Vì sao vẫn khó thu hồi tài sản thất thoát do tham nhũng?

LÊ ANH 25/10/2021 06:10

Quá trình xét xử và thi hành các vụ án tham nhũng được dư luận đặc biệt quan tâm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo). Ngành thi hành án tại TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp luật khiến quá trình thi hành án kéo dài, trong khi cũng chưa thu hồi được hết số tiền bị thất thoát, chiếm đoạt.

Nhiều bất cập trong thu hồi tài sản tham nhũng

Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố các lãnh đạo trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến “khu đất vàng” trung tâm quận 1, TP HCM.

Trong đó, cơ quan này đề nghị Tòa án nhân dân TP HCM giải quyết tài sản nhà đất số 4-6 Hồ Tùng Mậu (quận 1) theo quy định pháp luật.

Vào năm 2010 khi UBND TP HCM chỉ định bán địa chỉ nhà đất trên cho công ty Upexim. Do không có khả năng tài chính, các lãnh đạo HĐQT của doanh nghiệp này đã để Công ty cổ phần đầu tư thương mại TRADECO tham gia góp vốn hợp tác kinh doanh xây dự án Upex Tower. Trước đó, Upexim đã nhận 60 tỷ đồng, tương đương 50% giá trị quyền sử dụng đất từ TRADECO.

Tuy nhiên, ông Trương Vui, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Upexim tự ý thỏa thuận bán tài sản này cho đối tác khác với giá 280 tỷ đồng, nhận trước 120 tỷ đồng. Nhờ đó, chiếm đoạt cá nhân 47,8 tỷ đồng và chuyển vào tài khoản Upexim hơn 72 tỷ đồng.

Năm 2019, Tòa án nhân dân TP HCM xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt ông Trương Vui tù chung thân về cả 2 tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Về việc thi hành trách nhiệm dân sự của vụ án yêu cầu kê biên khu “đất vàng” 4-6 Hồ Tùng Mậu (quận 1) để đảm bảo nghĩa vụ thi hành của các bên liên quan vẫn chưa được thực hiện. Mới đây, khi xét xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP HCM tuyên hủy phán quyết sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Trong đó, cấp phúc thẩm xác định giá trị thực tế của địa chỉ nhà đất trung tâm quận 1, TP HCM kể trên là lớn hơn rất nhiều so với định giá trong tố tụng hình sự.

Không chỉ trong vụ án kể trên, liên quan đến vụ án tại Ngân hàng Việt - Hoa từng “nổi đình nổi đám” trong ngành ngân hàng, Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM cũng thừa nhận khó khăn trong xử lý một số tài sản kê biên thi hành án do chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, dẫn đến việc phát mãi tài sản rất chậm. Chẳng hạn, khi kê biên 1/2 tài sản là một căn nhà ở quận 5 nhưng khi xác minh thì tài sản này người bị thi hành án chỉ đứng tên giùm. Việc này đã dẫn đến phát sinh tranh chấp và không thể thi hành án được.

Ngăn chặn thất thoát tài sản tham nhũng

Ông Đỗ Mạnh Bổng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM nhìn nhận, thời gian qua có rất nhiều vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử tại TP HCM nhưng công tác thu hồi tài sản luôn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Do đó, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân, trong khi tài sản thất thoát bị chiếm đoạt chưa thu hồi được hết.

Cũng theo ông Bổng, thực tế thống kê kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng và chức vụ là rất thấp so với yêu cầu đặt ra. Nguyên nhân thì rất nhiều, nhưng phần lớn do các rối rắm về pháp lý của các tài sản chưa rõ ràng; bên cạnh việc tài sản chung của người phải thi hành án, có liên quan cả với người khác. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM cũng thừa nhận, tài sản quy bằng tiền từ các vụ án tham nhũng là rất lớn nhưng tài sản được tuyên án yêu cầu kê biên lại không nhiều, dẫn đến giá trị thu hồi chưa tương xứng với tài sản thực tế bị chiếm đoạt.

Trước các bất cập trong thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế và chức vụ, mới đây Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM kiến nghị Chính phủ xây dựng “Cơ sở dữ liệu về tài sản công dân” trên phạm vi toàn quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý, đẩy nhanh tiến độ xác minh, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản.

Để việc thu hồi tài sản tham nhũng triệt để hơn, Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM cũng kiến nghị xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan tố tụng và các cơ quan có liên quan (thanh tra, kiểm toán, ngân hàng, tổ chức tín dụng,...) để đảm bảo việc thu hồi tài sản hiệu quả. Trong đó, các ngân hàng và tổ chức tín dụng cần phối hợp với các cơ quan tố tụng trong việc cung cấp thông tin để kịp thời phong tỏa kê biên tài khoản liên quan đến các vụ án tham nhũng.

LÊ ANH