Hà Tĩnh chặn dịch tả lợn châu Phi

HẠNH NGUYÊN 29/10/2021 08:00

Tính từ đầu năm 2021 tới nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có hơn 15.000 con lợn mắc dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang còn 15 ổ dịch chưa qua 21 ngày.

Đầu tháng 10, gia đình ông Đậu Ngọc Trung, thôn Tường Vân, xã Lâm Trung Thủy (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) thông báo có lợn nái trọng lượng 450 kg bị ốm, bỏ ăn, sốt cao toàn thân tím tái. Ngay lập tức, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Đức Thọ cử cán bộ xuống lấy mẫu đi xét nghiệm tại Chi cục thú y vùng III, kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Ngay sau đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi huyện Đức Thọ phối hợp với UBND xã Lâm Trung Thủy và chủ hộ có lợn bị dịch triển khai tiêu hủy 10 con lợn đã chết, với trọng lượng 1.182 kg. Đồng thời tách riêng số lợn con ra khỏi ổ dịch, tổ chức tiêu độc khử trùng chuồng trại và tuyến đường vận chuyển lợn đi tiêu hủy, triển khai các lực lượng trực 24/24 giờ; kiểm tra, giám sát việc vận chuyển lợn ra vào địa bàn thôn, xã.

Ngành chuyên môn Đức Thọ nhận định, nguyên nhân dẫn đến dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn là do có ổ dịch cũ từ đầu năm 2021. Mầm bệnh tồn tại, phát tán trong tự nhiên, bên cạnh đó hộ chăn nuôi lợn theo hình thức trang trại hở, việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học chưa đảm bảo…dẫn đến dịch tái phát.

Các địa phương ở huyện Đức Thọ đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân tự giác chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch. Kí cam kết với các hộ chăn nuôi lợn, các cơ sở giết mổ, kinh doanh sản phẩm từ lợn thực hiện “5 không” (không giấu dịch, không tái đàn chăn nuôi khi đang có dịch, không giết mổ, tiêu thụ lợn bị bệnh, lợn chết, không vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường, không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt).

Không chỉ Đức Thọ mà bắt đầu từ tháng 10 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã tái bùng phát, lây lan ra 18 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thành của tỉnh Hà Tĩnh với trên 230 con lợn nhiễm bệnh.

Tổng đàn lợn của Hà Tĩnh hiện nay là 383.000 con, trong đó 58% tổng đàn thuộc quy mô trang trại và 42% tổng đàn thuộc quy mô nhỏ lẻ trong dân.

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh, nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao ở quy mô nhỏ bởi người dân chưa thực hiện đúng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Nhất là vào mùa mưa bão nên càng làm tăng nguy cơ tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi tại các địa phương trong tỉnh.

HẠNH NGUYÊN