Đừng im lặng, hãy lên tiếng!
Báo cáo do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ ra một thực tế đáng quan ngại rằng, nạn bạo lực đối với phụ nữ vẫn còn phổ biến trên thế giới, khi cứ 3 người phụ nữ thì lại có 1 người (trong khoảng 736 triệu phụ nữ) từng phải chịu cảnh bạo lực thể chất hoặc tinh thần trong đời. Theo đánh giá của WHO, tỷ lệ này hầu như không thay đổi trong thập kỷ qua.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tình trạng bạo lực với phụ nữ có xu hướng trầm trọng hơn. Đánh giá nhanh đã cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có hơn 1 phụ nữ (37,8%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực (thể xác, tình dục, tinh thần hay kiểm soát hành vi, kinh tế) do chồng/bạn tình gây ra. Hơn một nửa phụ nữ bị chồng/bạn tình bạo lực trong thời gian Covid-19 không chia sẻ với ai cả (51,8%)…
Thực tế, những con số thống kê này có thể cao hơn bởi vì rất nhiều người phụ nữ đã không lên tiếng phơi bày sự thật về bạo lực gia đình. Có những người đàn ông vì ghen tuông, vì bản chất vũ phu đã hành hạ vợ mình đến thân tàn ma dại. Thế nhưng, không phải người phụ nữ trong cuộc nào cũng có đủ dũng cảm đấu tranh hay tìm cách thoát khỏi bạo hành. Bên cạnh sự khống chế của người chồng, phụ nữ còn bị vướng phải những rào cản của chính bản thân mình. Họ mang nặng suy nghĩ “xấu chàng hổ ai”, nên tuy bị đánh đập, hành hạ nhưng vẫn cứ im lặng, chịu đựng. Thậm chí, có người còn cho việc chịu đựng là để giữ êm ấm nhà cửa,…
Theo các chuyên gia y tế, bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng từ tâm lý đến thể chất, nó kéo dài nhiều năm sau đó, thường là gây trầm cảm và rối loạn tinh thần, nhiều trường hợp đã dẫn đến thương tật suốt đời, thậm chí tử vong. Như TS Vũ Mạnh Lợi - Trưởng phòng Gia đình của Viện Xã hội học phân tích thì, các hành vi lạm dụng, cưỡng bức tình dục, lăng mạ, sỉ nhục, ngoại tình... lâu nay chưa được xem là bạo lực gia đình và với đa số hành vi bạo lực gia đình chỉ bị lên án khi nó gây hậu quả nghiêm trọng như bị thương hay tử vong.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực đối với người phụ nữ trong gia đình. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, nguyên nhân sâu xa vẫn là do tư tưởng thiếu tôn trọng phụ nữ. Nam giới vẫn cho rằng người phụ nữ phải có thái độ phục tùng, phải nghe lời một cách vô điều kiện ngoài nhiệm vụ chăm lo, duy trì tổ ấm. Đó thực chất chính là sự bất bình đẳng giới. Ngoài ra, một nguyên nhân khác làm bùng nổ bạo lực chính là sự cam chịu từ phía nạn nhân.
Bạo lực gia đình - người ta thường nghĩ đến những vết thương trên thân thể do hành hung gây nên. Thế nhưng, có một loại bạo lực vô hình tạo nên những vết thương trong tâm hồn – đó là bạo lực tinh thần. Những nỗi đau mà nạn nhân phải gánh chịu dai dẳng, đớn đau nhưng rất khó để kêu cứu. Ngoài những vết thương về thể xác, những người phụ nữ bị bạo hành có quá nhiều nỗi sợ vô hình mà người ngoài cuộc không thể nhìn thấy và họ cũng thật khó để nói ra. Các chuyên gia tâm lý đánh giá rằng, người bị bạo hành tinh thần trong một thời gian dài rất có thể sẽ suy sụp cả về thể chất lẫn tinh thần, dẫn đến thiếu tự chủ, suy nhược, trầm cảm và có xu hướng muốn tự vẫn.
Có thể thấy, bạo hành không chỉ là vấn đề riêng của gia đình mà còn là vấn đề của cả xã hội. Im lặng khi bị bạo lực đồng nghĩa với dung túng cho sai trái. Các chuyên gia về giới cho rằng đã đến lúc phụ nữ phải thay đổi lại nhận thức, vượt qua chính mình để lên tiếng và hành động. Cần phải thấy rõ rằng, một trong những nguyên nhân chính để bạo lực tồn tại chính là sự im lặng, chấp nhận của nạn nhân. Bởi vậy, các nạn nhân hãy mạnh dạn chia sẻ thông tin. Những người phụ nữ cần phải nhớ: Nhẫn nhịn chịu đựng không phải là cách để gìn giữ gia đình, tạo dựng hạnh phúc.
Cảm xúc con người là những mảnh ghép đa sắc màu. Niềm vui, nỗi buồn, sự thăng hoa hay hụt hẫng… đều là những sắc thái đáng tôn trọng và tận hưởng trong cuộc sống. Nhưng với bạo lực, đừng im lặng, hãy lên tiếng (!) Bởi vậy, để thoát khỏi sự yếu đuối, phụ thuộc, mỗi phụ nữ trước hết phải biết yêu bản thân, nâng cao giá trị của chính mình.