Thông thoáng cho vận tải hành khách
Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản khẩn số 11212, theo đó từ ngày 25/10, hành khách đi máy bay và tàu hỏa không phải kê khai bản cam kết phòng, chống dịch Covid-19 như trước. Văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký.
Trước đó, ngày 20/10, Bộ GTVT ban hành các quyết định số 1840 quy định tạm thời về tiếp tục triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ, và quyết định số 1839 hướng dẫn tạm thời tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Hai quyết định (số 1839 và 1840) yêu cầu hành khách phải kê khai thông tin cá nhân đầy đủ, chính xác vào bản cam kết phòng, chống dịch Covid-19 theo mẫu khi làm thủ tục trước chuyến đi nhằm đảm bảo hành khách phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khai báo trung thực và chấp hành mọi quy định, biện pháp phòng chống dịch khi về địa phương nơi cư trú.
Hành khách đi máy bay và đi tàu không phải kê khai bản cam kết phòng, chống dịch Covid-19
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc này gây ra một số bất cập như: Tập trung đông người khi hành khách kê khai thông tin tại nhà ga, nguy cơ làm chậm giờ khởi hành… Chính vì vậy, tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 đồng thời khôi phục các hoạt động vận tải hành khách thường lệ tại các sân bay, nhà ga đường sắt và phù hợp hơn, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam và Cục Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dừng yêu cầu hành khách đi máy bay và đi tàu kê khai bản cam kết phòng, chống dịch Covid-19 (văn bản khẩn số 11212). Thời gian thực hiện từ 0 giờ ngày 25/10/2021.
Như vậy, hành khách tiếp tục thực hiện khai báo y tế trực tuyến tại ứng dụng PC-Covid (mục Khai báo di chuyển nội địa) và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng lây nhiễm dịch bệnh khác theo hướng dẫn tại các quyết định của Bộ GTVT. Các hãng hàng không, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tích hợp các nội dung của bản cam kết phòng, chống dịch Covid-19 lên ứng dụng PC-Covid.
Thay đổi mới của Bộ GTVT đã rút ngắn thời gian kê khai của hành khách nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin hành khách về địa phương nơi cư trú để phối hợp kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại các địa phương. Đặc biệt, đã tạo ra sự thông thoáng trong vận chuyển hành khách, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ trong tình hình mới khi về cơ bản đã không chế được dịch Covid-19 trên phạm vi cả nước.
Trước đó, tại các cảng hàng không, nhất là tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất, do quy định khách đi máy bay trước khi lên máy bay phải tự điền tất cả thông tin vào một bản mẫu in sẵn, nộp cho cơ quan chức năng tại cảng hàng không. Đã khiến cho hành khách bị ùn ứ nhiều, đặc biệt là trước giờ lên máy bay.
Gỡ nút thắt vận chuyển hành khách bằng ô tô
Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GTVT đã có cách làm linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình phòng, chống dịch bệnh cũng như phù hợp với yêu cầu mở cửa phôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Đó là tình trên phạm vi cả nước, với hai loại hình vận chuyển khách quan trong là hàng không và đường sắt. Tuy nhiên, vận chuyển khách đường bộ (bằng ô tô) tới nay vẫn chưa thực sự thông thoáng.
Lý do chính là quy định của các tỉnh, thành chưa thật sự thống nhất. Cụ thể là với việc xét nghiệm Covid-19, có tỉnh đề nghị kết quả xét nghiệm 72 giờ (3 ngày tính từ khi có kết quả xét nghiệm âm tính). Có tỉnh lại chỉ chấp nhận kết quả xét nghiệm trong vòng 48 giờ (2 ngày từ khi có kết quả xét nghiệm âm tính). Sự “lệch pha” này dẫn tới việc lưu thông đường bộ giữa các tỉnh bị cản trở. Cùng đó, có địa phương quy định lái xe và hành khách phải có chứng nhận tiêm vaccine, cộng với giấy xét nghiệm âm tính mới thực hiện.
Chính vì vậy, hiện số hành khách sử dụng phương tiện đường bộ (ô tô khách) vẫn hạn chế, cho dù kể từ ngày 1/10 nhiều quy định phòng, chống Covid-19 đã được rút gọn, cũng như nới rộng yêu cầu giãn cách xã hội.
Đã đến lúc những quy định “cứng” ấy cần được dỡ bỏ, mà chỉ áp dụng theo hướng dẫn quy định phòng, chống Covid-19 của Bộ Y tế và những quy định liên quan của Bộ GTVT, Công Thương. Việc thực hiện phải thống nhất trên toàn quốc với tất cả các tỉnh, thành, để chấm dứt nạn cát cứ; đồng thời tạo ra sự đồng bộ trong vận chuyển hành khách trong phạm vi cả nước.