Vị nữ Thủ tướng có sự kiên nhẫn của một thiên thần
Ngày 26/9/2021, nước Đức bầu cử Quốc hội Liên bang để thành lập Chính phủ mới mà không có người đàn bà huyền thoại Angela Merkel (67 tuổi). 16 năm với 4 nhiệm kỳ liên tục làm Thủ tướng nước Đức, bà Merkel đã để lại một di sản đồ sộ khi quyết định không tái tranh cử nhiệm kỳ thứ 5. Là nữ chính khách hàng đầu, 12 năm bà Merkel được Forbes bình chọn là “người phụ nữ quyền lực thế giới” - đó là danh hiệu “khó như lên trời” với bất cứ ai.
Ngày 30/11/2005 đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử nước Đức, khi một phụ nữ Đông Đức (cũ): bà Angela Merkel trở thành Thủ tướng. Bà Merkel cũng là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ vị trí lãnh đạo cao nhất tại Đức. Đó không chỉ là thời khắc mang tính bước ngoặt cho cá nhân bà Merkel mà còn cho cả nước Đức cũng như Liên minh châu Âu và một phần quan trọng của thế giới.
Văn hóa kiềm chế, văn hóa trách nhiệm
Ngay trong ngày đầu nhậm chức, phát biểu trước Quốc hội Liên bang, vị tân Thủ tướng đã nói: “Trong vòng 10 năm tới, chúng ta sẽ tạo ra những điều kiện đưa Đức vào nhóm 3 nước hàng đầu ở châu Âu”. Tuyên bố của bà Merkel đã nhận được sự hoài nghi của giới chính trị gia cũng như khối doanh nghiệp, tài chính của nước này. Nhiều người dân Đức cũng không bày tỏ tin tưởng, duy chỉ có giới trẻ là hồ hởi vì họ tin rằng “luồng gió mới sẽ được một nữ chính trị gia đem đến thay vì chúng ta vẫn lại chỉ được dẫn dắt bởi những bộ vest đen” - ám chỉ sự “thống trị” của nam giới trong nền chính trị nước Đức.
Còn với các quốc gia thành viên EU lẫn đồng minh Mỹ bên kia Đại Tây Dương, họ cũng không mấy tin tưởng vào tài thao lược của bà Merkel. Tuy nhiên, không lâu sau, người ta đã chợt nhận ra sự ổn định của nước Đức lẫn vai trò dẫn dắt EU vượt qua khủng hoảng với tiếng nói đầy trọng lượng của bà Merkel.
Chỉ 3 năm sau khi bà Merkel trở thành Thủ tướng nước Đức, vào thời điểm năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ. Đồng euro - một trong những biểu tượng mạnh mẽ của sự thống nhất châu Âu, đã lập tức bị áp lực. Không ít ngân hàng châu Âu đã cảnh báo về sự “biến mất” của đồng euro, để mỗi nước quay lại với đồng tiền riêng của mình. Giới chuyên gia ngân hàng cho rằng, “hãy bắt chước người Anh khi họ vẫn giữ nguyên sự độc lập của đồng Bảng cho dù là một thành viên của EU”.
Tại một cuộc họp cấp cao của Ủy ban châu Âu (EC), trước những dao động và những cặp mắt hướng về mình, nữ Thủ tướng Đức đã tuyên bố “xanh rờn”: “Nếu đồng euro sụp đổ, thì châu Âu cũng sụp đổ theo”.
Tầm nhận thức và ý chí của bà Merkel đã khiến không khí cuộc họp chùng xuống. Nhiều tiếng thở dài nhè nhẹ. Nhiều ánh mắt nhìn nhau. Và rồi, chính sự điềm tĩnh của bà Merkel đã đem đến niềm tin cho đồng minh, để cùng nhau củng cố đồng euro như một lợi ích sống còn của EU.
Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu cũng như EU, người ta còn ngạc nhiên hơn nữa trước chính sách tài chính của Berlin, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Merkel. Nước Đức, trong vai trò là nền kinh tế đầu tàu của EU đã đảm nhận vai trò lãnh đạo Liên minh trong bối cảnh Chính phủ Đức vừa buộc phải áp đặt các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” vừa thực hiện các biện pháp cải cách, đồng thời cứng rắn đối với các quốc gia mắc nợ. Cùng đó, bà Merkel đã ký thông qua gói viện trợ mở rộng của châu Âu. Điều đó càng ràng buộc trách nhiệm pháp lý của Đức đối với vấn đề nợ của các quốc gia.
“Những chính sách đó tưởng chừng rất mâu thuẫn nhau, nhưng bà Merkel đã có lý, cái lý của người biết được điều gì đang chờ đợi phía trước. Nếu như chỉ lo cho đất nước mình thì khó khăn trong toàn EU sẽ khó giải quyết. Điều đó sẽ đưa tới bất lợi lâu dài vì không tạo được sức mạnh của toàn bộ Liên minh” - Chiferl M’Coppill, nhà nghiên cứu từng được đề cử Giải Nobel kinh tế nhận xét.
Chính cách đặt vấn đề mang tính chiến lược ấy của bà Merkel đã thay đổi cách ứng xử của nhiều quốc gia trong EU trước những món nợ công khổng lồ của Hy Lạp, Tây Ban Nha và kể cả Italy. Điều đó cũng đã giúp EU “nắm đằng chuôi” trong các cuộc thương thảo khi nước Anh dời khỏi EU (Brexit).
Nói như chính giới châu Âu thì bà Merkel đã kết hợp “văn hóa kiềm chế” với “văn hóa trách nhiệm”. Johannes Varwick - nhà nghiên cứu chính trị thuộc trường Đại học Halle nói với hãng truyền thông DW trong một cuộc phỏng vấn rằng, bà Merkel thực sự là một chính khách nổi bật mà di sản của bà sẽ còn tồn tại lâu dài không chỉ với nước Đức mà còn với cả châu Âu.
Cân bằng ở châu Âu, làm sâu sắc mối quan hệ xuyên Đại Tây dương
Theo chuyên gia Henning Hoff thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, bà Merkel trên cương vị Thủ tướng nước Đức không chỉ phải thúc đẩy EU tiến lên, mà còn phải giữ được sự cân bằng cho Liên minh. Và rất quan trọng là phải thiết lập được “mối quan hệ xuyên Đại Tây dương”. Tuy nhiên, mối quan hệ này đã “nguội lạnh” dưới nhiệm kỳ của bà, bởi dưới thời Tổng thống Bush và người kế nhiệm Barack Obama, Mỹ ngày càng quan tâm tới châu Á. Đến thời cựu Tổng thống Donald Trump, bà Merkel và ông Trump lại có mâu thuẫn về vấn đề Iran, thương mại, NATO và nhiều vấn đề khác.
“Sự khác biệt này dường như ngày càng trở nên sâu sắc hơn và thậm chí còn mang tính cá nhân” - tiến sĩ H.Hoff nhận xét. Vẫn theo chuyên gia phân tích Henning Hoff, bà Merkel có “khả năng phi thường trong việc đưa châu Âu và phương Tây xích lại gần nhau” và khả năng này đã được chứng minh khi bà bảo vệ thành công dự án khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) của Đức - Nga, vốn bị Mỹ và các nước phía Đông EU phản đối.
10 năm sau khi bà Markel làm Thủ tướng nước Đức, một vấn đề đau đầu khác lại ập tới. Đó là làn sóng người di cư tràn vào châu Âu. Bà Merkel đã thực sự nổi tiếng trên toàn thế giới khi quyết định mở cửa biên giới nước Đức cho hàng trăm nghìn người tỵ nạn và di cư trong các tháng 8, 9/2015. Bà được Tạp chí Time bình chọn là “Nhân vật của năm”, được mệnh danh là “Thủ tướng của thế giới tự do”. Tuy nhiên, những quốc gia khác lại bực dọc vì cho rằng bà Merkel đã cố gắng áp đặt chính sách tỵ nạn “hào phóng” cho toàn bộ EU.
Sau này, chính sách mở cửa cho dòng người di cư của bà Merkel được đánh giá rất cao, không chỉ là xét ở góc độ nhân đạo mà còn cả góc độ gia tăng nguồn lao động cho châu Âu. Nguồn lao động di cư được hưởng nhiều hỗ trợ của chính quyền đã ổn định cuộc sống, từ đó đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế châu Âu cũng như tính xã hội của vấn đề.
Ứng phó với Covid-19
Cuộc bỏ phiếu bầu Quốc hội Liên bang Đức (ngày 26/9/2021) đã không có đảng nào giành được đa số cần thiết để lập Chính phủ mới, tiếp đó là bầu Thủ tướng. Việc thỏa thuận để lập liên minh cầm quyền đến thời điểm này là chưa rõ ràng. Vì thế, việc bà Merkel vẫn tiếp tục là Thủ tướng nước Đức có thể sẽ còn kéo dài thêm. Nếu vậy, bà Merkel sẽ là Thủ tướng Đức hiện đại tại vị lâu nhất so với người trước đó là ông Helmut Kohl.
Trước khi dời vị trí đầy quyền lực, bà Merkel cũng đã kịp thể hiện trí tuệ, quyết tâm của một nhà lãnh đạo xuất sắc khi phải đối diện với đại dịch Covid-19. Kể từ mùa Xuân năm 2020, nước Đức cũng như châu Âu xuất hiện virus SARS-CoV-2. Nhưng ngay lúc bấy giờ người ta chưa hình dung hết sự tàn phá ghê gớm của nó. Cho đến giữa năm 2020, Italy là quốc gia EU đầu tiên bị Covid-19 nhấn chìm thì mọi sự cũng đã bị coi là đã muộn.
Nhưng với bà Merkel, “chúng ta không thất vọng”, nước Đức đã lập tức đưa ra các biện pháp y tế phản vệ. Cùng với việc phong tỏa, cách ly diện hẹp để cắt đứt nguồn lây lan thì Berlin đã sớm tìm kiếm nguồn vaccine. Không dừng lại trong biên giới quốc gia, bà Merkel còn chủ trương phối hợp kiểm soát Covid-19 trong toàn EU. Chủ trương ấy đã nhận được sự đồng thuận của 27 quốc gia thành viên.
Tới nay, khi biến thể Delta “tung hoành” ở nhiều nơi trên thế giới, nước Đức cũng như EU ít tổn thất hơn. Tuy nhiên, mùa Đông đã đến, thời tiết tạo môi trường cho virus, bà Merkel đã đưa ra khuyến cáo không được chủ quan. Một mặt mở cửa để người dân có được cuộc sống sinh hoạt bình thường, để các nhà máy, các nhà ga, bến tàu, sân bay hoạt động nhưng mặt khác vẫn phải tiếp tục khuyến khích người dân tiêm vaccine cũng như đầu tư mạnh cho các hãng dược đẩy nhanh tiến độ bào chế thuốc đặc hữu trị Covid-19.
“Di sản của bà Merkel là rất lớn, khó có thể nhận xét được vào lúc này, vì nó còn cần thời gian để “ngấm”. Nhưng tôi tin rằng điều tốt đẹp nhất mà bà Merkel làm cho nước Đức trước khi từ nhiệm chính là đã tìm ra lối thoát tích cực nhất có thể vượt qua đại dịch Covid-19”, Bettina Schoenbach - nhà thiết kế những bộ trang phục ấn tượng cho bà Merkel nói.
Biểu tượng của nữ quyền
Bà Angela Merkel đã trở thành một biểu tượng nữ quyền sau 16 năm tại vị, Reuters dẫn lời nhà hoạt động nữ quyền người Đức Alice Schwarzer khẳng định: “Bà Merkel được phụ nữ trên toàn thế giới ngưỡng mộ, đây là di sản lớn của bà. Một phụ nữ chứng tỏ năng lực bằng lòng tự trọng và quyết tâm”.
“Sự tồn tại của bà Merkel giống như một tuyên bố nữ quyền” - Schwarzer nói.
Vào năm 2017, bà Merkel từng lảng tránh việc tự nhận là một nhà nữ quyền khi được gợi ý tại một sự kiện có sự tham gia của Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lúc bấy giờ - bà Christine Lagarde và Ivanka Trump, con gái Tổng thống Mỹ lúc đó - ông Donald Trump. “Tôi không muốn trang trí cho bản thân với một danh hiệu tôi không thực sự có” - bà Merkel nói.
Tuy nhiên bà Merkel cho rằng, tất cả mọi người nên là những người ủng hộ nữ quyền. Phát biểu tại buổi ra mắt bộ phim về câu chuyện của các nữ chính trị gia nổi bật ở Tây Đức thời hậu chiến, bà Merkel bày tỏ sự thất vọng vì hiện phụ nữ vẫn chỉ chiếm 31% số ghế trong Quốc hội Đức. “Chúng tôi vẫn chưa đạt được sự bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới ở Đức. Còn nhiều việc phải làm” - bà Merkel nói.
Sức ảnh hưởng to lớn của bà Merkel trên cương vị Thủ tướng còn được người ta nhắc đến trong một mẩu chuyện vui rằng, có một cậu bé hỏi: Mẹ ơi, đàn ông cũng có thể trở thành Thủ tướng được không?
Reuters dẫn lời Maria Luisa Schill, một cư dân của thị trấn Freiburg phía tây nam nước Đức, cho biết: Bà Merkel đã làm rất nhiều để mở đường cho những người khác. Trong khi đó, Lia, một cô bé 9 tuổi ở Berlin, nói rằng mình muốn trở thành Thủ tướng một ngày nào đó. Bà Nancy, mẹ Lia khẳng định “Bà Merkel có tầm ảnh hưởng đến rất nhiều người và đặc biệt là phụ nữ. Con gái tôi mới 9 tuổi đã mong lớn lên trở thành Thủ tướng nước Đức như bà Merkel”. Khi được hỏi: Bà có tin rằng sau này con bà sẽ trở thành Thủ tướng? Mẹ của bé Lia trả lời: Điều đó chỉ có bà Merkel biết mà thôi.
Không hoa mỹ
Anna Wintour - Biên tập viên cao cấp tạp chí Vogue nhận xét rằng: “Tôi thích việc bà ấy có một phong cách dễ nhận biết. Bà Merkel luôn xuất hiện với tôi như một người biết bà ấy là ai. Tôi không có ấn tượng rằng bà ấy đang cố ngụy trang cho mình mà là một người rất dễ gần, không có gì cần che giấu và vì thế ta cũng không tội gì mà phải màu mè với bà”. Wintour cũng cho rằng, ẩn sau phong thái của một nữ nguyên thủ với những quyết sách cứng rắn đến lạnh lùng, bà Merkel vẫn là một phụ nữ với lối lựa chọn thời trang theo sở thích và tính cách của mình.
Còn nói như nhà thiết kế thời trang Bettina Schoenbach, người được bà Merkel tin cậy thì “bộ đồng phục” đặc trưng của Thủ tướng Angela Merkel đã làm nên phong cách của bà, phong cách chinh phục toàn thế giới không một chút hoa mỹ.
Những người yêu mến Merkel ca ngợi bà ở mọi phương diện. Dù vậy, Angela Merkel vẫn hứng chịu những nhận xét trái chiều. Trong khi nhiều người yêu mến phong thái chính trị khiêm tốn và dựa trên sự đồng thuận của bà, một số khác cho rằng ở bà thiếu sự táo bạo. Tuy nhiên, giới sử gia sẽ đánh giá ảnh hưởng của bà Merkel trong những năm sắp tới sau khi bà dời khỏi ghế Thủ tướng nước Đức để “đọc sách, đi câu cá và leo núi” như bà nói. Nhưng theo Washington Post, điều chắc chắn là sự ra đi của bà Merkel sẽ để lại khoảng trống sau một sự nghiệp chính trị kéo dài, khởi đầu từ những năm tháng Chiến tranh Lạnh sắp kết thúc.
Nữ Thủ tướng “biết mình biết người”
Michael Glos - cựu Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ của Đức, từng nhận xét về bà Angela Merkel: “Bà ấy biết thời điểm tốt nhất để bắn một con gà trống là khi nó ve vãn gà mái. Bằng sự kiên nhẫn của một thiên thần, bà ấy đợi đến khoảnh khắc của mình”.
Ông Michael Glos cho rằng, bà Merkel với tố chất và sự kiên nhẫn của mình đã chèo lái nước Đức đạt được rất nhiều thành tựu trong suốt thời gian cầm quyền, đóng góp vào sự ổn định và phát triển cho EU.
Cũng chính vì thế, lần này bà Merkel quyết định không tái cử được cho là hành động “biết mình biết người”, vốn là phẩm chất tuyệt vời của vị nữ Thủ tướng. Ngay hồi còn trẻ, bà Merkel đã biết nhìn đúng thời điểm để hành động. Không vội vàng, không nôn nóng giúp bà quan sát “tình thế” rõ ràng hơn.
Người ta nhớ lại, vào tháng 9/2017, sau khi đảm nhiệm vị trí Thủ tướng Đức trong 12 năm, bà Angela Merkel nói rằng không tìm kiếm nhiệm kỳ mới. Lúc bấy giờ, Tổng thống Mỹ Obama đang ở Berlin đã cố hết sức làm bà đổi ý. Ông nói rằng bà nên giữ lá cờ vì chủ nghĩa quốc tế, vì thương mại tự do và nền dân chủ, ít nhất là trong bốn năm tới. Và sự thật là ông Obama đã thuyết phục được bà Merkel. Tuy nhiên, lần này bà Merkel đã quyết, và người ta cho rằng đó cũng chính là bà đã tự nhận ra điều gì cần phải làm.
Trước quyết định dời vị trí của bà Merkel, truyền thông Pháp đã dành cho nữ Thủ tướng Đức nhận xét: “Trong 16 năm cầm quyền, tổng cộng 4 nhiệm kỳ, chưa có một lãnh đạo Đức nào như bà Angela Merkel. Bà đã bắt tay với nhiều đời Tổng thống Pháp, nhiều đời Tổng thống Mỹ như Georges W. Bush, Barack Obama cho đến Donald Trump và giờ là Joe Biden, gặp cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin”.
Trong khi gần như các chính trị gia ở Đức đều là luật sư hoặc nhà kinh tế học, bà Angela Merkel là trường hợp ngoại lệ. Bà là Tiến sĩ vật lý, từng làm việc trong lĩnh vực hóa lượng tử. “Trong chính trường, nếu có chính trị gia nào đưa ra chính sách dựa vào bằng chứng và sự thật, đó chính là bà Angela Merkel” - nhận xét trên tờ Le Figaro.
Nhưng trong đời sống thường ngày, tờ The Conversation lại cho rằng, bà Merkel “bình thường đến ngạc nhiên. Sự bình thường ấy chỉ có được ở những người hiểu sâu sắc chân giá trị của cuộc sống”.
Là Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel được quyền sống trong dinh thự tại Cổng Brandenburg nhưng bà chọn cùng chồng sống trong một căn hộ nhỏ. Mỗi khi có thời gian, bà lại tự tay nấu nướng. Theo tờ Business Insider, món sở trường của bà Merkel là bánh mận và súp thịt bò xay. Ngoài ra, giống như hàng triệu người dân Đức, bà cũng là một người hâm mộ bóng đá. Chính những điều bình thường đó làm nên sức hút của bà Merkel. Trên cương vị của một chính trị gia danh giá, người ta ít thấy bà trang điểm vì bà cho rằng điều đó cũng không nâng cao được giá trị bên trong nếu như mình không có gì.
Bà Merkel nổi tiếng với phong cách thời trang “16 năm như một” của mình là áo blazer và quần tối màu, kết hợp đôi giày đen và vòng cổ. Trên tít một bài báo nói về phong cách này của vị Thủ tướng Đức, tờ The Guardian đã thốt lên rằng: “Một kiểu một nhưng rất nhiều màu sắc”.