Biến nước mặn thành nước ngọt bằng năng lượng mặt trời
Được vinh danh là một trong những công trình, giải pháp khoa học công nghệ của Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021, mô hình chưng cất nước mặn thành nước ngọt sử dụng năng lượng mặt trời của nhóm nghiên cứu tại thành phố Cần Thơ được coi là phép màu từ khoa học, giúp giải quyết được vấn đề về nguồn nước cho người dân sinh sống tại vùng thiếu nước ngọt.
Tham gia chuyến thực địa xuống An Giang nhiều năm về trước trong một đợt hạn mặn, ThS Huỳnh Cảnh Thanh Lam (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ) đã chứng kiến cảnh người dân không có nước ngọt để sử dụng, phải mua với giá đắt gấp 10 lần bình thường.
Ông Lam cho biết, người dân nơi đây luôn phải đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, trong khi chi phí mua nước ngọt và các thiết bị xử lý nước trên thị trường hiện nay rất cao, chủ yếu người dân tự sử dụng các công cụ thô sơ bằng vải, nhựa để lọc và thu đựng nước ngọt, dẫn đến thời gian chưng cất lâu mà không đảm bảo vệ sinh an toàn nguồn nước.
Từ thực trạng đó cùng với kinh nghiệm từng chế tạo nhiều mô hình xử lý nước sinh hoạt, ông Lam đã nghĩ đến việc tìm giải pháp giúp người dân thuận tiện hơn để có nước ngọt sử dụng.
Nhận thấy những khu vực thiếu nước ngọt như vùng hải đảo, vùng ven biển, vùng bị xâm nhập mặn, nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, có khí hậu khô nóng như các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Duyên hải miền Trung có thời gian nắng kéo dài trong ngày, sau chuyến đi thực địa, anh Lam cùng ThS Trần Thảo Vy - là đồng nghiệp tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ lên kế hoạch và chế tạo một mô hình đơn giản biến nước nhiễm mặn thành ngọt cho người dân.
Với nguyên lý hoạt động không quá phức tạp, khi đưa nước mặn vào bộ phận chưng cất và đặt ở vị trí hấp thu ánh sáng mặt trời tốt, nước được đun nóng bởi năng lượng mặt trời nhờ vào quá trình bức xạ nhiệt làm cho khối nước mặn này nóng lên và bốc thành hơi nước. Hơi nước bốc lên tiếp xúc với bề mặt tấm kính phía trên có nhiệt độ thấp hơn làm cho hơi nước ngưng tụ lại, tạo thành những giọt nước ngọt và chảy xuống máng thu theo đường ống dẫn nước ngọt ra bình chứa bên ngoài. Theo tính toán, mô hình có thể cung cấp nước ngọt cho một hộ gia đình 4 người trong một ngày.
Theo ThS Huỳnh Cảnh Thanh Lam, bên cạnh việc tiết kiệm nhiên liệu nhờ tận dụng ánh sáng mặt trời, hai bộ phận chính của mô hình là bộ phận chưng cất và bộ phận giá đỡ đều sử dụng vật liệu inox không gỉ. Nhờ đó, sản phẩm nước ngọt được tạo ra từ mô hình đã đạt chuẩn theo QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế về chất lượng nước sinh hoạt.
Về tổng thể, mô hình đã được nhóm nghiên cứu thiết kế với kết cấu gọn nhẹ, chi phí thấp và được ứng dụng thuận lợi để cung cấp nước ngọt dùng cho nấu ăn, nấu nước uống và phục vụ cho các mục đích sinh hoạt khác, đặc biệt hiệu quả đối với những hộ gia đình thiếu nước ngọt sinh hoạt vào mùa khô ở các vùng ven biển, hải đảo và vùng bị xâm nhập mặn đáng báo động do biến đổi khí hậu, giúp tiết kiệm năng lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao và giảm ô nhiễm môi trường.
“Hiện nay, trên thị trường có một số thiết bị với tính năng lọc nước mặn thành nước ngọt với giá thành có thể lên đến 80 triệu đồng, khá cao so với mô hình của nhóm nghiên cứu khi chi phí chế tạo chỉ khoảng 2 triệu đồng, nên có thể lắp đặt đại trà cho người dân vùng ven biển, vùng ngập mặn”- ông Lam cho biết.
Nhờ sự sáng tạo và tính ứng dụng cao trong thực tế, mô hình chưng cất nước mặn thành nước ngọt sử dụng năng lượng mặt trời do ThS Huỳnh Cảnh Thanh Lam và cộng sự thực hiện đã đạt Giải Nhất Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ 6 năm 2019 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức. Sản phẩm này sẽ được vinh danh tại Lễ Công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2021.