Đặt lợi ích người dân là trung tâm

H.Vũ 30/10/2021 07:41

Chiều 29/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).

Chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 xác định mục tiêu tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh. Nâng cao nội lực của nền kinh tế và của doanh nghiệp (DN).

Để thực hiện mục tiêu trên, ông Dũng đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Theo đó, hoàn thành cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đầu tư công, ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Phát triển các loại hình thị trường, nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực. Phát triển lực lượng DN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế.

“Cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng. Nâng cấp chuỗi giá trị các ngành dựa vào ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế bao trùm; tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát huy yếu tố con người, giá trị văn hoá, truyền thống, lịch sử, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”- ông Dũng nói.

Theo đại biểu Phạm Thị Hồng Yến (đoàn Bình Thuận), năm 2021 là thời điểm chịu tác động lớn của dịch Covid-19 do đó phục hồi phát triển kinh tế sau dịch là vấn đề cấp thiết. Cho nên kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế cần gắn với khôi phục phát triển kinh tế, tăng cường tính tự chủ, tự lực tự cường của nền kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bà Yến cho rằng, thời điểm hiện tại, các nước cũng đang tái thiết để tăng cường tính bền vững của nền kinh tế nên nghị viện các nước đều hướng tới mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh. Trong năm 2020-2021 sẽ có khoảng 20 ngàn tỷ USD đầu tư vào kinh tế để phục hồi. Tại Việt Nam đang xây dựng chương trình phục hồi, và tính toán quy mô đủ lớn để phục hồi bền vững.

Bà Yến cũng lưu ý, cần lấy lợi ích của người dân là mục tiêu trung tâm để xây dựng thể chế phát triển kinh tế. “Chúng ta cần quan tâm tới vấn đề y tế và giáo dục và coi các lĩnh vực đó là “dịch vụ”. Theo đó, y tế cần hướng tới dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Từ đó có định hướng để nhà nước sử dụng gói đầu tư công để phát triển y tế dự phòng, y tế số để đóng góp cho tăng trưởng GDP. Còn giáo dục cần nâng cao kỹ năng của người lao động, đào tạo lại, nhất là các nguồn lực kinh tế cần ưu tiên, nâng cao năng lực kỹ năng số để phục vụ nền kinh tế. Ngay học sinh cấp 2, cấp 3 có thể đưa ra sáng kiến trong học tập, tiêu dùng, sản xuất để hướng tới nền kinh tế bền vững, việc làm xanh, kỹ năng xanh để đóng góp cho phát triển nền kinh tế xanh”- bà Yến nêu quan điểm.

Cùng chung quan điểm coi y tế và giáo dục như “dịch vụ”, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, nguồn lực đầu tư của nhà nước về y tế, giáo dục sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững phát triển nền kinh tế xanh gắn với tự chủ, tự lực, tự cường.

Bảo mật thông tin người mua bảo hiểm

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, về hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin thị trường bảo hiểm, tại Điều 6 nhiều người lo lắng vấn đề bảo mật thông tin cá nhân đối với cả người mua bảo hiểm và người hưởng bảo hiểm.

“Trong báo cáo giải trình tiếp thu của Bộ Tài chính mới chỉ nêu trách nhiệm của DN bảo hiểm trong quản lý thông tin khách hàng. Như vậy là chưa có sự đầy đủ. Bởi việc tiếp cận thông tin cá nhân không chỉ có DN bảo hiểm mà các chủ thể cơ quan nhà nước khi có yêu cầu và được quyền đề nghị DN cung cấp cũng được tiếp cận các cơ sở dữ liệu này. Do vậy, cần bổ sung các cơ quan, cá nhân được tiếp cận cơ sở dữ liệu đều phải có trách nhiệm bảo mật thông tin và phải có hình thức xử lý khi để lộ thông tin”- bà Mai kiến nghị.

Nêu quan điểm của mình, đại biểu Lâm Văn Đoan (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, việc phát triển bảo hiểm vi mô nói riêng và tài chính toàn diện nói chung là một trong các giải pháp để cải thiện cuộc sống người dân, nhất là người nghèo. Cơ quan soạn thảo thẩm tra cần quan tâm phát triển hệ thống tổ chức chương trình, dự án bảo hiểm vi mô hoạt động an toàn hiệu quả bền vững, hướng tới người nghèo, người cận nghèo, người thu nhập thấp, như vậy là phù hợp với mục tiêu chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Ông Đoan cũng đề nghị cần ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho người nghèo, người thu nhập thấp, trong đó có chính sách khuyến khích hợp tác các DN, các tổ chức bảo hiểm vi mô và các tổ chức công nghệ tài chính nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ để đơn giản hóa thủ tục, dịch vụ thuận lợi với chi phí thấp cho người nghèo, người dân ở khu vực nông thôn.

H.Vũ