Dương tính với ma túy khi sử dụng ‘kẹo lạ’: Hiểm họa do bất cẩn?
Sự việc một số học sinh lớp 10, Trường THPT Hoàng Bồ (Quảng Ninh) dương tính với ma túy sau khi ăn một loại kẹo không rõ nguồn gốc thêm lần nữa khiến dư luận lo lắng về tình trạng ma túy xâm nhập học đường.
Tỷ lệ học sinh, sinh viên dùng chất kích thích trong học đường như thuốc lá, rượu bia, đặc biệt là ma túy đã được Bộ GDĐT, Bộ Công an khuyến cáo. Tuy nhiên, tình trạng giới trẻ sử dụng ma túy vẫn có chiều hướng gia tăng. Làm thế nào để giới trẻ nâng cao nhận thức về cách phòng, tránh sử dụng ma túy thụ động đang là bài toán được đặt ra cấp thiết.
Cẩn trọng với nhiều “vỏ bọc”
Như đã đưa tin, ngày 25/10, 13 học sinh Trường THPT Hoành Bồ phải nhập viện sau khi cùng ăn một loại kẹo đựng trong gói có ghi chữ nước ngoài do một học sinh nam trong lớp mang đến và được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hạ Long điều trị. Qua test nhanh, cơ quan chức năng phát hiện một số học sinh dương tính với chất THC, một loại chất có trong cây cần sa.
Sáng 26/10, Công an tỉnh Quảng Ninh đã thông tin cụ thể về vụ việc này. Theo đó, vào tối 24/10, cháu M.T.S.-nam sinh mang kẹo lạ tới lớp cho các bạn cùng ăn, đến chơi nhà chị họ. Trong quá trình chơi ở đây, cháu M.T.S. đã tìm thấy 1 túi chứa loại kẹo này trong hộp đồ chơi, nghĩ là kẹo nên đã cầm về và mang đến lớp vào sáng 25/10.
Công an tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Công an TP Hạ Long phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tiến hành xác minh, bước đầu xác định loại kẹo lạ này có gói dạng thanh (giống như kẹo dẻo) là một loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ Mỹ, được chiết xuất từ cây cần sa và chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Số thực phẩm chức năng này do một người thân của chị họ cháu M.T.S. đi Mỹ về cho từ lâu, do không có nhu cầu sử dụng nên gia đình cũng cất trong hộp đồ chơi và không để ý đến và không biết việc cháu M.T.S. lấy mang về sử dụng.
Theo Công an tỉnh Quảng Ninh, đây là vụ ngộ độc thực phẩm chức năng, không có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy. Công an TP Hạ Long phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xử lý vụ việc theo quy định.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, loại kẹo có tên gọi Nerd Rope mà 13 học sinh ở trên sử dụng là sản phẩm chứa 400mg THC trong mỗi gói và có thể tìm mua trên một số trang bán hàng online dành cho người lớn, như shopee. Trên bao bì sản phẩm cũng cảnh báo rõ "chỉ dùng trong y tế" và "tránh xa tầm với của trẻ". Tuy nhiên, số học sinh trên đã không chú ý những cảnh báo được in ngay trên bao bì sản phẩm.
Sự việc xảy ra thêm lần nữa khiến dư luận lo lắng về tình trạng ma túy xâm nhập học đường. Số liệu thống kê của Bộ Công an cho thấy, trong số hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của cả nước, dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16-30 tuổi chiếm 48%, nếu tính đến độ tuổi 35 thì tỷ lệ này lên tới 76%.
Đáng báo động, có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 – 25 tuổi. Thực tế có nhiều chủng loại ma túy giá thành rẻ, dễ sử dụng, nhiều trẻ em từ 13 – 14 tuổi đã sử dụng ma túy. Thậm chí, có nhiều trường hợp chỉ 13 – 14 tuổi đã thường xuyên rối loạn tâm thần, hoang tưởng, rối loạn nhịp tim... như người nghiện ma túy lâu năm.
Làm gì để không sử dụng ma túy thụ động?
Thời gian vừa qua, một số sản phẩm ma túy tổng hợp “đội lốt” dưới cái tên gọi mỹ miều, gây tò mò, kích thức giới trẻ đã được phát hiện trong thời gian vừa qua như: “nước vui”, “bùa lưỡi”, “khô gà”, “nước xoài”… Điều này cho thất mức độ tinh vi của các đối tượng phạm tội.
Theo lý giải của Bộ Công an, hiện nay tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng, nghiện ma túy gia tăng vì tội phạm ma túy đủ độ tinh ranh để biết học sinh, sinh viên đang ở độ tuổi hình thành nhân cách, dễ bị kích động, lôi kéo. Trong đó nổi lên gần đây là việc mua bán ma túy qua mạng và đa cấp. Hình thức đa cấp nguy hiểm ở chỗ phát tán nhanh, người bán ma túy là học sinh, sinh viên do đó sự rủ rê, lôi kéo và đưa bạn của mình vào con đường ma túy rất nhanh.
Trước đó, cuối tháng 4/2021, 4 học sinh một trường THPT ở tỉnh Hải Dương đã bị Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hải Dương bắt quả tang khi đang tẩm ma túy vào thuốc lào và dùng điếu cày để hút. Đầu tháng 6/2021, trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên đường Chùa Bộc, quận Đống Đa, TP Hà Nội, lực lượng Cảnh sát cơ động đã phát hiện 2 nữ sinh viên tàng trữ trái phép chất nghi là cần sa…
Ma túy là một trong các nguyên nhân gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội. Hệ lụy do ma túy đem lại vô cùng nặng nề đè nặng lên cuộc sống của con người và khiến gia đình rơi vào cảnh khốn cùng.
Dưới góc độ tư vấn thực hành tâm lý tuổi vị thành niên, ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên, Hội Tâm lý học giáo dục Hà Nội phân tích, sự tò mò về những gì bị cấm bao gồm cả chất kích thích, chất cấm, ma túy … là đặc điểm tâm lý tuổi vị thành niên. Điều này giải thích cho nguyên nhân vì sao một số học sinh tại TP Hạ Long cùng nhau thử viên kẹo và bị ngộ độc.
Ma túy là vấn đề ai cũng lo ngại, tuy nhiên trong hầu hết hoàn cảnh thì cha mẹ và nhà trường đều là nơi biết thông tin cuối cùng. Do đó, theo ông Sơn, cha mẹ và nhà trường cần xây dựng một chiến lược “drug-free”-chiến lược nuôi con nói không với ma túy, dựa trên phương pháp quản trị rủi ro bằng cách nhận biết và xây dựng kịch bản hành xử cho tất cả những người liên quan, bao gồm cả chính bản thân trẻ vị thành niên trong vai trò người hiểu biết thông tin để bảo vệ bạn bè.
Ông Sơn cho hay, trẻ vị thành niên thường rỉ tai nhau “chất kích thích có thể mang tới những trải nghiệm tuyệt vời và dễ chịu”. Điều này không đúng cho những người mới sử dụng lần đầu tiên. Ma túy cũng như các loại thuốc, đều có tác dụng phụ gây khó chịu và tạo ra những triệu chứng như nôn mửa, chóng mặt hay thậm chí bị sa vào tình trạng mất ý thức tạm thời. Nếu tiếp xúc thực sự với chất kích thích/ma túy, trải nghiệm ban đầu nặng nề hơn rất nhiều.
Cũng theo ông Sơn, một số cha mẹ cảnh báo con cái “Ma túy sử dụng lần đầu có thể nghiện ngay!” Cách diễn giải như vậy là không hợp lý vì nó mang tính đe dọa khiến con không tin, thậm chí thêm tò mò. Trong hầu hết các trường hợp thì người bị nghiện là do nhiều lần thử và không cảm thấy bị đe dọa nên tự hình thành thói quen trước khi bị nghiện. Khi cảm thấy thích thú, nghiện, thì đã muộn.
Có 7 vấn đề khó khăn của một vị thành niên, gồm: Nạn nhân từ bạo lực học đường; bị tổn thương trong cuộc sống; học hành sa sút; tham gia hoạt động không hợp pháp; lệch lạc về quan điểm tình dục; chán nản và có nghĩ tự tử; thử nghiệm dùng rượu và ma túy.
Ông Sơn cho rằng, gia đình cần giúp trẻ bằng cách quan tâm đủ 6 yếu tố đầu tiên thì nguy cơ thứ 7 là thử nghiệm dùng rượu và ma túy sẽ không phải đối mặt. Ngoài những yếu tố chủ quan từ chính con trẻ, còn rất nhiều nguyên nhân bên ngoài khiến con thụ động dùng thử dẫn vào con đường nghiện ngập.
“Với những yếu tố thụ động này cần có sự tham gia của nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục cùng chung tay với cha mẹ để đồng hành, giúp trẻ vị thành niên nâng cao nhận thức về các cách phòng, tránh sử dụng thụ động”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Sơn lưu ý, có 8 cách để giới trẻ phòng, tránh sử dụng ma túy thụ động. Đó là:
1. Biết chắc chắn mình đang sử dụng gì
2. Không trộn thêm các chất khác vào đồ uống
3. Chỉ sử dụng món được mời khi có cảm nhận chắc chắn môi trường xung quanh an toàn và tin tưởng bạn bè mình
4. Không dùng khi bạn bè ép buộc
5. Không dùng khi đang thất vọng và đau buồn
6. Chịu trách nhiệm cho những trải nghiệm bằng kiểm soát hành vi
7. Hãy nhớ, một vài chất kích thích chỉ sử dụng lần đầu cũng nguy hiểm đến tính mạng
8. Hãy chắc chắn chỉ thử khi biết rõ không nguy hại đến bản thân hoặc ai khác