Cùng nhau đi qua đại dịch là điều cần nhất lúc này
MC - biên tập viên Minh Đức là gương mặt quen thuộc trong các chương trình âm nhạc, talkshow của một số kênh truyền hình và phát thanh TPHCM. Bên cạnh đó, anh còn là một phóng viên, nhà phê bình âm nhạc và giám khảo một số cuộc thi âm nhạc truyền hình. Nhìn lại những ngày sống giữa dịch bệnh, với MC Minh Đức, tinh thần là quan trọng hàng đầu.
Khi quan sát những người quen, người thân, đồng nghiệp xung quanh, anh có cảm nhận được sự căng thẳng về tinh thần đang diễn ra, khi mọi người đang đối mặt với dịch bệnh và giãn cách kéo dài?
- Tôi thấy không khó để nhận ra những căng thẳng, bức bối của nhiều người, và do giãn cách, nơi ta nhận thấy rõ nhất điều đó, chính là qua mạng xã hội. Người ta dễ bức xúc hơn, kể cả trước những chuyện rất nhỏ, dễ đổ lỗi cho ai đó, và rất dễ gây lộn, cãi nhau vì những chuyện cỏn con, đôi khi không liên quan gì tới mình. Có những chuyện trước đây có thể là những tranh luận rất nghiêm túc, giờ biến thành cãi vã om xòm trên mạng, doạ cạch mặt, dọa block nhau… Tất nhiên không có dịch bệnh và giãn cách thì vẫn có những điều đó, nhưng mật độ nhiều hơn trong mùa dịch bệnh, điều đó cho thấy tác động của dịch bệnh lên đời sống tinh thần của rất nhiều người.
Bản thân anh đã trải qua đợt giãn cách thứ tư vừa rồi ra sao?
- Ngày đầu tiên được biết khu mình ở sẽ phong toả chặt, tôi cũng hơi hoang mang, chưa hình dung mình sẽ thích ứng thế nào. Nhưng rồi tôi đã đi qua suốt mấy tháng phong toả đó gần như không ra khỏi phường, và vẫn cảm thấy mọi chuyện…bình thường. Một phần vì tôi là người tương đối dễ thích nghi với hoàn cảnh. Tôi xuất thân từ nông thôn, khó khăn vất vả, rồi những năm tháng đi học đại học, hay lúc mới đi làm… rất nhiều gian khó đã trải qua rồi. Nên tôi hay tự an ủi mình rằng bây giờ có thế nào thì so với ngày xưa cũng sướng hơn bội phần. Sau vài ngày đầu, tôi đã nhanh chóng tổ chức cho mình một cuộc sống thích nghi hoàn toàn với việc không đi đâu được ngoài không gian cái phường nhỏ của mình. Và mọi chuyện hoàn toàn ổn cho tới ngày gỡ bỏ giãn cách.
Trong hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh, nhưng anh luôn tìm cho mình suy nghĩ lạc quan và cách cư xử tích cực?
- Bởi tôi là người hay so sánh các hoàn cảnh sống của chính bản thân mình để tìm ra cách sống mà tôi cho là phù hợp nhất với bản thân qua mỗi thời kỳ. Ngày xưa khó khăn thế, có những lúc phải nhịn ăn mấy ngày, chuyện trong túi không có đồng nào suốt nhiều ngày cũng là bình thường, mà rồi mình còn vượt qua để thành công trong sự nghiệp được, thì bây giờ có là gì? Huống chi ít nhất bây giờ mình cũng có một chút tích lũy, mình vẫn làm việc và vẫn được trả lương trong suốt thời gian giãn cách, mình sướng hơn khối người rồi, vậy thì lý do nào để mình phải buồn bã khổ sở?
Làm thế nào để anh duy trì được trạng thái đó?
- Khi giãn cách, ở nhà thì tôi tranh thủ đọc sách, những cuốn sách tôi đã mua từ lâu mà chưa có thời gian đọc. Nhà tôi như một thư viện nhỏ vậy, bạn bè đến nhà luôn thắc mắc làm sao mà đọc hết chỗ sách, xem hết chỗ phim, nghe hết chỗ đĩa nhạc… Xem-nghe-đọc đã luôn là một sở thích của tôi. Tôi cũng tranh thủ cập nhật thông tin xung quanh để mình không tụt hậu với giới trẻ. Tôi có nhận dạy một khóa học ở một trường đại học, nên cũng phải cập nhật bản thân và giáo trình của mình cho kịp xu hướng. Ngoài ra như đã nói, tôi vẫn làm công việc chính của mình là biên tập các chương trình âm nhạc cho một số kênh truyền hình và phát thanh. Toàn những công việc liên quan tới ngành giải trí, nên tôi cũng thấy mình được…giải trí. Còn trong đời sống hàng ngày, tôi không ngồi một chỗ than phiền.
Với anh, mọi thứ dễ dàng hơn khi chấp nhận và hòa hợp với hoàn cảnh cùng tinh thần tích cực, nhưng nhiều người lại không được vậy?
- Tôi rất thông cảm với những trường hợp như vậy bởi mỗi người có một hoàn cảnh và cách sống khác nhau. Tôi có thể thấy cuộc sống này dễ dàng nhưng người khác thì không thế. Nhưng cũng có lẽ nhiều người chúng ta chưa rèn được cho mình một thói quen tự lập đúng nghĩa. Thay vì hoang mang, cuống cuồng trước một hoàn cảnh bất ngờ mà mình chưa quen, thì có thể tập làm quen và tự điều chỉnh cuộc sống của mình.
Theo anh tinh thần quan trọng như thế nào, nhất là khi đối mặt với các khó khăn liên tục, từ sức khỏe, đến kinh tế, cũng như sự đảo lộn trong sinh hoạt?
- Nhìn lại những ngày vừa qua, thì thấy tinh thần là quan trọng hàng đầu luôn. Nếu có một tinh thần tốt, chúng ta sẽ không dễ bị dao động trước những sự thay đổi chóng mặt của tình hình xung quanh, sẽ biết tự điều chỉnh cuộc sống của mình về mức độ phù hợp. Tuy nhiên, tôi nói thế có người lại bảo ừ thì anh có của ăn của để anh nói gì chẳng được, anh cứ chạy ăn từng bữa đi thì anh có dám nói về tinh thần nữa không. Tôi không dám đại diện và nói thay cho ai hết, tôi chỉ nói dưới góc độ bản thân thôi. Rằng với một tinh thần tốt, chúng ta sẽ biết cách để đưa ra những lựa chọn tốt nhất cho bản thân, trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Vì sau đại dịch, chúng ta vẫn còn phải sống tiếp phải tìm cách phát triển bản thân.
Làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ hoặc chia sẻ để những người thân, bạn bè, đồng nghiệp vượt qua được sự khủng hoảng kéo dài vì dịch bệnh này?
- Tôi cũng có một số bạn bè nhiễm bệnh, có người rất thân thiết, và đã qua đời, như ca sĩ Phi Nhung. Cũng chẳng có thể làm được gì nhiều hơn là an ủi những người thân, động viên những người đã vượt qua bạo bệnh. Có lẽ chính những người ấy họ lại “dạy” ngược lại cho chúng ta nhiều bài học, về nghị lực kiên cường để chiến thắng bệnh tật, và cả sự hy sinh không vô nghĩa khi để lại cho cuộc đời này những di sản đáng quý. Còn ở một góc nhìn chung thì tôi nghĩ điều quan trọng là tránh không nên có những cái nhìn kỳ thị với những F0, bởi bất cứ lúc nào chính chúng ta cũng có thể trở thành những F này F nọ. Đây là một cuộc khủng hoảng chung, không phải của riêng F nào hết. Yêu thương nhau và cùng nhau đi qua đại dịch, đó là điều cần nhất lúc này.
Với những người đã có thể vượt qua với tâm thế bình ổn, liệu trong nhịp sống “bình thường mới” này, họ đã có được liều vaccin tinh thần và đủ sức đề kháng cho sự hòa nhập và tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển của thành phố?
- Với tôi, câu nói tôi áp dụng cho mình như một liệu pháp tinh thần là: So với ngày xưa, giờ sướng hơn rất nhiều. Có thể mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, nhưng chúng ta đang phải đối mặt với một đại dịch toàn cầu, câu chuyện không còn là của riêng ai, của riêng quốc gia nào nữa, và cũng không chắc có người đã đi qua được đại dịch nhưng lại không thích nghi được với cái gọi là “bình thường mới” thì sao? Cho nên, với cái nhìn của tôi, tôi cho rằng cứ giữ một niềm tin tươi sáng, một cái nhìn tích cực, thì chúng ta sẽ tự tìm cho mình được cách để vươn lên và phát triển bản thân cũng như đóng góp cho xã hội. Như các bệnh nhân Covid-19, họ có chia sẻ một điều tưởng như bình thường nhưng với họ là vô cùng khó khăn, là thở, họ phải tập thở để tự cứu mạng mình, để hồi phục và trở về, thì nếu có niềm tin họ sẽ thở được, còn nếu bi quan, buông xuôi, hơi thở tắt, là xong.
Trân trọng cảm ơn anh!