COP26: 'Thế giới đang bị đe dọa'

Mai Nguyễn 30/10/2021 14:41

Theo nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, tương lai của nhân loại, thậm chí là sự sống còn của Trái Đất đang trong tình tế nguy cấp nếu con người không cố gắng đẩy nhanh các nỗ lực nhằm hạn chế biến đổi khí hậu.

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26)

Các nhà lãnh đạo thế giới đang chuẩn bị họp tại thành phố Glasgow, Scotland cuối tháng này để tham dự Hội nghị COP26, giữa bối cảnh các thành phố trên toàn cầu đang ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Hình ảnh Trái Đất thu nhỏ tại triển lãm “Thiên đường mong manh” bên trong cơ sở lưu trữ khí đốt công nghiệp cũ Gasometer ở thành phố Oberhausen, Đức. Ảnh: AP.
Hình ảnh Trái Đất thu nhỏ tại triển lãm “Thiên đường mong manh” bên trong cơ sở lưu trữ khí đốt công nghiệp cũ Gasometer ở thành phố Oberhausen, Đức. Ảnh: AP.

Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) được biết đến là một hội nghị thường niên tổ chức trong khuôn khổ Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), nơi họp chính thức của các bên tham gia UNFCCC nhằm đánh giá quá trình các quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc năm nay đặt ra một câu hỏi cấp thiết cho cộng đồng quốc tế: Liệu thế giới có thể cùng nhau đối đầu với kẻ thù chung là “nóng lên toàn cầu” trước khi quá muộn?

5 vấn đề hàng đầu cần được giải quyết tại Hội nghị ở Glasgow

Cung cấp 100 tỷ USD hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu hàng năm

Các quốc gia giàu có đã đồng ý với mục tiêu này để giúp các nước đang phát triển giảm lượng phát thải khí nhà kính và thích ứng với các tác động của cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ứớc tính năm 2019 cho thấy, khoản tài trợ chỉ ở mức 80 tỷ USD.

Một ngôi nhà bỏ hoang bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng cạnh một đầm phá nhỏ gần làng Tangintebu, Nam Tarawa ở quốc đảo Kiribati, miền trung Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters.
Một ngôi nhà bỏ hoang bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng cạnh một đầm phá nhỏ gần làng Tangintebu, Nam Tarawa ở quốc đảo Kiribati, miền trung Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters.

Sonam P. Wangdi ở Bhutan, người chủ trì nhóm Các nước kém phát triển nhất tại cuộc hội đàm, cho biết: “Người dân của chúng tôi đang phải chịu đựng nhiều loại hình thời tiết cực đoan khác nhau do hậu quả của một cuộc khủng hoảng mà chúng tôi ít gây ra.”

Giảm lượng khí thải từ Metan

Metan là thành phần chính trong khí tự nhiên và là sản phẩm phụ của một số ngành nông nghiệp, đã phần nào bị bỏ qua trong các cuộc đàm phán trước đây. Là một loại khí nhà kính, Metan có sức làm nóng gấp 80 lần so với khí CO2 nhưng chỉ tồn tại trong không khí khoảng một thập kỷ. Giảm lượng khí thải bằng cách khắc phục sự cố rò rỉ trong đường ống dẫn khí và hạn chế bùng phát tại các vị trí khoan sẽ mang lại một cải tiến nhỏ nhưng hiệu quả.

Kelly Levin, trưởng bộ phận khoa học, dữ liệu và thay đổi hệ thống của Quỹ Trái đất Bezos, cho biết, thế giới không thể giải quyết vấn đề khí hậu mà không cắt giảm khí Metan.

Giảm 45% lượng phát thải khí CO2

Chấm dứt nạn phá rừng vào cuối thập kỷ này, vì rừng đóng một vai trò quan trọng trong việc loại bỏ khí CO2 khỏi khí quyển. Đồng thời gia tăng sản xuất các loại phương tiện không phát thải, ví dụ như các loại phương tiện chạy bằng điện.

Một cam kết được đề xuất là giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 so với mức năm 2010. Cho đến nay, lượng khí thải chỉ tăng lên chứ không hề giảm.

Giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5 độ C

Đây là mục tiêu mà một số quốc gia sản xuất nhiên liệu hóa thạch đã chống lại.

2 nửa bức tranh cho thấy 2 tình trạng trái ngược nhau gây ra do biến đổi khí hậu. Phía bên trái là hình ảnh đám cháy rừng trên hòn đảo Evia, Hy Lạp, phía bên phải là vết nứt trên thềm băng Larsen C thuộc bán đảo Nam Cực được chụp lại bởi NASA. Ảnh: AP.
2 nửa bức tranh cho thấy 2 tình trạng trái ngược nhau gây ra do biến đổi khí hậu. Phía bên trái là hình ảnh đám cháy rừng trên hòn đảo Evia, Hy Lạp, phía bên phải là vết nứt trên thềm băng Larsen C thuộc bán đảo Nam Cực được chụp lại bởi NASA. Ảnh: AP.

Giảm một nửa lượng khí thải trong thập kỷ tới được coi là bước đệm quan trọng trên con đường giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu vào năm 2050. Đây là con đường mà các nhà khoa học cho rằng là duy nhất để đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, là giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C (2,7 độ F) vào cuối thế kỷ.

Đảm bảo thực hiện cam kết chung

Tính minh bạch là yếu tố quan trọng nhất của các cuộc đàm phán, bởi vì bản chất tự nguyện của Hiệp định Paris có nghĩa là các quốc gia sẽ phải theo dõi chặt chẽ mức cải tiến của những quốc gia khác trước khi tăng cường các mục tiêu của họ lên một tầm cao mới.

Sự kết hợp của những loại hình thời tiết cực đoan do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu trong khoảng thời gian 2020-2021. Lần lượt từ trái sang, đám cháy tại Rừng Quốc gia Sequoia, Mỹ; cơn bão Ida kinh hoàng ở Los Angeles, Mỹ và đầm phá Cerro nứt toác trong đợt hạn hán kéo dài ở Limpio, Paraguay. Ảnh: AP.
Sự kết hợp của những loại hình thời tiết cực đoan do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu trong khoảng thời gian 2020-2021. Lần lượt từ trái sang, đám cháy tại Rừng Quốc gia Sequoia, Mỹ; cơn bão Ida kinh hoàng ở Los Angeles, Mỹ và đầm phá Cerro nứt toác trong đợt hạn hán kéo dài ở Limpio, Paraguay. Ảnh: AP.

Một cuộc tranh luận khác sẽ xoay quanh vấn đề khung thời gian báo cáo các mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm. Các thỏa thuận hiện tại yêu cầu các nước phát triển đặt mục tiêu mới 5 năm một lần, nhưng một số bên tham gia muốn chuyển sang cam kết hàng năm, ít nhất là cho đến khi thế giới đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris.

Đừng chỉ dừng lại ở những cam kết, hãy hành động

Biến đổi khí hậu đang thúc đẩy các đợt nắng nóng, lũ lụt, hạn hán và các xoáy thuận nhiệt đới tồi tệ hơn. Nhà hoạt động khí hậu người Uganda Vanessa Nakate nhấn mạnh: “Trái Đất đang bị đe dọa nếu các nhà lãnh đạo không hành động ngay vì khí hậu. Chúng tôi không thể ăn than. Chúng tôi không thể uống dầu, và chúng tôi càng không thể hít thở cái gọi là khí tự nhiên ”.

Nhà hoạt động khí hậu Vanessa Nakate tại mỏ than lộ thiên Garzweiler ở Luetzerath, miền Tây nước Đức. Ảnh: AP.
Nhà hoạt động khí hậu Vanessa Nakate tại mỏ than lộ thiên Garzweiler ở Luetzerath, miền Tây nước Đức. Ảnh: AP.

Các thành phố trên toàn cầu đang phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng nhiều hơn. Các hiện tượng này bao gồm tuyết dày hơn, hạn hán nghiêm trọng hơn, thiếu nước, các đợt nắng nóng bất thường nghiêm trọng, lũ - bão lớn hơn, cháy rừng nhiều hơn và mùa bão dài hơn.

Sau hai năm vật lộn với đại dịch Covid-19, thế giới đang đứng trước cơ hội "trở lại tốt hơn". Theo báo cáo công bố ngày 26/10 của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, nếu các quốc gia không tăng cường các cam kết về khí hậu của mình và bắt tay ngay vào hành động, cơ hội xây dựng một Trái Đất tốt hơn sẽ bị phung phí và nhiệt độ hành tinh của chúng ta sẽ có thể tăng ít nhất là 2,7 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850 - 1900).

Mai Nguyễn