Nên bỏ bớt các cuộc thi trực tuyến
Học sinh các cấp tại Hà Nội đang phải học trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19. Hình thức học này kéo dài khiến các giáo viên cũng thừa nhận hiệu quả không cao; đồng thời học sinh và phụ huynh đã rơi vào trạng thái “oải”, bởi hạ tầng phục vụ cho học trực tuyến không đồng đều ở mỗi gia đình.
Đã thế, cứ cách 2-3 tuần, các trường lại phát động những cuộc thi trực tuyến, với yêu cầu bắt buộc các học sinh đều phải tham gia. Theo thống kê của các phụ huynh Trường THCS Hoàng Liệt (Hoàng Mai - Hà Nội), từ đầu năm đến nay học sinh các khối lớp đã phải tham gia một số cuộc thi trực tuyến gồm: Tìm hiểu về an toàn giao thông; Tìm hiểu về biên cương Tổ quốc; Tìm hiểu về Luật trẻ em 2016…
Điều đáng nói, học sinh phải học trực tuyến trong thời gian dài đã rất nhiều áp lực, tiếp xúc máy tính quá nhiều, đến mức Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tinh giản chương trình học. Trong khi đó, việc phát động các cuộc thi như trên, đa phần phụ huynh học sinh phải “thi hộ” là chính. Trong các diễn đàn của phụ huynh, các ông bố bà mẹ - không phải ai cũng rành công nghệ, lao xao hỏi nhau cách thức làm bài thi thế nào, cách chụp bài gửi cho giáo viên chủ nhiệm ra sao… Chỉ bấy nhiêu thôi, cũng thấy các cuộc thi hình thức tới mức nào. Nhiều phụ huynh lên tiếng cho rằng nội dung các cuộc thi tuy có hữu ích, nhưng không quá cấp thiết, nhất là trong bối cảnh học sinh đang phải căng mình học trực tuyến vì dịch bệnh như hiện nay.
Hiệu trưởng các trường có lý giải rằng đây là những cuộc thi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng đội Trung ương phát động… và Liên chi đoàn, đội các trường hưởng ứng nhưng không bắt buộc học sinh tham gia. Song trên thực tế, hầu hết các giáo viên chủ nhiệm đều phổ biến theo cách bắt buộc học sinh phải làm bài thi. Đến hết giờ làm bài, còn học sinh nào chưa tham gia, giáo viên chủ nhiệm sẽ thông báo trong nhóm phụ huynh để đôn đốc, nhắc tên từng em chưa nộp… Điều này, gây ức chế không nhỏ cho cả phụ huynh và học sinh…
Được biết, nhiều cuộc thi là không bắt buộc, nhưng một số địa phương vẫn tổ chức rầm rộ và kết quả cuộc thi được coi là một căn cứ để đánh giá thành tích của trường, cũng như của giáo viên, học sinh. Lớp nào nhiều học sinh tham gia đoạt giải cao sẽ được ưu tiên trong phân loại thi đua cuối năm. Tại một số nơi, thậm chí ngay tại Hà Nội kết quả tham gia các cuộc thi còn được tính thành điểm cộng khi xét tuyển học sinh chuyển cấp, nhất là với những trường chất lượng cao. Việc tiến hành xét tuyển vào lớp 6 dựa theo các tiêu chí ưu tiên cộng thêm điểm cho học sinh có giải thưởng tại các kỳ thi Violympic Toán, Tiếng Anh, Tin học… suốt thời gian dài đã tạo tâm lý ganh đua của học sinh và phụ huynh. Thực trạng này rõ ràng đang mâu thuẫn với chỉ đạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc yêu cầu các trường không tổ chức thi học sinh giỏi đối với cấp tiểu học, và không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các sân chơi trí tuệ, gây căng thẳng cho học sinh.
Rõ ràng, bệnh thành tích trong trường học sẽ không thể chấm dứt nếu vẫn còn tình trạng các trường tiếp tục chạy đua theo những cuộc thi mang nặng tính phong trào. Để chủ trương giảm tải cho học trò được thực hiện nghiêm túc, rất cần sự hợp tác của giáo viên, học sinh, phụ huynh, nhằm góp phần ngăn chặn “bệnh” hình thức vốn âm ỉ lâu nay trong môi trường giáo dục.