những chính sách mở về đầu tư của Chính phủ, hệ thống cảng biển Việt Nam đã thu hút được nhiều nhà đầu tư khai thác cảng chuyên nghiệp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, dư địa để phát triển cảng biển còn rất lớn.
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), đến hết tháng 6/2021, cả nước có 286 bến cảng/chiều dài khoảng 96 km cầu cảng (gấp hơn 4,5 lần năm 2011), với tổng lượng hàng hóa thông quan đạt 692,2 triệu tấn. Song hệ thống cảng biển vẫn tồn tại nhiều bất cập như: Chưa đồng bộ giữa quy hoạch cảng biển với quy hoạch xây dựng của địa phương, các ngành khác, dẫn đến tình trạng ùn ứ trong quá trình vận tải hàng hóa đến các khu bến cảng.
Để khắc phục các bất cập của quy hoạch cũ, quy hoạch cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 đã chính thức được công bố tập trung vào những cụm cảng chính như: Cụm cảng Hải Phòng, Quảng Ninh; Cụm cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Đông Hồi (Nghệ An); Cụm cảng Đà Nẵng, Quảng Nam, Dung Quất (Quảng Ngãi); Cụm cảng Quy Nhơn (Bình Định) – Vân Phong (Khánh Hòa); Cụm cảng TP HCM – Cái Mép Thị Vải... Đồng thời quy hoạch mới tập trung phát triển các cảng trọng điểm, cảng cửa ngõ, xóa dần các cảng nhỏ lẻ nằm trong đất liền hình thành các cụm cảng kết nối với nhau, kết nối với đường thủy, đường bộ, đường sắt.
Phía bộ Giao thông Vận tải cho biết, quy hoạch sẽ ưu tiên phát triển cảng cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển quốc tế, tiếp nhận được tàu trọng tải lớn phù hợp xu thế phát triển đội tàu biển thế giới; phát triển các cụm cảng biển có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội của cả nước hoặc liên vùng.
Thời gian tới sẽ có 5 nhóm cảng biển, trong đó, nhóm cảng biển số 1 gồm cảng biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình; nhóm cảng số 2 từ các cảng biển Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế; nhóm cảng số 3 gồm cảng biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận; nhóm cảng biển số 4 gồm cảng biển vùng Đông Nam Bộ và nhóm cảng số 5 gồm các cảng biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo tính toán của Cục Hàng hải Việt Nam để phát triển hệ thống cảng biển cần huy động vốn khoảng 300.000 - 320.000 tỷ đồng thực hiện. Nhu cầu vốn thực hiện được ước tính theo quy mô đầu tư kết cấu hạ tầng quy hoạch trên nguyên tắc “vốn đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” và “vốn Nhà nước chỉ là vốn mồi” để thu hút nguồn vốn doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Hàng hải là tiếp tục duy trì sự tăng trưởng của khối cảng biển trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, làm cơ sở để hoàn thiện quy hoạch cảng biển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, tạo tiền đề phát triển bền vững kinh tế biển theo định hướng của Đảng và Nhà nước.
Còn theo các chuyên gia trong ngành, để quy hoạch cảng biển Việt Nam vươn ra quốc tế, cạnh tranh và hội nhập, ngành Hàng hải cần đi trước đón đầu xây dựng các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyên quốc tế, cảng chuyên dụng gắn với các dịch vụ hỗ trợ; hoàn thiện hạ tầng logistics, cũng như hệ thống giao thông kết nối liên thông giữa cảng biển với các vùng miền trong nước và quốc tế. Ngoài ra, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển nâng cao năng lực đội tàu, ưu tiên thị phần vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đi quốc tế.
Giới chuyên gia cũng cho rằng chi phí vận tải (so với đầu tấn hàng) qua đường biển thấp hơn chi phí vận tải ôtô. Khi vận chuyển hàng hóa bằng đường biển sẽ góp phần giảm giá thành vận tải nói chung, chi phí logistics và giảm áp lực cho đường bộ, tăng an toàn giao thông. Đây là định hướng phù hợp với kết cấu hạ tầng cảng biển, là tăng sản lượng hàng hóa vận tải bằng phương thức vận tải khối lượng lớn, giá thành rẻ.