Công tác thi đua khen thưởng cần đi vào thực chất
Ngày 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng.
Tiêu chuẩn khen thưởng vẫn phải “cộng dồn”
Theo đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên), nguyên tắc khen thưởng so với Luật Thi đua khen thưởng hiện hành dự thảo luật đã bổ sung thêm nguyên tắc “thành tích đến đâu khen thưởng đến đó”. Tuy nhiên, dự thảo còn một số nội dung quy định về tiêu chuẩn khen thưởng vẫn phải “cộng dồn” thành tích liên tục qua các năm.
“Ví dụ tiêu chuẩn được tặng Huân chương lao động hạng Nhất là đã được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì và 5 năm tiếp theo liên tục được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong thời gian đó có 3 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có 2 lần được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh. Theo đó, cộng 2 lần được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh mất ít nhất 6 năm. Như vậy nếu không phấn đấu 2 lần liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh thì không đủ điều kiện khen thưởng danh hiệu này”- bà Nguyệt nói đồng thời đề nghị, cần nghiên cứu rà soát các tiêu chí khen thưởng để hạn chế tối đa tình trạng “cộng dồn” thành tích thi đua khen thưởng để công tác thi đua khen thưởng đi vào thực chất, động viên cá nhân tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đóng góp cho sự phát triển.
Còn theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước), điều kiện tiêu chuẩn khen thưởng như dự thảo luật chủ yếu tập trung vào đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, trong khi đó luật hiện hành lại chưa bao quát cụ thể đối tượng đông đảo quần chúng nhân dân như công nhân, nông dân, trí thức.
Bà Sang cũng cho rằng: Các quy định về khen thưởng còn chung chung, định tính. Do đó các văn bản phải liên tục thường xuyên sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Trong quá trình tổ chức thực hiện về điều kiện, tiêu chí khen thưởng đối với công nhân, người lao động trực tiếp cho thấy còn lúng túng, khó triển khai. Để đảm bảo mục tiêu thi đua khen thưởng, khuyến khích cổ vũ động viên cá nhân, tập thể hăng hái thi đua lao động trong công tác sản xuất kinh doanh, cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn về điều kiện tiêu chuẩn khen thưởng vào dự thảo luật.
Cũng liên quan về các điều kiện, tiêu chuẩn, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho biết, dự thảo luật quy định để đạt được danh hiệu “Xã tiêu biểu” thì 1 trong 3 tiêu chí là phải đạt chuẩn nông thôn mới. “Các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đạt được tiêu chí này rất khó khăn khi thiếu nguồn lực từ nhân dân và ngân sách nhà nước. Ban soạn thảo cần cân nhắc quy định này để phù hợp với từng vùng, miền để thúc đẩy phong trào thi đua tại các vùng sâu, vùng xa”- ông Hải nói.
Đề nghị quan tâm đến thanh niên xung phong
Nêu quan điểm của mình, đại biểu Đoàn Thị Hảo (đoàn Thái Nguyên) cho rằng: Ngày 15/7/1950, Thanh niên xung phong Việt Nam được thành lập tại đồi Gò Thờ, núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gồm 225 đội viên với mục đích được Bác Hồ chỉ rõ: “Phát huy sức mạnh dời non lấp biển của tuổi trẻ, xung phong phục vụ cuộc kháng chiến cứu nước đến toàn thắng và làm trường học lớn đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước phục vụ công cuộc kiến quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội tương lai”. Ghi nhận những chiến công hào hùng của lực lượng thanh niên xung phong, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã tặng Thanh niên xung phong Việt Nam bức trướng với nội dung: “Tôi luôn coi thanh niên xung phong như bộ đội, vì trong phẩm chất của thanh niên xung phong có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ”.
“Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, đến nay đã xác nhận được trên 670.000 thanh niên xung phong, trung bình mỗi năm có từ 2,1 đến 2,5 thanh niên xung phong mất do tuổi cao, bệnh tật bởi di chứng chiến tranh. Hiện nay còn khoảng 588.000 thanh niên xung phong chưa được khen thưởng thành tích kháng chiến. Trong khi đó, cũng chưa có quy định hình thức khen thưởng cho lực lượng này trong Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành. Do đó việc bổ sung hình thức khen thưởng huy chương thanh niên xung phong vẻ vang là hoàn toàn phù hợp với truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta” - bà Hảo nhấn mạnh.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi. Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi, hành lang pháp lý cho hoạt động làm phim, luật sửa đổi phải có quy định chính sách ưu đãi trong sản xuất phim trong nước. Tuy nhiên các chính sách này có thực sự giúp điện ảnh Việt Nam phát triển đột phá hay không? Dự thảo nêu Nhà nước có ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng cho các nhà sản xuất trong nước, tuy nhiên không có quy định cụ thể.
Về thu hút tổ chức, người nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam, bà Vân cho rằng, nhiều nhà làm phim đồng khẳng định về vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam và sự thân thiện, thông minh của người Việt Nam. Tuy nhiên họ lại ít chọn đến Việt Nam là do ta chưa có chính sách ưu đãi, chính sách chưa rõ ràng, minh bạch. Do đó, cơ quan soạn thảo cần thu thập thông tin, phân tích số liệu để đưa ra quy định cụ thể về chính sách ưu đãi sản xuất phim ngay trong luật, tạo thủ tục thuận lợi để tạo sức hấp dẫn hơn.