Bảo Lộc (Lâm Đồng): Hiến đất chỉ nhằm… phân lô, tách thửa
Người dân “đua nhau” hiến đất, nhưng chủ yếu vẫn là nhằm mục đích phân lô, tách thửa, xây dựng các công trình giao thông không phép phục vụ lợi ích cá nhân chứ không phải để phục vụ lợi ích công cộng. Đó là những gì đang xảy ra tại TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Buông lỏng quản lý
Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, việc các cá nhân, hộ gia đình hiến đất, tự đầu tư hạ tầng nhằm mục đích phân lô, tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc có diễn biến phức tạp.
Trên các trang mạng xã hội có nhiều thông tin, quảng cáo về các “dự án bất động sản”, do một số đối tượng môi giới bất động sản tự đặt tên và đăng tin quảng cáo nhằm thu hút người mua. Trên thực tế, các “dự án” này đều không được cơ quan thẩm quyền cấp phép.
Theo cơ quan thanh tra, để xảy ra tình trạng trên là do công tác chỉ đạo của Thành ủy, công tác quản lý của UBND TP Bảo Lộc còn lúng túng, chưa chặt chẽ, chưa kiên quyết, dẫn đến việc nhiều trường hợp vi phạm nhưng chưa được xử lý kịp thời.
Cụ thể, một số trường hợp, người sử dụng đất đã hiến đất, sau đó tiếp tục xây dựng công trình. Cá biệt có một số điểm còn làm hàng rào, xây dựng nhà bảo vệ. Đây là hành vi lấn chiếm đất công.
“Bản chất của việc hiến đất chủ yếu vẫn là nhằm mục đích phân lô, tách thửa, phục vụ lợi ích cá nhân chứ không phải là để phục vụ lợi ích công cộng, không thuộc đối tượng được nhà nước khuyến khích” - Thanh tra tỉnh Lâm Đồng kết luận.
Thanh tra tỉnh Lâm Đồng xác định, về hồ sơ, người sử dụng đất không lập “Văn bản tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định” mà chỉ lập “Đơn xin hiến đất” và UBND xã ghi nội dung “Kính chuyển” các cơ quan giải quyết. Vì vậy, không xác định được bên nhận tặng là cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hay cộng đồng dân cư nào.
Như vậy, điều đó cho thấy rằng, việc cơ quan đăng ký đất đai xác định UBND các xã, phường là tổ chức nhận tặng cho quyền sử dụng đất được hiến là chưa đủ cơ sở vì các đơn vị này chỉ “Kính chuyển” các cấp thẩm quyền xem xét việc hiến đất làm đường.
Cơ quan thanh tra chỉ rõ, việc người dân xây dựng các công trình giao thông trên đất nông nghiệp là không đúng quy định, nhưng với việc chấp nhận hồ sơ, căn cứ vào đơn xin hiến đất để ghi nhận hiện trạng (đường giao thông) vào hồ sơ địa chính đã gián tiếp ghi nhận công trình vi phạm, tạo điều kiện cho người sử dụng đất được tách thửa vì lợi ích cá nhân và việc buông lỏng các thủ tục trong triển khai xây dựng các công trình tạo điều kiện cho tình trạng hiến đất, xây dựng đường giao thông không theo quy hoạch phát triển giao thông đã được TP Bảo Lộc phê duyệt.
Ngoài ra, việc xây dựng các công trình giao thông với kết cấu bê tông nhựa, bê tông xi măng (cá biệt có điểm xây dựng cả vỉa hè, dựng trụ điện) trên đất nông nghiệp là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích, có dấu hiệu của hành vi hủy hoại đất.
Qua kiểm tra việc đầu tư xây dựng mới các tuyến đường của 9 cá nhân trên địa bàn phường Lộc Phát và xã ĐạmB’ri (TP Bảo Lộc), Thanh tra tỉnh Lâm Đồng phát hiện các trường hợp trên đều không có cấp giấy phép xây dựng, không được phê duyệt hoặc chấp nhận về hướng tuyến công trình. Các chủ đầu tư không thông báo thời điểm khởi công, không cung cấp hồ sơ thiết kế đến cơ quan quản lý xây dựng của địa phương.
Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ diện tích đất đã được các cá nhân hiến đất làm đường (đã hình thành các con đường) chưa được chính quyền địa phương “nhận hiến”, đưa vào quỹ đất công để quản lý.
“Việc hình thành những con đường không theo quy hoạch, kế hoạch của địa phương nên gián tiếp ảnh hưởng đến các chỉ tiêu cơ cấu sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt và giảm hiệu quả sử dụng đất. Bên cạnh đó, tiềm ẩn nguy cơ hình thành các điểm dân cư mới không đúng quy hoạch do hiện nay diện tích đất này được rao bán dưới hình thức các Dự án bất động sản để lừa đảo đối với người mua” - Thanh tra tỉnh Lâm Đồng chỉ rõ.
Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra
Nhận định về nguyên nhân, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cho rằng, UBND TP Bảo Lộc còn chưa thực sự chặt chẽ, có biểu hiện buông lỏng công tác quản lý sử dụng đất đai, quản lý hoạt động xây dựng hạ tầng nhằm tách thửa của một số cá nhân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh có dấu hiệu buông lỏng công tác thẩm định hồ sơ, cố ý bỏ qua các sai phạm trong quá trình thẩm định hồ sơ và đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi tách thửa cho các trường hợp không đảm bảo các điều kiện.
Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Bảo Lộc còn phụ thuộc quá nhiều vào công tác thẩm định của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh và sự chỉ đạo của Sở TN&MT nên việc lập hồ sơ với một số trường hợp hiến đất mở đường chưa đảm bảo các quy định như: đơn vị hiến đất không có ý kiến của chính quyền địa phương, không đủ chữ ký của người đồng sử dụng; không chủ động phát hiện việc sử dụng đất sai mục đích, xây dựng công trình vi phạm để đề xuất với cơ quan chuyên môn kiểm tra, xử lý kịp thời.
Thanh tra tỉnh Lâm Đồng chỉ rõ trách nhiệm của Chủ tịch và nguyên Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc (theo thời gian giữ chức vụ) trước Chủ tịch UBND tỉnh đối với các tồn tại, hạn chế trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn.
Giám đốc Sở TN&MT chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong công tác tham mưu, chỉ đạo hoạt động, đặc biệt việc chỉ đạo áp dụng quy định về “tặng cho” quyền sử dụng đất tại các cơ quan thuộc Sở TN&MT chưa đúng quy định của pháp luật, nhưng không có biện pháp phát hiện, xử lý kịp thời.
Đặc biệt, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng kiến nghị UBND tỉnh chuyển cơ quan công an để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý các sai phạm đối với các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm trong việc chỉ đạo, thực hiện các trình tự, thủ tục liên quan dẫn đến các sai phạm trong việc hiến đất, ghi nhận hiện trạng đường giao thông để giải quyết hồ sơ tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc.
Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo kiểm tra công tác lãnh đạo đối với Thành ủy Bảo Lộc để xử lý trách nhiệm (nếu có) theo quy định của Đảng về các nội dung có liên quan trong quản lý, chấn chỉnh tình trạng người dân hiến đất, tự đầu tư xây dựng đường giao thông không đúng quy định, dẫn tới tình trạng vi phạm kéo dài, gây dư luận xã hội không tốt đến công tác lãnh đạo của chính quyền, cấp ủy địa phương.