Trung Quốc: Phát hiện bất ngờ về nguồn gốc của loạt xác ướp nghìn năm tuổi

Minh Tuấn (THEO SMITHSONIANMAG) 29/10/2021 19:00

Từng được cho là những người di cư từ Tây Á, phân tích ADN cho thấy những thi hài được khai quật tại sa mạc Trung Quốc thực chất là hậu duệ của một nhóm người đã sinh sống tại đây từ Kỷ Băng hà.

Nhiều thập kỷ trước, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hàng trăm thi thể được ướp xác tự nhiên bị chôn vùi trong thuyền tại một sa mạc cằn cỗi ở Tây Bắc Trung Quốc. Có niên đại cách đây khoảng 4.000 năm, quần áo và đồ tùy táng của những xác ướp này khiến một số học giả cho rằng họ là những người di cư từ Tây Á.

Nhưng phân tích DNA mới được công bố trên Tạp chí Nature cho thấy cái gọi là xác ướp Tarim thực chất có nguồn gốc từ một quần thể dân cư sinh sống tại khu vực này trong thời kỳ Kỷ Băng hà.

Đồng tác giả nghiên cứu - bà Christina Warinner, một nhà nhân chủng học tại Đại học Harvard, chia sẻ với nhà báo Katie Hunt của CNN: “Chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ của một nhóm dân cư địa phương bị cô lập về mặt di truyền”.

“Mặc dù bị cô lập về mặt di truyền, các dân tộc thời kỳ đồ đồng ở lưu vực Tarim có sự đa dạng văn hoá cao và hội nhập quốc tế", bà Warinner nhận định.

Các bộ hài cốt được ướp xác tự nhiên trong tình trạng bảo quản rất tốt, một số vẫn nguyên vẹn quần áo và tóc. Ảnh ​​Smithsonianmag.

Được biết đến với nguồn gốc Bắc Âu Cổ đại (ANE), nhóm dân cư này sinh sống trên một khu vực rộng lớn vào thời Kỷ Băng hà nhưng hầu như đã biến mất vào khoảng 10.000 năm trước. Các nhà khoa học đã tìm thấy những “dấu vết” nhỏ về dòng dõi di truyền của họ ở những người bản địa ở Siberia và Bắc Mỹ.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét thông tin di truyền từ các xác ướp lâu đời nhất ở lưu vực Tarim - có niên đại từ 3.700 đến 4.100 năm tuổi - cùng với bộ gene được giải mã từ hài cốt của 5 người từ lưu vực Dzungarian, xa hơn về phía Bắc trong Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương. Có niên đại từ 4.800 - 5.000 năm trước, chúng là những di vật cổ nhất của con người được tìm thấy trong khu vực.

Nhờ điều kiện khô ráo của lưu vực, các xác ướp được bảo quản rất tốt, tóc và quần áo của họ vẫn còn nguyên vẹn. Mặc dù sống ở vùng sa mạc, họ được chôn cất trong những quan tài hình chiếc thuyền được bọc bằng da bò với những mái chèo làm vật đánh dấu — một tập tục thường gắn liền với người Viking.

Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học tranh cãi về nguồn gốc của những xác ướp này. Theo dữ liệu khảo cổ, họ có dung mạo khá giống người phương Tây hiện đại, mặc đồ làm từ nỉ, len và có thực đơn bao gồm phô mai, bột mì và hạt kê. Do đó, nhiều người nhận định đây là nhóm dân du mục di cư từ thảo nguyên Tây Á hoặc nông dân đến từ Trung Á.

Minh Tuấn (THEO SMITHSONIANMAG)