Nhà hàng ồ ạt đón khách, lơ là phòng dịch
Mặc dù TP Hà Nội đã có quy định về số lượng khách cũng như đảm bảo 5K tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống sau khi mở cửa trở lại, tuy nhiên thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Nhiều cơ sở kinh doanh ồ ạt đón khách vượt quá số lượng cho phép, lơ là các quy định phòng, chống dịch.
Khách đông nghẹt quán cà phê, nhà hàng
Nhằm thực hiện các biện pháp mở cửa, quay lại cuộc sống bình thường mới, UBND TP Hà Nội đã cho phép các hoạt động dịch vụ ăn uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ. Các quy định cũng nêu rõ: Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% chỗ ngồi và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn, chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19; yêu cầu khách hàng thực hiện quét mã QR.
Ngoài ra, các hoạt động và cơ sở kinh doanh phải đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện nghiêm 5K, cài đặt và quét mã QR theo quy định của Bộ Y tế và thành phố, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ và các cá nhân tham gia.
Quy định là vậy, tuy nhiên theo ghi nhận thực tế của PV Báo Đại Đoàn Kết lại hoàn toàn trái ngược. Trên tuyến phố Tô Hiệu (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy), các hàng quán đã trở nên nhộn nhịp kể từ khi thành phố cho phép kinh doanh trở lại. Nhà hàng, quán cà phê ồ ạt đón khách, phớt lờ các quy định về phòng, chống dịch của TP ban hành trước đó.
Nhiều quán cà phê trên con phố này thường xuyên xảy ra tình trạng tập trung đông người, lượng khách vượt quá số lượng cho phép, đặc biệt là những ngày cuối tuần. Không những vậy, một số quán cà phê còn không trang bị tấm chắn, vách ngăn, khách hàng ngồi không đảm bảo giãn cách. Đáng nói hơn, dù mỗi cơ sở đều có mã QR Code nhưng một số người vẫn không chủ động khai báo, nhân viên cửa hàng cũng chỉ chăm chăm đón khách mà không nhắc nhở.
Chị Lương Thị Hạnh (24 tuổi, phường Mỹ Đình 2) cho biết: “Theo quy định, thời điểm này các quán chỉ được mở cửa đón 50% lượng khách, thế nhưng thực tế tôi thấy lúc nào quán cũng đông, những ngày cuối tuần thậm chí còn không có bàn để ngồi. Tại nhiều nhà hàng, các tấm vách ngăn cũng chỉ được trang bị ở tầng 1, còn tầng 2 và 3 thì không có”.
Tình trạng tập trung đông người vượt quá số lượng quy định cũng xảy ra tại nhiều quán cà phê khác. Một số quán dọc theo tuyến đường ven Hồ Tây (quận Tây Hồ) như Nguyễn Đình Thi, Vệ Hồ…luôn trong tình trạng đông nghẹt khách những ngày cuối tuần.
Phải chủ động trong thực hiện 5K
Không chỉ tại các quán cà phê, tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các nhà hàng, quán ăn, nhất là vào buổi tối. Theo đó, một số nhà hàng lẩu nướng như Wang Wang (đường Tô Hiệu), Nhất Nướng (đường Trần Vĩ)…,liên tục đón khách “hết công suất”, bất chấp quy định về số lượng người cho phép.
Chị Đinh Quỳnh Anh (24 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Tôi cùng một vài người bạn hay đi ăn vào dịp cuối tuần, tuy nhiên nhiều nhà hàng trên đường Tô Hiệu thường xuyên hết bàn, bên trong lúc nào cũng chật kín khách. Điều này làm tôi rất hoang mang bởi tình hình dịch bệnh còn phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng”.
Thời tiết những ngày này bắt đầu trở lạnh khiến nhu cầu ăn uống của người dân tăng cao. Các nhà hàng như được mùa gỡ gạc sau khoảng thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh. Cũng bởi vậy mà tâm lí chủ quan, lơ là bắt đầu xuất hiện.
Nhiều người dân trên phố Tô Hiệu (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) cho biết, các nhà hàng tại con phố này thường xuyên đón lượt khách quá số lượng cho phép vào buổi tối. Khách hàng có khi còn phải đứng chờ ở vỉa hè để đợi có chỗ ngồi. Lực lượng chức năng mặc dù có kiểm tra xử lí nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, cho biết: Tình trạng các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đón khách vượt quá số lượng cho phép đã được ghi nhận trên địa bàn. Ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lí vi phạm, UBND quận Cầu Giấy cũng đã có các biện pháp tuyên truyền cho người dân cũng như chủ các cơ sở kinh doanh chấp hành đúng theo quy định của UBND TPHà Nội.
Cũng theo bà Dung, nguy cơ dịch bệnh vẫn rất cao, ngoài việc chủ cơ sở kinh doanh phải nghiêm túc và tự giác trong việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch, người dân cũng cần chủ động tự ý thức bảo vệ chính mình. Các cơ quan, đơn vị cấp cơ sở cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, nếu không đảm bảo yêu cầu thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
“Việc thực hiện 5K vẫn đã, đang và sẽ là biện pháp cần được duy trì thì mới bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch. Nếu người dân chủ quan, vẫn ra đường, tụ tập nơi đông người khi không có việc thực sự cần thiết, rất có thể phải trả giá bằng sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng” - PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo.