Cảnh giác với bệnh hô hấp khi trời chuyển lạnh
Thời tiết giao mùa, lạnh đột ngột như hiện nay khiến người già và trẻ nhỏ dễ gặp vấn đề về sức khỏe.
Các bệnh về đường hô hấp tấn công trẻ nhỏ
Trẻ em, đặc biệt lứa tuổi từ 2 tháng đến 5 tuổi dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp khi trời trở lạnh, nhẹ thì bị ho, sổ mũi, viêm phế quản và nặng hơn là viêm phổi.
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội thông tin, số liệu thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, viêm phổi ở trẻ em đã lấy đi gần 20 sinh mạng mỗi giây và chiếm đến 16% nguyên nhân gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có đến 2,9 triệu lượt mắc bệnh ở trẻ dưới 5 tuổi và cũng là 1 trong 15 quốc gia chiếm 75% gánh nặng viêm phổi toàn cầu. Nếu bệnh được phát hiện sớm, điều trị và chăm sóc đúng cách, sẽ giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong ở trẻ.
Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, có rất nhiều căn nguyên gây viêm đường hô hấp, do vi khuẩn hoặc virus. Tuy nhiên giai đoạn giao mùa là khoảng thời gian không khí chuyển lạnh, ẩm hơn, ánh sáng mặt trời ít hơn làm cho virus sinh sôi nảy nở trong môi trường mạnh hơn. Đặc biệt là virus hợp bào hô hấp gây bệnh lý hô hấp cho trẻ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi.
“Nhiều năm qua, vào khoảng thời gian trời trở lạnh, giường bệnh của Trung tâm gần như không có lúc nào bỏ trống vì số lượng bệnh nhi nhập viện do bệnh hô hấp rất đông” - BS Hanh chia sẻ.
BS Hanh cũng khuyến cáo, để phòng bệnh hô hấp lúc chuyển mùa, không nên cho trẻ ăn uống các loại thức ăn đã nguội, lạnh, nhất là uống nước lạnh. Khi thời tiết lạnh cần mặc ấm cho trẻ ngay cả khi ở trong nhà. Nên tắm nước ấm cho trẻ trong phòng kín gió, tắm xong cần lau người và mặc quần áo thật nhanh. Bên cạnh đó, ngoài các loại vaccine thông thường bắt buộc phải tiêm cho trẻ, có một số loại vaccine mà các bậc cha mẹ nên bổ sung thêm cho trẻ để ngăn ngừa bệnh hô hấp như: Vaccine phòng cúm, mỗi năm tiêm 1 lần, nên tiêm trước khi vào mùa lạnh khoảng 1 tháng để khi vào mùa lạnh vaccine có tác dụng phòng bệnh…
Bảo vệ sức khỏe người cao tuổi trong mùa lạnh
Cùng với sự lão hóa tự nhiên của cơ thể, hoạt động của hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch, quá trình trao đổi chất của người cao tuổi đều có sự suy giảm nên rất dễ bị bệnh khi thay đổi thời tiết, nhất là khi trời chuyển lạnh.
BSCKII Nguyễn Trường Sơn - Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, khi thời tiết thay đổi hoặc chuyển mùa, đặc biệt là chuyển từ nóng sang lạnh, người cao tuổi dễ bị viêm họng cấp tính, nếu như không chữa trị kịp thời thì sẽ chuyển sang mạn tính. Viêm họng mạn tính khiến người mệt mỏi kèm theo các triệu chứng như ho, đau rát họng, ho khan hoặc ho có đờm, đôi khi đờm có lẫn máu do một số mạch máu nhỏ ở đường hô hấp trên bị tổn thương.
Khi thời tiết chuyển lạnh, người cao tuổi cũng đối diện với các cơn hen suyễn. Theo kết quả nghiên cứu mới nhất, tỷ lệ người cao tuổi bị hen suyễn khoảng 4,5 - 9%. Bệnh thường có diễn biến nặng do không được phát hiện từ sớm và không được điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, người cao tuổi thường bị bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính; vào mùa lạnh hoặc khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm (đặc biệt là hít phải bụi mịn, bụi đường, khói công nghiệp, khói than...), bệnh dễ tái phát, gây khó thở, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
BS Sơn khuyến cáo, để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, người cao tuổi cần bỏ thói quen hút thuốc lá, thuốc lào để tránh khởi phát cơn hen suyễn cấp; mặc đủ ấm, hạn chế gió lùa vào phòng ngủ, nên hạn chế ra ngoài vào lúc sáng sớm, nếu bắt buộc phải ra ngoài thì cần giữ ấm cơ thể. Mùa lạnh, nếu muốn tập thể dục ngoài trời, nên chờ khi có nắng mới ra đường. Người cao tuổi cần chú ý vệ sinh cá nhân, giữ đường hô hấp sạch sẽ, làm sạch mũi mỗi ngày; đeo khẩu trang khi ra đường; tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bếp than, khói hương... để giảm nguy cơ viêm đường hô hấp.