Mất văn hóa là mất hết
Dù chỉ là mâu thuẫn nhỏ nhưng lại xảy ra các vụ án nghiêm trọng, đáng tiếc gây mất trật tự xã hội, là nỗi lo lắng của từng người, từng nhà, và xã hội. Theo ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thì pháp luật phải nghiêm, đủ mạnh, đủ tính răn đe, đồng thời gắn với việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
PV: Thưa ông, thời gian qua đã xảy ra những vụ án mạng nghiêm trọng, trong khi đó nguyên nhân bắt nguồn từ những mâu thuẫn nhỏ như va chạm giao thông, thậm chí “nhìn nhau”. Theo ông đâu là nguyên nhân xảy ra các vụ án đáng tiếc trên?
Ông Tạ Văn Hạ: Nhìn chung đất nước ta có truyền thống văn hóa lâu đời tốt đẹp, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, đoàn kết, tương thân tương ái, nền nếp gia đình gia phong, có sự tiến bộ xã hội. Tuy nhiên trong thời gian gầy đây do “biến đổi” của xã hội, tác động của điều kiện ngoại cảnh, tác động của công nghệ thông tin môi trường trên mạng nên nhận có một số giá trị cốt lõi của văn hóa Việt, đạo đức con người đang bị lệch lạc, có “vấn đề”.
Gia đình được coi là “tế bào” của xã hội nhưng trong văn hóa gia đình cũng khác. Từ đó giá trị truyền thống xã hội cũng có cái đang mai một dần. Ở trong gia đình, bố mẹ cũng bận rộn với mưu sinh cuộc sống hàng ngày, không có điều kiện quan tâm tới con cái. Có những gia đình con cái lớn lên được dạy dỗ, phó mặc của bố mẹ cho ông bà, thậm chí đẩy cho nhà trường.
Ngay trong nhiều gia đình, bố mẹ cũng chưa chuẩn mực để cho nên con cái nhìn vào. Ra đường con cái không chào người lớn hay chung sống cùng tòa chung cư nhưng thấy người lớn tuổi nhưng cũng không chào ai. Bố mẹ không chào người lớn tuổi vậy sao con cái học tập mà chào theo. Đặc biệt hiện trẻ con được tiếp cận với các thiết bị máy móc, ăn uống phải dỗ bằng điện thoại, ti vi. Bữa cơm truyền thống của gia đình gần như cũng không còn nữa, người ăn trước người ăn sau.
Bên cạnh đó, phương pháp giáo dục cũng khác do mặt trái của nền kinh tế thị trường nên dần hình thành nên một bộ phận có tính cách khác, không như những giá trị truyền thống xã hội xưa kia. Có một số ít bộ phận trẻ cũng bị tác động từ các bộ phim bạo lực trên YouTube cho nên bị tiêm nhiễm, tạo nên tính cách con người bạo lực. Ra đường dù chỉ va chạm giao thông nhỏ, chỉ xin lỗi nhau là xong nhưng lại đánh nhau, xảy ra các vụ án mạng lớn hết đáng thương tiếc, đâm chém nhau, coi mạng người là rẻ, không trân trọng quý trọng mạng người.
Lâu nay, chúng ta hay đổ nguyên nhân do cơ thế thị trường. Theo ông có đúng như vậy?
- Chúng ta hay nói do mặt trái của nền kinh tế thị trường. Nhưng có hai yếu tố khá quan trọng là gia đình và nhà trường cũng đều có sự “biến đổi”. Môi trường giáo dục nhà trường thì thầy cô lo toan cho cuộc sống, chuẩn mực của người thầy, mối quan hệ thầy - trò thiêng liêng trước đây thì bây giờ cũng bị chia cắt và khoảng cách bởi tác động của nền kinh tế thị trường. Mỗi quan hệ giữa thầy và trò cũng không còn như trước nữa. Thứ hai là môi trường gia đình như tôi đã phân tích ở trên cũng khác so với trước đây. Giá trị truyền thống của gia đình cũng mai một. Hai môi trường vốn được coi là an toàn nhất là gia đình và giáo dục thì vẫn xảy ra việc các cháu vẫn bị bạo hành, bị xâm hại.
Đứa trẻ lớn lên và quá trình bồi dưỡng, giáo dục bị bỏ mặc đưa đẩy sẽ dần hình thành nên tính cách khác. Do đó nếu như chúng ta không có kế hoạch, có sự thay đổi, và có giải pháp căn cơ thì chúng ta mất về kinh tế sẽ có thể lấy lại được bằng 5 năm, 10 năm, 100 năm nhưng mất về văn hóa là chúng ta mất hết, thậm chí mất không thể lấy lại được.
Vậy từ thực tế đó theo ông chúng ta cần có giải pháp nào để xử lý tình trạng trên?
- Đầu tiên pháp luật phải nghiêm. Phải đủ mạnh, phải đủ tính răn đe. Bởi không chỉ đâm chém nhau mà còn thậm chí xảy ra tình trạng cãi nhau và chống lại người thi hành công vụ, đánh và hành hung lực lượng chức năng vốn là những người được pháp luật giao thực thi pháp luật. Thứ hai, mỗi cá nhân phải thượng tôn pháp luật. Nhà nước pháp quyền phải sống theo Hiến pháp và pháp luật cho nên mỗi người dân phải tuân thủ. Thứ ba, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật của ta hiện nay còn hạn chế.
Hỏi có mấy người dân nắm chắc các luật có liên quan như: Bộ luật Hình sự; Luật Giao thông đường bộ; Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự?. Nếu không hiểu luật, nắm luật thì rất dễ dẫn đến vi phạm. Cho nên tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật là cái rất cần quan tâm.
Trân trọng cảm ơn ông!