Chặn gian lận xuất xứ hàng hóa

H.Hương 26/10/2021 06:56

Gần đây, ngành hải quan liên tiếp phát hiện nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu gian lận về xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa qua biên giới. Theo Tổng cục Hải quan, càng về cuối năm, tình trạng gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa thông qua hoạt động kê khai hải quan càng diễn biến phức tạp.

Gian lận gia tăng

Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, trong quý III/2021 đã phát hiện một số doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu gian lận về xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa qua biên giới. Trong đó, 3 DN khai sai xuất xứ hàng hóa nhập khẩu (NK) qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Những DN này nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng từ Trung Quốc, nhưng lại khai xuất xứ made in Japan, Germany, Mexico, India, USA; khai chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp…

Ví dụ, Công ty TNHH Trần Hoàng Việt Nam làm thủ tục NK một số mặt hàng kéo cắt tỉa cây bằng sắt mạ kết hợp nhựa; bộ lọc không khí dùng để lọc không khí và bộ lọc dầu; lõi lọc nước, bộ phận của máy lọc nước từ Trung Quốc. Tuy nhiên, DN này đã khai xuất xứ Nhật Bản đối với mặt hàng kéo cắt tỉa cây bằng sắt mạ kết hợp nhựa và khai xuất xứ Đức, Mexico, Ấn Độ, Hoa Kỳ cho các mặt hàng còn lại.

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Hữu Vượng cho biết, gian lận thương mại để vận chuyển trái phép hàng hóa thông qua khai báo hải quan diễn biến khá phức tạp. Đặc biệt, tình trạng khai sai về xuất xứ nhằm trục lợi, trốn thuế đang gây nhiều khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng.

Hiện có nhiều DN lợi dụng sự thông thoáng trong thông quan điện tử để khai sai về tên hàng, số lượng, chủng loại, mã số hàng hóa, xuất xứ…; hay lợi dụng thương mại điện tử, hàng hóa vận chuyển theo hình thức vận chuyển độc lập để gian lận thương mại, trốn thuế. Điều này đã và đang diễn ra ở cả hai chiều xuất và nhập khẩu.

Các chuyên gia chỉ ra, ở chiều xuất khẩu (XK), lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng đối với các nước ký kết hiệp định thương mại, các DN nhập hàng từ các nước khác, rồi đóng mác “Made in Vietnam” để hưởng lợi.

Thông tin từ lực lượng kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan cho biết, lực lượng này đã kiểm tra và xử lý một số DN NK hàng tơ sợi, vải lụa từ nước ngoài, gắn mác Việt Nam và XK vào thị trường Ấn Độ. Trước đó nữa là vụ việc Công ty TNHH xe đạp Excel - DN 100% vốn đầu tư Trung Quốc. Công ty này NK 100% linh kiện xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện từ Trung Quốc về Việt Nam để lắp ráp đơn giản ở giai đoạn cuối cùng thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện hoàn chỉnh, không đảm bảo xuất xứ Việt Nam.

Đại diện Cục Kiểm tra sau thông quan cho biết, DN đầu tư dây chuyền sản xuất sơ sài, thực hiện các công đoạn lắp ráp, chế biến giản đơn thuộc các công đoạn sản xuất quy định tại Điều 9, Nghị định 31/2018/NĐ-CP. Thủ đoạn khác là, DN giai đoạn đầu chưa hoàn thành đầu tư lắp ráp dây chuyền máy móc nhưng đã có sản phẩm XK. Thực chất, DN đã thực hiện NK dưới dạng bán thành phẩm và chỉ đưa về thực hiện lắp ráp giản đơn hoặc nhập khẩu dưới dạng sản phẩm hoàn chỉnh về chỉ thay đổi bao bì, nhãn mác rồi XK.

Lực lượng hải quan phát hiện nhiều thủ đoạn vi phạm, gian lận xuất xứ “đội lốt” hàng Việt.

Xuất hiện phương thức gian lận mới

Đáng chú ý, trong thời kỳ dịch bệnh, đã xuất hiện phương thức gian lận mới trong việc vận chuyển hàng lậu, hàng cấm. Đối tượng lợi dụng xe được cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên theo “luồng xanh” vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phục vụ sản xuất, xuất khẩu và lưu thông thông suốt qua chốt kiểm soát dịch Covid-19 để vận chuyển, mua bán trái phép hàng lậu, hàng cấm…

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho hay, tính đến hết tháng 9/2021, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 100.290 vụ việc vi phạm (giảm gần 300% so với cùng kỳ), thu nộp ngân sách nhà nước 7.519 tỷ đồng. Số vụ khởi tố là 1.615, với 2.148 đối tượng tăng hơn 90% so với cùng kỳ.

Giới chuyên gia nhận định, việc xử lý vi phạm liên quan đến gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp trong thực tiễn vẫn gặp nhiều khó khăn, bởi các quy định pháp luật hiện hành chưa rõ ràng, chưa cụ thể thế nào là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam. Trên thực tế, các khái niệm về xuất xứ được ghi trên hàng hóa hiện nay rất đa dạng như: “Made in Vietnam, Made by Vietnam, Of Vietnam origin, Product of Vietnam...”, điều này có thể gây ra nhiều cách hiểu khác nhau. Chưa kể hành vi “giả mạo xuất xứ” được quy định trong Nghị định số 128/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan có chế tài xử lý rất nặng nhưng không áp dụng được do chưa có quy định cụ thể, thống nhất cách hiểu thế nào là “giả mạo xuất xứ” nên dẫn đến tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần có Nghị định quy định là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, cách thức ghi tem nhãn, thế nào là hàng hóa “giả mạo xuất xứ”. Đảm bảo có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa. Đặc biệt, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ, ngành chức năng đối với các tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa để kịp thời chấn chỉnh việc cấp chứng từ không đúng quy định; tăng cường theo dõi, giám sát các DN tự chứng nhận xuất xứ nhằm ngăn chặn các trường hợp lợi dụng để gian lận...

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho rằng, từ nay đến cuối năm, nhu cầu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng sẽ tăng cao, nhất là khi dịch Covid-19 trong nước đã cơ bản được kiểm soát. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng sẽ gia tăng gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, buôn lậu. Vì vậy, các đơn vị hải quan tỉnh, thành phố phải tăng cường áp dụng đồng bộ, chặt chẽ các biện pháp nghiệp vụ hải quan từ khâu làm thủ tục hải quan cho đến các biện pháp nghiệp vụ khác như: Quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, kiểm soát hải quan. Bên cạnh đó việc điều tra, xác minh tại trụ sở DN để xác định hành vi vi phạm cần được chú trọng; thường xuyên rà soát, xác định các giao dịch, công ty có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất; phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng xác định đối tượng DN có dấu hiệu gian lận, chuyển danh sách cụ thể cho cơ quan hải quan.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, 9 tháng năm 2021, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp ở một số tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, với phương thức, thủ đoạn tinh vi. Một số đối tượng đặt sản xuất hàng giả, hàng nhái từ nước ngoài rồi nhập lậu về tiêu thụ trong nước. Lo ngại hơn là tình trạng các đối tượng lợi dụng không gian mạng thông qua các website, trang mạng xã hội như facebook, zalo... để rao bán, quảng cáo, khuyến mãi nhiều mặt hàng giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng.

H.Hương