Ám ảnh mang tên ‘bạo lực giới’
Bất chấp nhiều nỗ lực, giải pháp được đưa ra, bạo lực giới đến nay vẫn chưa có hồi kết. Đáng lo ngại hơn, trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, nạn bạo lực đối với phụ nữ càng trở nên nghiêm trọng hơn…
Có đến 58% phụ nữ cho biết đã từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo lực gia đình
Những vết thương khó liền sẹo
Mới đây mạng xã hội dậy sóng bởi chia sẻ của chị Kiều Thị Thu H., ở Yên Bái trên trang Facebook cá nhân với loạt hình ảnh cơ thể bị bầm tím, mắt, môi tụ máu. Theo lời H., chị bị chồng đánh từ 11h đêm đến 4h sáng. Chồng chị còn dùng cả gậy sắt đánh đập khiến mặt mũi và cơ thể chị bầm tím, biến dạng. Ngay khi chị H. có đơn tố cáo, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Yên Bái đã vào cuộc và đang tiến hành điều tra, xác minh, củng cố hồ sơ để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đây chỉ là một trong số ít vụ việc bạo lực giới mà nạn nhân dám đứng ra tố cáo, trong khi đó, thống kê của cơ quan chức năng cho hay, mỗi ngày có tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn vụ bạo lực gia đình song nạn nhân ít tố cáo để đưa ra ánh sáng.
“Tôi luôn luôn phải theo ý của chồng tôi. Bất cứ khi nào làm chồng tôi phật ý, anh ấy đều lôi bố mẹ tôi ra nói, thậm chí còn xúc phạm bố mẹ tôi rằng không biết dạy tôi, anh ta nói tôi là con nhà vô giáo dục. Cuộc đời của tôi từ khi về nhà chồng là chuỗi ngày chan đầy nước mắt” - Đây là tâm sự của một người phụ nữ ngoài 40 tuổi gọi điện tổng đài hỗ trợ nạn nhân bạo lực 1900969680 của “Ngôi nhà bình yên”, Trung tâm phụ nữ và phát triển, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam.
Không biết là lần thứ bao nhiêu, người phụ nữ này gọi điện để được tư vấn nhưng sau tất cả chị vẫn chọn lựa im lặng và chịu đựng. Sau mỗi lần chịu đựng, cơ thể chị lại thêm những vết sẹo mà có lẽ cả đời cũng không thể xóa mờ.
Nghiên cứu của Tổ chức về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cho thấy, có đến 58% phụ nữ Việt Nam cho biết, đã từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo lực gia đình như bạo lực tinh thần, thể xác, bạo lực tình dục. Điều đáng nói, có tới 1/3 số gia đình mỗi khi xảy ra vấn đề bạo lực thường không biết xử lý ra sao.
Còn theo điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) công bố mới đây cũng cho thấy những kết quả đáng lo ngại: 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng; cứ 3 phụ nữ có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục… Đáng chú ý, 90,4% phụ nữ bị bạo lực gia đình không tìm kiếm sự giúp đỡ; chỉ 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.
Thời gian gần đây, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành đã khiến nạn bạo lực đối với phụ nữ trở nên nghiêm trọng hơn do các biện pháp phong tỏa và các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu bị ngắt quãng.
Báo cáo của WHO chỉ ra rằng, phụ nữ có thể bị bạo lực ngay từ khi còn rất trẻ. Theo đó, cứ 4 phụ nữ lại có 1 người trong độ tuổi từ 15-24 bị bạo lực bởi chính người bạn tình của mình khi bước vào tuổi 20. Bạo lực do bạn tình cho tới nay vẫn là hình thức phổ biến nhất đối với phụ nữ trên phạm vi toàn cầu với số người bị ảnh hưởng lên tới con số 641 triệu. Trong khi, chỉ có 6% phụ nữ trên toàn thế giới thừa nhận rằng họ đã bị tấn công tình dục bởi đối tượng không phải là chồng hay bạn tình của họ. Theo đánh giá của WHO, con số thực tế có thể sẽ cao hơn nhiều, do sự kỳ thị còn phổ biến cùng việc cung cấp thông tin dè dặt về nạn bạo lực tình dục.
Cần xây dựng một cộng đồng sẵn sàng lên tiếng
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Văn phòng hỗ trợ người bị bạo lực của CSAGA đã tiếp nhận và xử lý tổng cộng 1.268 cuộc tư vấn thông qua các hình thức khác nhau, bao gồm cả tư vấn qua đường dây nóng và tư vấn qua tin nhắn trên Facebook. Trong số đó, 56,1% các cuộc tư vấn là các ca khẩn cấp và ca cần được hỗ trợ lập tức trong đêm.
Nêu lên những hệ lụy mà bạo lực gây ra, bà Dương Thị Ngọc Linh, Ủy viên Đoàn chủ tịch, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát Triển, Hội LHPN Việt Nam cho biết: Bạo lực gia đình dù ở mức độ nhẹ hay nặng đều gây ra những tổn thương không mong muốn tới nạn nhân. Trong đại dịch Covid -19, những hình thức như bạo lực về thể chất, tinh thần và bạo lực tình dục tăng lên về cả tần suất và mức độ khiến nạn nhân phải chịu hậu quả nặng nề hơn.
“Trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, số trường hợp gọi đến tổng đài “Ngôi nhà bình yên” của Trung tâm để tham vấn về bạo lực gia đình tăng gần 60% so với năm 2020 (và tăng hơn 230% so với năm 2019). Nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình khi đến với Ngôi nhà bình yên thì trên người đã đầy thương tích, thường xuyên sợ hãi, lo lắng, tâm trạng đầy mặc cảm tội lỗi, xấu hổ” – bà Linh nói.
Bà Khuất Thu Hồng, Trưởng Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực giới tại Việt Nam cho biết, theo cuộc khảo sát 300 phụ nữ Việt Nam, có tới 99% phụ nữ thừa nhận, thời gian diễn ra dịch bệnh cũng là lúc gia đình xuất hiện nhiều mâu thuẫn, trong đó phần lớn nguyên nhân do người chồng gây ra; 88% nói bị bạo lực tinh thần khi thường xuyên bị chồng hành hạ, dằn vặt, xúc phạm; hơn 80% cho biết luôn bị chồng kiểm soát, cảm thấy nặng nề; hơn 25% phải chịu đựng bạo lực tình dục…
“Đáng nói, có khoảng 60% phụ nữ cho biết, con cái mình phải chứng kiến cảnh bố bạo hành mẹ và đây mới chính là điều khiến họ cảm thấy đau đớn nhất. Hơn 50% cho hay họ không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu nhất là trong bối cảnh phải cách ly xã hội. Nhiều người trong số đó đã muốn tự kết liễu đời mình…”, bà Hồng chia sẻ. Cũng theo vị này, để phá vỡ sự im lặng chịu đựng nói trên, cần xây dựng được một cộng đồng sẵn sàng lên tiếng; mỗi cá nhân dám đấu tranh bảo vệ mình và người thân trước bạo lực.
Lý giải nguyên nhân khiến nạn bạo lực gia đình gia tăng, đại diện Bộ LĐTB&XH cho rằng, có nhiều nguyên nhân. Do nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, hoặc có ý bao che, không khai báo, sợ bị chê cười. Nạn nhân thường có cảm giác tủi nhục, ngại “vạch áo cho người xem lưng”… Tuy nhiên điểm yếu vẫn là do khâu thực thi các quy định pháp luật. Các cấp, các ngành chưa phối hợp hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ này. Cộng đồng, đoàn thể thiếu quan tâm, đôi khi coi bạo lực gia đình là chuyện riêng tư, chỉ can thiệp khi hậu quả đã nghiêm trọng. Cùng với đó, chế tài chưa mạnh, chưa xử lý nghiêm, chủ yếu thiên về hòa giải…
Hiện Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng. Ban soạn thảo đã đưa ra nhiều đề xuất tập trung vào 3 nội dung chính, đó là các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng chống bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi nào xã hội còn chưa coi bạo hành giới trong gia đình là vấn đề mà xã hội phải có trách nhiệm can thiệp, khi đó tình trạng bạo hành giới vẫn sẽ bị “khuất” sau cánh cửa mỗi ngôi nhà. Và như vậy, người phụ nữ vẫn tiếp tục phải chịu đựng bạo hành từ chồng hoặc các thành viên khác trong gia đình.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Ngô Anh Tuấn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Phải có chế tài bảo vệ khi nạn nhân đứng lên tố cáo
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành (được thực thi hơn 13 năm qua) đang bộc lộ một số bất cập. Nhiều khái niệm chưa được làm rõ, chưa nhận diện đầy đủ về hành vi bạo lực gia đình khiến nhận thức về vấn đề này còn khác nhau ở các cấp, các ngành và người dân. Thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc bạo lực gia đình còn khá phức tạp. Chưa có các quy định cụ thể trong nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình…
Có không ít vụ bạo lực gia đình chưa được xử lý triệt để do luật pháp còn có những điều chưa phù hợp với tình hình hiện tại. Bên cạnh đó, hiện chưa có chế tài yêu cầu người gây ra bạo lực phải chuyển ra khỏi nhà hay cách ly. Phụ nữ phần lớn là đối tượng phải ra ngoài tìm sự giúp đỡ, kéo theo đó là sự vất vả, thiếu thốn, có người còn phải mang theo những đứa con. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người phụ nữ ngại, không muốn đứng ra tố cáo. Do đó, việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cần có những quy định cụ thể về chế tài bảo vệ cũng như xử lý triệt để khi nạn nhân đứng lên tố cáo.
Bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện Trưởng Viện Phát triển sức khoẻ cộng đồng Ánh Sáng: Sự im lặng tiếp tay cho bạo hành
Nhiều phụ nữ vẫn còn nặng tư tưởng “việc nhà đóng cửa bảo nhau” nên cam chịu, không tố cáo hành vi bạo lực gia đình khiến vấn nạn này càng gia tăng.
Việc im lặng, chịu đựng không chỉ đem đến hậu quả về mặt thể xác mà còn để lại hệ lụy nặng nề về mặt tinh thần cho cả người bị bạo hành và người thân của họ như con cái, cha mẹ. Để gỡ “nút thắt” gây ra bạo lực gia đình, người đàn ông phải đóng vai trò tích cực. Nhiều người vẫn quan niệm rằng “phụ nữ là người giữ lửa gia đình”, thế nhưng nếu đàn ông trong gia đình không muốn “chia lửa” với vợ mình, phó mặc mọi việc nhà cho vợ thì cuộc sống gia đình sẽ không có hạnh phúc và mâu thuẫn sẽ ngày càng tăng. Cái giá phải trả cho bạo lực gia đình là vô cùng lớn bởi nó không chỉ làm lung lay hạnh phúc gia đình mà còn ảnh hưởng xấu tới con cái họ, tạo ra nhiều hệ lụy xã hội.
Để tạo dựng một gia đình hòa thuận, mọi thành viên cần phải đóng góp công sức, sẻ chia khó khăn và mỗi người cần thấy được trách nhiệm nghĩa vụ của mình. Bên cạnh đó, cùng với chế tài thì phải thiết lập các dịch vụ hỗ trợ. Bạo lực không chờ đợi các dịch vụ hỗ trợ sẵn sàng rồi mới xảy ra. Vậy nên chúng ta cần phải ngăn chặn bạo lực trong gia đình, tại trường học, nơi công cộng và nơi làm việc; thay đổi những định kiến về giới, để mỗi cá nhân trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới trở thành những tác nhân thay đổi trong nhận thức về bình đẳng giới. Đặc biệt, phải hỗ trợ kịp thời nạn nhân bị bạo hành trong bất cứ hoàn cảnh nào.