Để môn học mới không làm khó giáo viên ‘cũ’
GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lưu ý, trong việc dạy học các môn tích hợp nói riêng và dạy học nói chung, cần xem kiểm tra đánh giá là “bánh lái” để điều chỉnh các nội dung khác. Một chương trình có thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó kiểm tra đánh giá là một yếu tố quyết định.
Dạy song song hay nối tiếp?
Một trong những vấn đề các trường gặp khó khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện nay đó là việc dạy học các môn tích hợp ra sao. PGS. TS Nguyễn Văn Biên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, qua trao đổi trực tiếp với nhiều trường THCS, có thể thấy băn khoăn của nhiều trường đó là cách tổ chức dạy học các môn tích hợp ra sao.
Theo đó, trước hết cần căn cứ vào chương trình môn học đã được ban hành. Sau đó là các công văn 2613 về triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học 2021-2022, công văn 3699 về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Đối với môn khoa học tự nhiên (KHTN), có một số hướng dẫn quan trọng bao gồm: Đó là một môn học gồm các mạch kiến thức… Tùy theo điều kiện của nhà trường để tổ chức sắp xếp dạy học môn KHTN song song hoặc nối tiếp theo cách thức như thế nào. Trong đó, mỗi hình thức sẽ có ưu điểm và khó khăn riêng cần khắc phục.
Chẳng hạn nếu tổ chức dạy học song song thì dễ phân công giáo viên, dễ xếp thời khóa biểu. Song song tức là với mạch nội dung “Vật sống”, giao cho giáo viên có chuyên môn Sinh học, với chủ đề năng lượng và sự biến đổi, giao cho giáo viên chuyên môn về Vật lý… Nhưng khi giao như vậy cần đảm bảo tính logic của môn học, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các giáo viên khi dạy học để học sinh có thể học môn này một cách thuận lợi.
Khi đó, phối hợp tức là khi giao nhiệm vụ song song như vậy, trong một tuần học sinh phải học 4 tiết KHTN của 3 thầy cô khác nhau. Khi đó cần có sự thống nhất về việc giao nhiệm vụ cho học sinh như thế nào để đảm bảo các em có thể làm được.
Nếu dạy học tuần tự theo chương trình, cách làm như vậy dễ đảm bảo logic của các mạch nội dung, từ phần Mở đầu sau đó đến các chủ đề… Khi đó học sinh cũng khá thuận lợi trong việc theo dõi các mạch kiến thức của môn học. Khó khăn là nếu làm như vậy các trường khó xếp thời khóa biểu và phân công giáo viên, sẽ có thời điểm thầy cô sẽ phải dạy nhiều tiết hơn.
PGS. TS Nguyễn Thị Thu Thủy, Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng so với môn KHTN, ở môn Lịch sử và Địa lý, mỗi phân môn dạy học được thiết kế tương đối độc lập nhau. Cách tiếp cận 2 phân môn này khác nhau.
Trong các chương trình đào tạo của hệ cao đẳng trước đây, có những giáo viên đã được đào tạo môn Sử - Địa rồi nên hoàn toàn có thể giảng dạy cả 2 phân môn. Và bắt đầu từ lớp 7, 8, 9 sẽ có những chủ đề tích hợp của 2 phân môn này. Khi đó, nếu 2 giáo viên cùng dạy sẽ thảo luận để đi đến thống nhất.
Bà Phạm Quỳnh Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Hưng (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) cho biết, hiện nay trường bố trí một giáo viên phụ trách chính môn học mới. Trong đó, môn Lịch sử và Địa lý tổ chức dạy theo 2 phân môn riêng, được bố trí đồng thời trong từng học kỳ theo cơ cấu 2/1 và đảo lại, đảm bảo đến thời điểm kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, mỗi phân môn thực hiện cơ bản tương đương về số tiết.
Môn KHTN, trường tổ chức dạy đồng tâm theo chiều dọc của sách giáo khoa và mỗi giáo viên phụ trách chính một chủ đề có liên quan nhiều nhất đến chuyên môn môn học mình đang phụ trách.
Cụ thể, trường có 3 giáo viên tham gia dạy môn KHTN (tương ứng với 3 phân môn) cho 2 lớp 6, 2 giáo viên cho 2 phân môn của môn Lịch sử và Địa lý. Thuận lợi là trường dạy học trực tiếp nên giáo viên có cơ hội trao đổi và điều chỉnh liên tục trong quá trình giảng dạy tạo điều kiện tiếp thu tốt nhất cho học sinh.
Coi trọng kiểm tra đánh giá chính xác
Gợi ý về cách kiểm tra đánh giá các môn học có nhiều giáo viên cùng tham gia giảng dạy, PGS. TS Nguyễn Văn Biên cho biết, các giáo viên môn học cùng thống nhất, cuối kỳ hoặc trong các buổi học chuyên môn của thầy cô có thể trao đổi trực tiếp với nhau về nội dung ghi vào sổ đánh giá theo dõi học sinh theo lớp. Đây là sổ chung của lớp chứ không phải của từng giáo viên. Cuối học kỳ cả 3 thầy cô cùng ký và ghi rõ tên vào sổ theo dõi để đánh giá học sinh.
Điều này với giáo viên phổ thông khá mới nhưng với giảng viên đại học, khi dạy các học phần, nhiều thầy cô dạy là bình thường. Khi đánh giá điểm điều kiện cho sinh viên, tất cả thầy cô tham gia học phần đều đánh giá.
Nhấn mạnh đến yếu tố mở, linh hoạt trong chương trình, bao gồm hoạt động ôn tập, đánh giá nội dung, các chuyên gia cho rằng hiện nay thiết kế môn học tùy thuộc vào giáo viên và gợi ý của sách giáo khoa chỉ mang tính tham khảo.
GS Đinh Quang Báo lưu ý, với giáo viên vấn đề kiểm tra, đánh giá học sinh phải dựa vào chuẩn đầu ra của chương trình. Phải có bộ công cụ, phương thức đánh giá chính xác với việc thiết kế được công cụ, thước đo chính xác.
"Chúng ta vẫn nói là thi thế nào thì học thế đó, nên cần khai thác triệt để chức năng dạy học bằng kiểm tra đánh giá. Đây là sự phản hồi kết quả học tập từ học sinh đến học sinh, phản hồi cho giáo viên, để cải tiến cách dạy cách học theo đúng mục tiêu đề ra” - ông Báo nói.