Kiểm soát chặt bán hàng đa cấp
Bán hàng đa cấp xuất hiện tại Việt Nam từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên trong giai đoạn ban đầu, cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính, nhiều loại hình đa cấp biến tướng cũng núp bóng và phát triển, mọc lên “như nấm sau mưa”.
Đã có nhiều vụ việc liên quan đến các doanh nghiệp đa cấp hoạt động trong giai đoạn từ trước 2016 đã khiến dư luận rúng động khi gây thiệt hại cho hàng trăm nghìn người tham gia, số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, công tác chỉ đạo, điều hành trong công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được Bộ Công Thương đẩy mạnh.
Thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, hiện trên cả nước có 22 doanh nghiệp (DN) có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Số lượng DN này đã được giữ ổn định trong 2 năm vừa qua.
Hoạt động của các DN bán hàng đa cấp đã được Bộ Công Thương kiểm soát hiệu quả, chặt chẽ và số lượng DN đã giữ ổn định. Tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2020 của các DN đạt khoảng 15.538 tỷ đồng, tăng hơn 2.863 tỷ đồng (tăng 22.8%) so với năm 2019. Riêng 2 quý đầu năm 2021, tổng doanh thu bán hàng đa cấp đạt khoảng 9.300 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu bán hàng đa cấp chủ yếu là từ các sản phẩm thực phẩm chức năng trên 80% và mỹ phẩm khoảng 15 %; trong đó, các doanh nghiệp dành từ 36-37% để chi trả hoa hồng, tiền thưởng cho người tham gia.
Bên cạnh đó, tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp năm 2020 là 832.385 người, giảm 25% so với cuối năm 2019. Đến hết tháng 6 vừa qua, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp giảm 8,5% xuống còn 761.502 người. Tổng số thuế các DN bán hàng đa cấp đã nộp ngân sách nhà nước năm 2020 đạt hơn 1.837 tỷ đồng trong 6 tháng là hơn 1.338 tỷ đồng.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đánh giá: Về cơ bản, các DN đều có website cập nhật thông tin thường xuyên, minh bạch, duy trì hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết các phản ánh, khiếu nại và có hệ thống quản lý người tham gia đáp ứng quy định”.
Việc quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp đã được triển khai một cách hiệu quả, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 12/2021. Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động bán hàng đa cấp tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng được sửa đổi song song nhằm đảm bảo tính đồng bộ.
Năm 2020, Bộ Công Thương đã triển khai việc thanh tra chuyên ngành về chấp hành pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và xử phạt 3 DN với tổng số tiền phạt 1,46 tỷ đồng về các vi phạm hành chính trong hoạt động bán hàng đa cấp. Tại các địa phương, số tiền phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp chỉ hơn 400 triệu đồng, giảm nhiều so với thời gian trước.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được chú trọng và đẩy mạnh trong các năm vừa qua. Bộ Công Thương đã xây dựng, vận hành trang thông tin điện tử quản lý bán hàng đa cấp www.bhdc.vcca.gov.vn, vận hành ứng dụng iMLM trên điện thoại di động nhằm cung cấp thông tin về quản lý bán hàng đa cấp, vận hàng trang Facebook về quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã triển khai thực hiện thủ tục hành chính bằng phương thức điện tử đối với các thủ tục hành chính trong hoạt động bán hàng đa cấp. Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, thời gian tới Cục sẽ tiếp tục triển khai quản lý bán hàng đa cấp theo các nhóm hoạt động chính nêu trên; trong đó, chú trọng đến việc tuyên truyền, cảnh báo, nâng cao nhận thức cho người dân.