Loay hoay gỡ nút thắt đào tạo liên thông
Xung quanh việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) có chủ trương triển khai Đề án “Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng (CĐ) cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS)”, nhiều ý kiến cho rằng đề án này sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề.
Dẫu thế, băn khoăn lớn nhất là khi nào “nút thắt” đào tạo văn hóa trong trường nghề được tháo gỡ, để người học có thể học liên thông lên các trình độ cao hơn.
Đào tạo liên thông còn hạn chế
Đồng tình với chủ trương đào tạo thí điểm trên, TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội cho rằng, Đề án mang nhiều ý nghĩa thực tiễn nhưng để thật sự đi vào cuộc sống lại phụ thuộc khá lớn vào Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT). Bởi việc dạy các môn văn hóa cho các em tốt nghiệp lớp 9 THCS học nghề theo quy định của Bộ GDĐT hiện vẫn đang phụ thuộc vào các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX).
Theo ông Ngọc, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nên được trao quyền linh hoạt với các môn văn hóa trong thí điểm. Chẳng hạn nếu các em chọn học nghề liên quan đến công nghệ, kỹ thuật, sẽ được học nhiều hơn các môn Toán, Lý, Hóa học với những nội dung các em có thể ứng dụng sau này. Ngược lại, với các em theo hướng du lịch, dịch vụ có thể được tăng cường các môn xã hội như Văn, Sử, Địa…
Trên thực tế, nhiều năm qua tháo gỡ bất cập về học văn hóa, cơ sở để người học nghề được học liên thông lên các trình độ cao hơn vẫn là bài toán nan giải. Theo PGS. TS Bùi Thế Dũng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hiện tại, Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội là một ví dụ điển hình khi kiến tạo kiểu trình độ cử nhân kỹ thuật và kiểu trình độ cử nhân công nghệ với những định hướng chuyên sâu khác nhau. Định hướng của trình độ cử nhân công nghệ gần gũi với định hướng mục tiêu của trình độ CĐ, vì thế việc liên thông của hai trình độ này trở nên thuận lợi hơn. Nhìn rộng ra, đào tạo liên thông trung cấp - CĐ; CĐ - ĐH; trung cấp - ĐH hiện chủ yếu vẫn đang được các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện.
Cần sự thống nhất
Theo tinh thần Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, các cơ sở GDNN được phép dạy văn hóa. Với quan điểm đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu, Bộ LĐTB&XH đã đề nghị Bộ GDĐT cho phép các trường trung cấp, CĐ đủ điều kiện được dạy văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề hệ trung cấp. Tuy nhiên đến thời điểm này, câu chuyện đào tạo văn hóa trong trường nghề vẫn là mối quan tâm lớn.
Tại buổi họp trực tuyến góp ý quy định giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở GDNN do Hội GDNN TP HCM tổ chức mới đây, TS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn cho biết, để được chứng nhận hoàn thành chương trình bậc THPT, học sinh phải học đủ 7 môn như học sinh hệ giáo dục thường xuyên (GDTX). Nếu áp dụng học đủ 7 môn trong thời gian học nghề thì phải mất ít nhất 3,5 năm đến 4 năm vì hệ giáo dục thường xuyên học 2 năm 3 lớp cùng 1,5 năm đến 2 năm học nghề. Việc kéo dài thời gian học tập là 4 năm có thể sẽ ảnh hưởng đến quyết định học nghề sau THCS của học sinh.
Đại diện nhiều trường nghề cũng kiến nghị trường CĐ, trung cấp được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình bậc THPT cho học sinh học nghề. Bởi lẽ, nếu việc học nghề một nơi, học văn hóa rồi cấp chứng nhận hoàn thành chương trình bậc THPT một nơi sẽ gây phiền toái cho người học, phụ huynh cũng không muốn con họ phải học 2-3 nơi.
Theo TS Lê Lâm, nếu GDNN được tổ chức dạy các môn văn hóa cần xem lại biên độ thời gian đối với từng loại đối tượng chỉ cần học 4 môn (Toán, Văn và 2 môn tự chọn trong 5 môn còn lại Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa) hay học hoàn thành chương trình (7 môn) để xét hoàn thành chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT hoặc để thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, nên để các em có sự lựa chọn, được học tích lũy như tín chỉ để khi nào có điều kiện, khả năng, nhu cầu có thể đăng ký thi THPT.
Thời gian qua, đa số các trường đào tạo nghề thuộc Bộ LĐTB&XH kiến nghị: Nếu Bộ GDĐT quy định, học sinh tốt nghiệp THCS theo học trung cấp nghề cần học 4 môn văn hóa, đồng nghĩa cơ hội học liên thông lên hệ ĐH bị đóng lại. Các trường cũng khẳng định, đủ khả năng giảng dạy kiến thức THPT thay vì liên kết với trung tâm GDTX như hiện nay…
PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT nhìn nhận, đang có sự chồng chéo trong quy định, quản lý giáo dục phổ thông và GDNN. Do đó, rất cần sự thống nhất, có lợi cho người học, chứ không phải là sự đánh đố.