Ý thức phòng hỏa hoạn
Có một nghịch lý tồn tại nhiều năm qua tại TP HCM, là hễ vào mùa mưa, các vụ cháy nổ lại có xu hướng gia tăng nhiều hơn. Ngoài 60-70% các vụ hỏa hoạn đều xuất phát từ sự cố do chập điện, còn một phần nguyên nhân xuất phát từ ý thức chấp hành quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC), nhất là tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Mùa mưa tại TP HCM bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài suốt 6 tháng, trong đó cao điểm là thời điểm 2 tháng cuối mùa (tháng 10, 11). Năm nay, mùa mưa rơi vào đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, với nhiều tổn thất về người và của. Trong gần 6 tháng vừa qua, hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội của TP HCM phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Từ đầu tháng 10, TP HCM mới nới lỏng một phần giãn cách để từng bước khôi phục kinh tế, mở cửa thị trường. Thế nhưng, đây cũng chính là thời điểm bùng phát nhiều vụ cháy lớn.
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07), Công an TP HCM, chỉ tính từ thời điểm đầu tháng 10 đến nay trên địa bàn thành phố để xảy ra 15 vụ cháy làm 5 người thương vong. Các vụ cháy chủ yếu xảy ra ở cơ sở sản xuất, kinh doanh với tỷ lệ chiếm tới 60%. Từ thực trạng đáng lo ngại kể trên, PC07 khuyến cáo các cơ sở sản xuất, kinh doanh khi mở cửa hoạt động trở lại cần đặc biệt lưu ý đến an toàn PCCC. Chính quyền các quận, huyện cần phối hợp tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác đề phòng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy.
Những cảnh báo về an toàn cháy nổ diễn ra trong bối cảnh TP HCM vừa mở cửa, khôi phục hoạt động trở lại, gây nhiều lo lắng. Khảo sát trên địa bàn thành phố có trên 1,5 triệu hộ gia đình, trong đó có gần 300.000 hộ gia đình vừa ở, vừa kết hợp kinh doanh, sản xuất, dịch vụ. Con số này liên tục tăng cho đến nay, kèm theo nhiều vấn đề đặt ra về an toàn PCCC đối với khu vực dân cư. Theo PC07, nguy cơ cháy nổ vào mùa mưa hàng năm xuất phát từ ý thức sử dụng các thiết bị điện, như: câu mắc điện tùy tiện, hàng hóa bừa bộn, biển quảng cáo chằng chịt, nấu nướng, chế biến thức ăn tại chỗ…
Đối với các thiết bị gia dụng, nhất là đồ điện có nguyên lý hoạt động chung là đều sử dụng dây đốt trong để làm nóng trực tiếp hoặc gián tiếp nên nguy cơ rò rỉ điện, gây cháy nổ rất cao. Thực tế, số vụ cháy nổ tại công trình nhà ở kết hợp kinh doanh tại TP HCM luôn chiếm khoảng 50% về số vụ cháy và khoảng hơn 80% thiệt hại về người do cháy, nổ trong thời gian qua.
Đáng chú ý, tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh do không được trang bị đầy đủ thiết bị PCCC dẫn đến nhiều vụ cháy xảy ra bắt đầu từ những cơn mưa lớn kèm theo sấm chớp, gió giật mạnh. Cụ thể, có đến 70-80% nguyên nhân của các vụ cháy nổ, đặc biệt trong mùa mưa bão đều xuất phát từ hệ thống điện do chạm chập, hay các hiện tượng ngắn mạch, đoản mạch… Thế nhưng, thực trạng lắp đặt thiết bị PCCC hiện nay vẫn thiếu sự đồng bộ, thiếu sự phối hợp giữa các ngành đã khiến cho tình trạng cháy nổ liên quan đến chập điện ngày một gia tăng.
Hơn bao giờ hết, công tác phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ ngay từ ban đầu, từ cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ dân cư là hết sức quan trọng. Bên cạnh việc cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện quy định và triển khai lắp đặt hệ thống PCCC, rất cần đến ý thức chấp hành, sự đồng hành của người dân và doanh nghiệp, nhất là nguồn tin từ các khu dân cư sẽ giúp hạn chế tối đa hậu quả do cháy, nổ gây ra.