Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ…
Bài hát của Trịnh Công Sơn qua tiếng hát Hồng Nhung văng vẳng đâu đây, như thể nhắc nhớ ta về một mùa thu Hà Nội đang lặng lẽ trôi qua.
Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội
Mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió
Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ
Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua…
Bài hát của Trịnh Công Sơn qua tiếng hát Hồng Nhung văng vẳng đâu đây, như thể nhắc nhớ ta về một mùa thu Hà Nội đang lặng lẽ trôi qua. Mà không chỉ lặng lẽ, thu năm nay có vẻ gì như rón rén. Thực ra sự rón rén ấy không phải bởi mùa, mà bởi người. Người Hà Nội vẫn còn chưa thoát qua đại dịch Covid-19.
Nhưng mùa thì vẫn cứ trôi đi. Hà Nội cuối thu rồi, tuy cây cơm nguội chưa vàng, cây bàng lá vẫn còn xanh, nhưng cùng với mùa lúa chiêm, mùa cốm, mùa hồng cũng đã về trên khắp phố phường.
Cốm Vòng là đặc sản Hà Nội, tưởng ra ngõ là gặp, nhưng món quà nghe chừng không cầu kì mà lại khá khó khăn với tôi, một chàng trai sinh ra và lớn lên ở Hà thành. Bởi lâu nay ai cũng biết, để được thưởng thức cốm làng Vòng một lần thì không phải người Hà Nội nào cũng có vinh dự. Cứ đến mùa, cốm theo chân những gánh hàng rong tung tẩy khắp phố phường, hỏi mua ai cũng bảo đó là cốm làng Vòng chính hiệu. Còn có phải thật hay không thì có lẽ chỉ người sành ăn và người làng Vòng mới được tường tận. Không phải nghe đồn mà muốn thưởng thức bằng được, em gái Sài Gòn có gốc gác đất Huế của tôi vốn kĩ tính, nàng thường bảo, đặc sản nào cũng phải được thưởng thức tại chính nơi làm ra nó thì mới tận hưởng được hết mùi, hết vị.
Nhớ ra cậu bạn thân hồi cấp 3 là người làng Vòng, tôi nhanh chóng liên lạc. May sao, cậu cho biết nhà mình vừa làm xong một mẻ cốm mới. Nghe tôi “trình bày”, cậu bạn phóng vù đến chỗ hẹn, dúi cho tôi một bọc to, lại còn tinh quái “thuyết giảng”: “Nhiều người giờ ăn cốm mà không biết chính xác nghề cốm làng Vòng (thôn Hậu, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) có từ bao giờ”.
Các cụ ở làng Vòng kể lại: Vào một mùa thu cách đây cả ngàn năm, khi lúa bắt đầu uốn câu thì trời đổ mưa to gió lớn, đê vỡ, ruộng lúa cao nhất đồng cũng chìm nghỉm. Người làng Vòng đành mò mẫm đi cắt những bông lúa còn non ấy đem về rang khô, ăn dần chống đói. Không ngờ món ăn bất đắc dĩ ấy lại có hương vị đặc biệt, rất hấp dẫn. Qua nhiều lần rút kinh nghiệm, sáng tạo thêm, hạt cốm ngày càng xanh, mỏng, dẻo và thơm… Cốm trở thành đặc sản quý tiến vua nhà Lý (1009 - 1225), trở thành món ăn tao nhã nổi tiếng của người Tràng An.
Cốm làng Vòng thơm ngon đặc trưng vì chỉ trồng loại nếp hoa vàng trên diện rộng để không bị lai tạp với các loại nếp khác. Làm cốm cũng lắm công phu. Tuy vậy, không phải mỗi mẻ cốm ra lò đều ngon tương đương nhau. Người làng Vòng chia ra các loại: cốm lá me nhỏ và nhẹ như lá me, thường bay ra qua những lần sàng sẩy. Loại cốm này ít và hiếm, thường chỉ để cho gia chủ thưởng thức. Cốm rót thơm ngon thứ nhì, chỉ chiếm 2/10 mỗi mẻ cốm. Đây là những hạt nếp non sau khi giã sẽ tự vón vào với nhau như hạt ngô, hạt đỗ, đặc biệt đến cuối mùa lại càng hiếm. Loại cốm còn lại trong cối giã là loại cốm đầu nia loại 1, loại 2 được đem bán. Đến cuối tháng, cốm mộc là nếp cuối mùa nên hạt to và cứng thường để rang thành cốm khô hay gia giảm, pha chế ăn tạm đợi mùa sau.
Năm nay dịch bệnh bủa vây. Nhưng khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, người làng Vòng lại tranh thủ làm cốm. Và cốm làng Vòng lại được mang vào phố bán. Đi dọc Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân… thấy mấy chị bưng thúng cốm đi bán dạo. Một nhịp đời quen thuộc đang dần trở nên sống động hơn, với những món quà vặt thân thương nơi ngõ phố. Cũng những con phố ấy thôi, chỉ tầm này tháng trước vẫn còn giăng dây giãn cách, vẫn thưa vắng bước chân người… Còn giờ đây, những mẹt cốm, mẹt hồng ngâm bổ sẵn, hay đĩa sấu chín được cắt mỏng bày ra như mời như gọi, như nối lại một nhịp phố tươi vui vừa trải qua những ngày gián đoạn…