Loại rào cản
Bộ Nội vụ vừa có văn bản gửi các bộ, ngành đề nghị khẩn trương xây dựng quy định mới để loại bỏ các chứng chỉ không cần thiết trong việc xếp ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức. Trong số các chứng chỉ được yêu cầu loại bỏ, có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học - lâu nay vốn là rào cản khiến một số người có năng lực không được trọng dụng.
Đây là một trong những nỗ lực của Bộ Nội vụ thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, về việc loại bỏ các “hàng rào kỹ thuật” cản trở sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Với một “rừng” giấy phép con như quy định hiện nay, nhiều người có tài không được sử dụng vì thiếu chứng chỉ.
Thực tế tại nhiều cơ quan, đơn vị cho thấy, không ít người thực tài, có năng lực lại quá chú tâm vào công tác chuyên môn, ít để ý đến việc trang bị các loại chứng chỉ. Ngược lại, nhiều người năng lực yếu lại “để tâm” việc “sưu tập” cho đủ bộ các loại chứng chỉ theo quy định để phục vụ việc tiến thân.
Nghịch lý trên cũng không có gì là khó hiểu, bởi đơn giản là những người tập trung làm chuyên môn nghiệp vụ thường có ít thời gian nên không để tâm cho việc “tích trữ” các loại văn bằng, chứng chỉ ngoài nghiệp vụ. Còn những người nhàn rỗi thì không thiếu thời gian để trang bị cho bản thân những loại giấy tờ ấy.
Và dĩ nhiên, chiếu theo quy định hiện hành, dù anh có giỏi đến đâu nhưng nếu hồ sơ thiếu những loại văn bằng, chứng chỉ “cứng” thì chắc chắn là bị “loại từ vòng gửi xe”, không xét. Trong khi đó, có nhiều người năng lực chuyên môn yếu nhưng khi giở hồ sơ ra lại “đẹp như tranh vẽ”, chỉ có thừa chứ không hề thiếu bất cứ loại chứng chỉ theo yêu cầu nào thì đương nhiên phải được “ưu tiên” xét.
Có lẽ đó là lý do mà lâu nay nhiều cơ quan luôn bị “chảy máu chất xám”, không ít người tài có ý định, hoặc đã kiên quyết rũ áo ra đi.
Hiểu rõ điều đó, Chính phủ đã quyết tâm thay đổi, xây dựng và hoàn thiện thể chế để có thể thu hút, trọng dụng nhân tài giúp sức cho quê hương đất nước. Mấy năm qua đã có khá nhiều thay đổi về cơ chế, chính sách. Các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đã ban hành nhiều chế độ ưu đãi hiền tài, nhưng vẫn như “muối bỏ bể” chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ. Vì thế cần có sự đột phá mới trong chính sách.
Và việc yêu cầu bỏ các văn bằng, chứng chỉ không cần thiết, trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học chính là nằm trong nỗ lực ấy. Dư luận xã hội hy vọng với việc loại bỏ nhiều chứng chỉ, chúng ta sẽ chấm dứt tình trạng “chảy máu chất xám”. Khi đó người tài yên tâm cống hiến, kẻ bất tài, cơ hội sẽ hết đường luồn lọt.