Lan toả sự đồng lòng
Đến nay, huyện Nghi Lộc đã vươn lên trở thành huyện top đầu của tỉnh Nghệ An, hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (NTM). Có được kết quả đó, không thể không kể đến vai trò đóng góp của người dân, sức mạnh của nhân dân.
Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, cần phải huy động sức mạnh tổng hợp, thời gian qua, MTTQ các cấp huyện Nghi Lộc đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng NTM. Nghi Lộc là huyện nông nghiệp có xuất phát điểm thấp. Do vậy, trong chương trình xây dựng NTM, Nghi Lộc đã dựa vào sức dân, sự đồng thuận của người dân, trong đó có đồng bào Công giáo. Và Mặt trận đã đóng vai trò là cầu nối, nơi lan tỏa sự đồng lòng ấy.
Dấu ấn nổi bật trong xây dựng NTM ở Nghi Lộc là phong trào hiến đất, hiến tài sản, đóng góp ngày công được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, trong đó có nhiều vị chức sắc, chức việc, đồng bào giáo dân trên địa bàn tham gia. Tiêu biểu là Giáo xứ Tân Yên, Làng Anh, Hội Yên, Làng Nam… Chỉ riêng tại Giáo xứ Thượng Lộc, xã Nghi Vạn, bà con giáo dân đã hiến 3.000m2 đất, đóng góp hơn 1 tỷ đồng, 1.200 ngày công để góp sức xây dựng NTM. Đặc biệt, linh mục Nguyễn Hiệu Phượng - Quản xứ Tân Yên đã vận động bà con di dời 8,5 km tường bao, hiến đất, ủng hộ xã Nghi Diên 200 tấn xi măng làm đường bê tông nông thôn.
Bên cạnh đó, hàng nghìn hộ dân còn tự nguyện tháo dỡ tường bao, nhà ở, công trình phụ, hiến đất thổ cư với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng để mở rộng đường giao thông nông thôn. Xã Nghi Phương, địa phương có gần 60% đồng bào Công giáo, MTTQ và các đoàn thể đã đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền để người dân hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng NTM. Từ đó, nhân dân hăng hái tham gia bằng việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh của mình như đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tích cực hiến kế, hiến công...
Xã miền núi Nghi Kiều, riêng năm 2020 toàn xã vận động được 6 tỷ đồng, làm mới trên 30 km đường bê tông. Đến nay, xã Nghi Kiều có kinh tế tăng trưởng khá, kết cấu hạ tầng phát triển nhanh, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn khởi sắc, tổng giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt trên 462 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,04%.
Để có những kết quả trên, Mặt trận đã phối hợp các tổ chức thành viên triển khai các công trình, phần việc cụ thể để tuyên truyền. Nhờ vậy, những mô hình như, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”... được ra đời. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã huy động tiền mặt, ngày công, hiến đất, tài sản... có giá trị quy đổi ước đạt 922.136 tỷ đồng, trong đó nhân dân và con em xa quê đóng góp 298 tỷ đồng.
Ông Đậu Khắc Thân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nghi Lộc cho biết: Qua 10 năm xây dựng NTM, huyện Nghi Lộc luôn xác định đây nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt. Trong đó có vai trò to lớn của người dân, nhất là đồng bào Công giáo. Với Mặt trận, nhiệm vụ này được xem là thường xuyên, nhất là công tác vận động, tuyên truyền để người dân hiểu, nắm rõ vai trò, trách nhiệm của mình chính là chủ thể của chương trình có ý nghĩa này.