Sân khấu kịch nói: Tìm cách giữ chân khán giả
Trong suốt chặng đường 100 năm hình thành và phát triển, sân khấu kịch nói Việt Nam đã tạo nên những trang sử vàng. Tuy nhiên, hiện nay kịch nói đang phải đối mặt với nguy cơ bị khán giả quay lưng. Sự kiện tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam đang diễn ra là dịp để người hoạt động sân khấu cùng ngồi lại tìm hướng cho nền kịch nói nước nhà để thu hút khán giả.
Buồn vui sân khấu kịch nói
Trong Hội thảo “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển” vừa diễn ra cuối tuần qua, nhiều chuyên gia văn hóa nhận định: Nghệ thuật kịch nói Việt Nam 100 năm qua đã trưởng thành từ không đến có, từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp, từ thô sơ đến hiện đại, từ tài tử chơi vui đến “soi đường cho quốc dân đi”, “phò chính trừ tà”. Nó sinh ra bằng tiếp biến văn hóa với phương Tây và thành “chiến sĩ cách mạng”, gắn với con người làm nên lịch sử Việt Nam hiện đại và gắn kết với sân khấu truyền thống một cách sâu đậm, mang hồn cốt dân tộc Việt Nam.
Kịch nói Việt Nam qua các giai đoạn từ 1945 đến nay luôn có những tác phẩm xứng tầm được nhân dân hồ hởi chào đón và ghi nhận bởi sân khấu nói chung và kịch nói nói riêng luôn đồng hành cùng dân tộc. Trong các loại hình của sân khấu Việt Nam, kịch nói luôn là “mũi nhọn” đi vào cuộc sống và công chúng mong kịch mục của “mũi nhọn” ấy đề cập nhiều hơn nữa những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống mà nhân dân nghĩ, mong như một sự chia sẻ trong sự đồng hành tiến về phía trước.
Hiện nay, sân khấu càng rơi sâu vào tình trạng thưa vắng người xem, cùng với đó, định hướng tiếp tục tiến hành xã hội hóa sân khấu, khiến áp lực kéo khán giả đến rạp bằng mọi giá ngày càng cao. Người làm nghề lại phải giải bài toán làm gì, làm như thế nào để tạo hấp lực đối với khán giả, nâng cao hơn nữa chức năng giải trí mà không buông lỏng các chức năng khác của sân khấu, của nghệ thuật.
Đạo diễn Lê Quý Dương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Sân khấu thế giới ITI/UNESCO cho rằng: “Cần mạnh dạn thừa nhận rằng sân khấu kịch Việt Nam giai đoạn này, dù có những thành tựu nhất định, vẫn đang trong một cuộc khủng hoảng lớn với sự thiếu vắng những vở diễn có tầm vóc nhân bản và mang tính thời đại như ở giai đoạn trước. Đời sống sân khấu không còn sống động và dần chuyển hóa thành hai khu vực. Khu vực sân khấu kịch phía Bắc, với các nhà hát công lập gần như chỉ dựng vở theo chỉ tiêu, kế hoạch và phục vụ cho các kỳ hội diễn, hoàn toàn bằng kinh phí ngân sách nhà nước. Khu vực sân khấu phía Nam hình thành các nhóm sân khấu xã hội hóa của các nghệ sĩ trẻ, ngoài công lập, hoạt động bằng kinh phí tự thân”.
Cùng với đó, việc thiếu hụt khán giả vẫn là thực trạng chung của các Nhà hát, của các loại hình nghệ thuật sân khấu hiện nay. Nguồn thu từ bán vé của các loại hình nghệ thuật sân khấu hiện nay rất thấp, đời sống nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn. Chế độ đãi ngộ nghệ sĩ kém, rất nhiều nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân vẫn là diễn viên hạng 3, hạng 4 với mức lương và chế độ thấp. Chỉ tiêu biên chế hạn hẹp, các quy định về nhân sự nghiêm ngặt dẫn đến tình trạng thiếu hụt diễn viên trẻ tài năng…
Cũng chính bởi vậy, rất nhiều khoa đào tạo nghệ thuật sân khấu của các trường đại học nhiều năm gặp khó khăn nghiêm trọng trong khâu tuyển sinh. Khó tuyển sinh, khó đào tạo, thiếu hụt lớp kế cận, người nghệ sĩ khó chuyên tâm vào nghệ thuật do không thể chỉ sống bằng nghề … Chính những liên hoàn đó khiến nghệ thuật sân khấu kịch nói dần mai một trước sự tác động mạnh mẽ của yếu tố thị trường. Đó là một điều vô cùng đáng tiếc, đáng lo ngại…
Từng bước thay đổi, giữ nhiệt huyết với nghề
Để trở lại thời “huy hoàng” của sân khấu kịch nói, nhiều nghệ sĩ, đơn vị, nhà hát đã nhìn nhận lại và có bước đổi mới để phát triển.
NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết: “Nhà hát Kịch Hà Nội đã nắm bắt được tình hình và có những bước chuyển mình để khắc phục và thay đổi hiện trạng. Định hướng của Nhà hát Kịch Hà Nội trong hiện tại và tương lai là trở thành một Nhà hát đa năng lấy kịch nói làm trung tâm. Không chỉ kiên định với sở trường là các tác phẩm chính kịch, Nhà hát còn mở rộng và phát triển những chủ đề mới, thể loại mới để tiếp cận khán giả nhanh hơn, phù hợp hơn”.
Cũng theo NSND Trung Hiếu, ngoài việc làm mới mình, không ngừng học hỏi sáng tạo, Ban lãnh đạo Nhà hát rất tạo điều kiện cho các thế hệ trẻ (nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn cũng như các cán bộ nhân viên) cơ hội thể hiện năng lực bản thân, sẵn sàng chấp nhận rủi ro để các nghệ sĩ trẻ, nhân tố trẻ được học tập, thực hành và trưởng thành trong quá trình lao động nghệ thuật và làm việc…
Tham dự tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định, Đảng, Nhà nước và ngành Văn hóa luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và có chính sách phù hợp để đội ngũ văn nghệ sĩ, trong đó có nghệ sĩ sân khấu kịch nói. Vì thế, giới hoạt động sân khấu kịch nói cần giữ nhiệt huyết, phát huy sáng tạo, xây dựng những tác phẩm ý nghĩa, giá trị, phản ánh yếu tố mới trong hiện thực cuộc sống hôm nay, đáp ứng nhu cầu của công chúng.