Góc nhìn đa chiều về đề xuất 87 trạm thu phí vào nội đô Hà Nội
Đề án xây dựng 87 trạm thu phí phương tiện cơ giới nhắm vào một số khu vực ùn tắc trên địa bàn TP Hà Nội. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nếu thu phí sẽ khiến đề án này rất khó thực hiện, người dân gặp nhiều gánh nặng…
Tại sao đề án trạm thu phí ra đời?
Lượng phương tiện tham gia giao thông quá lớn, tình trạng UTGT thường xuyên diễn trên nhiều trục đường lớn, các khu vực tập trung đông dân cư, cơ quan, và các trường học…
Hiện nay, Hà Nội có khoảng 8 triệu người đăng ký thường trú; tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông mới đạt 9,75% (mục tiêu từ 20 - 26%); tốc độ tăng trưởng ô tô là 10,2%/năm và xe máy 6,7%/năm. TP hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (trong đó có khoảng 5,6 triệu xe máy, 685 nghìn ô tô các loại), trong đó, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương khác thường xuyên hoạt động trên địa bàn TP.
Năm 2017, HĐND TP, UBND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Nội dung chính của Đề án là giảm thiểu phương tiện cá nhân nhằm giảm UTGT cũng như ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.
Mới đây, đơn vị tư vấn đã gửi GTVT Hà Nội một đề án thành phần trong chương trình hạn chế phương tiện cá nhân của TP với tên gọi: “Đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường để hạn chế xe cơ giới đi vào”.
Do đó, Sở GTVT Hà Nội đang nghiên cứu Đề án thu phí phương tiện vào nội đô, dự kiến trình UBND thành phố trong thời gian sắp tới. Đề án do đơn vị tư vấn Đại học Giao thông Vận tải xây dựng, đề xuất lập 87 trạm thu phí ở vành đai 3.
Theo, Đề án dự kiến có 68 vị trí với 87 trạm thu phí trên cơ sở các tuyến đường khép kín, được áp dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC), kết hợp công nghệ thu phí với hệ thống camera giám sát để đảm bảo không gây UTGT tại các trạm.
Đặt bên trong ranh giới vành đai 3, nằm trên các trục đường hướng tâm vào trung tâm thành phố. Một số vị trí dự kiến đặt tại cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân …
Trong dự thảo Đề án thu phí phương tiện vào nội đô, đơn vị tư vấn xác định ranh giới thu phí ô tô từ vành đai 3; chu vi khoảng 51 km, diện tích 150 km2.
Theo đó, khung giờ thu phí hàng ngày từ 5h-21h có phân biệt mức thu theo giờ cao điểm (giờ cao điểm sáng từ 6h-9h, chiều từ 16h-19h30 theo QĐ số 24/QĐ-UBND ngày 2/10/2020 của UBND thành phố Hà Nội) để khuyến khích chủ phương tiện và người dân hạn chế các chuyến đi không cần thiết vào giờ cao điểm.
Nhiều ý kiến trái chiều?
Ngay sau khi thông tin trên được công bố, nhiều người dân và tài xế đã bày tỏ ý kiến của mình. Anh Nguyễn Bá Tuấn Minh ( Đồng Lư, Quốc Oai) chia sẻ: “Hằng ngày, tôi đều phải di chuyển mấy chục cây số để đến quận Cầu Giấy làm việc, đi lại bằng xe máy rất khó khăn khi di chuyển qua các tuyến đường có mật độ giao thông cao. Tuy nhiên, nếu lựa chọn xe buýt đi làm thì rất chậm, phải thay đổi tuyến nhiều lần rất bất tiện”.
Còn anh Phạm Văn Công (Mai Dịch, Cầu Giấy) cho rằng, hàng ngày tôi phải di chuyển bằng ô tô cá nhân qua tuyến đường vành đai 3 này. Nếu đi làm, đưa đón con đi học, đến cả chục lần một ngày thì không biết xe của tôi sẽ bị thu phí như thế nào?
Anh Nguyễn Văn Giang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) băn khoăn, việc cấm xe cơ giới đi vào trung tâm TP để giảm thiểu UTGT và ô nhiễm môi trường là rất tích cực nhưng có thể gây phiền hà, khó khăn khi vận tải công cộng chưa đáp ứng được mong đợi của người dân.
Việc cần làm lúc này là đầu tư hệ thống hạ tầng, quy hoạch đô thị thật tốt. Đồng thời Hà Nội cần sớm thúc đẩy các dịch vụ vận tải công cộng như đường sắt đô thị, xe buýt thông minh, với diện bao phủ đủ lớn trước khi nghĩ tới việc thu phí phương tiện vào nội đô.
Chuyên gia nói gì về đề án?
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình cho biết, nhiều đô thị lớn trên thế giới đã áp dụng các biện pháp gia tăng thuế phí lên xe cơ giới cá nhân từ hàng chục năm qua. Ví dụ ở Nhật Bản, Anh và các quốc gia khác, có phí đỗ xe cao, phí ra vào nội đô rất đắt đỏ, khiến nhiều người thay đổi thói quen sử dụng xe riêng, thay vào đó chủ yếu sử dụng phương tiện công cộng.
Do vậy, lượng xe cá nhân tại nhiều đô thị giảm đáng kể, theo đó UTGT cũng được kiềm chế, chỉ số môi trường ở ngưỡng mức an toàn.
“Tuy nhiên, 87 trạm thu phí đó phải kiểm soát được các ngõ ngách trong vành đai 3. Bởi nếu thu phí, các phương tiện đổ về các vị trí không được đặt thiết bị thu, đi qua một tuyến đường khác sẽ tiếp tục gây ra tình trạng UTGT. Do đó, thành phố nên đặt thiết bị thu ở các tuyến đường nội đô” - TS Phan Lê Bình nhận định.
Thông tin với báo chí, TS giao thông đô thị Đăng Minh Tân phân tích, lo ngại của người dân là có cơ sở. Những khu vực được đề xuất thu phí xe đều ở các khu vực đông dân cư, nhiều cơ quan, trường học, bệnh viện… nếu không có biện pháp xử lý khoa học rất có thể sẽ gây ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, muốn cho người dân hiểu và đồng thuận với đề án này, TP phải có kết quả ước tính một cách định lượng về hiệu quả khi sử dụng đề án này.
Ví dụ mỗi lần thu phí có giá 10.000 đồng thì lượng phương tiện tham gia giao thông tại các khu vực ùn tắc này giảm được bao nhiêu và số tiền đó được sử dụng với mục đích gì. Nếu nói rõ được vấn đề này khả năng cao người dân sẽ đồng thuận với đề án.