Xác định nút thắt của nền kinh tế để tái cơ cấu
Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Nhiều đại biểu (ĐB) đã chỉ ra những nút thắt, điểm nghẽn nội tại, qua đó cho rằng, cần có giải pháp để tháo gỡ trong tái cơ cấu.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu: Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế nước ta được thực hiện trong nhiều năm, đặc biệt kể từ khi kinh tế nước ta chịu tác động bởi khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu năm 2008-2009. Khi đó kinh tế nước ta bị suy giảm, lạm phát cao. Đảng và Nhà nước đã có nghị quyết liên quan quá trình tái cơ cấu. Quốc hội khóa XIII có 2 Nghị quyết số 10 và 86. Quốc hội khóa XIV có Nghị quyết 24 về cơ cấu lại nền kinh tế nước ta. Sau một thời gian thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế nước ta đã đạt được những mục tiêu nhất định.
Tuy nhiên, theo ông Ngân, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế nước ta trong giai đoạn tới sẽ gặp nhiều thách thức. Thứ nhất, tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay còn diễn biến phức tạp khó lường, có thể phát sinh nhiều biến thể mới. Nên quá trình cơ cấu lại nền kinh tế không chỉ phải thích ứng với biến đổi khí hậu mà thích ứng an toàn với kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, nền kinh tế nước ta là nền kinh tế có độ mở lớn, nằm trong top cao của thế giới, nên phải chịu ảnh hưởng nhiều chiều, tác động của nhiều yếu tố.
“Thế giới đã tung nhiều gói kích thích kinh tế làm tăng tổng cầu, bên cạnh đó đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh làm giá cả hàng hóa tăng cao. Lạm phát thế giới đang bùng lên trong đó có giá xăng dầu, có khả năng tác động tới lạm phát nước ta trong thời gian tới. Đặc biệt, các chi phí, dự toán trong kế hoạch đầu tư của chúng ta có thể bị thay đổi. Chính phủ cần kịch bản ứng phó, không để kinh tế vĩ mô bất ổn”- ông Ngân phân tích.
Từ đó ông Ngân kiến nghị, Chính phủ sớm xem xét can thiệp, bình ổn, hỗ trợ giá xăng dầu bởi hiện nay giá xăng dầu đang tăng rất nhanh. Trong khi đó chúng ta còn dư địa, các công cụ như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, quỹ bảo vệ môi trường cần được sử dụng khi giá cả tiếp tục tăng lên. Bên cạnh đó, thời gian qua dù đã có chuyển biến tích cực nhưng việc giải ngân đầu tư công vẫn là điểm nghẽn, điểm yếu mà chúng ta cần rà soát, chỉ ra các nguyên nhân để tập trung xử lý dứt điểm. Cho nên Chính phủ cần duy trì tổ hỗ trợ, phản ứng nhanh, giúp các tỉnh thành giải ngân đầu tư công.
Ông Ngân lưu ý trong phân bổ vốn đầu tư, cần thực hiện theo đúng mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, ưu tiên phân bổ vốn cho hạ tầng, liên kết vùng, liên kết ngành, hạ tầng chuyển đổi số, kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Theo ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), cơ cấu lại nền kinh tế chính là thay đổi về cơ cấu, hay chính là thay đổi quan hệ tỷ lệ, phân bổ nguồn lực để làm thay đổi quy mô, tốc độ phát triển các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế. Phân bổ nguồn lực nội tại của nền kinh tế đang mất cân đối. Vốn trong các doanh nghiệp nhà nước chiếm giữ rất lớn nhưng không hiệu quả, trong khi đó, khu vực tư nhân không có khả năng tiếp cận. Nhiều vùng có tiềm năng phát triển tốt nhưng đầu tư phát triển lại không tương xứng.
Ông Cường đưa ra dẫn chứng: “Chẳng hạn như Đồng bằng sông Cửu Long tốc độ đầu tư hạ tầng thấp hơn nhiều so với vùng khác. Hoặc các vùng kinh tế ven biển có nhiều tiềm năng nhưng cách khai thác, đầu tư, phát triển kinh tế biển hầu như chưa được quan tâm.
Ông Cường cũng cho rằng, nền kinh tế đang thiếu trụ cột để tạo nên nền kinh tế phát triển tự chủ và bền vững. Nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào FDI, xuất khẩu thì 70% là FDI. Chúng ta đặt ra mục tiêu Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường. Tuy nhiên, quốc gia hùng cường nào cũng phải dựa trên các trụ cột hoặc các tập đoàn kinh tế mạnh để không chỉ làm chủ kinh tế đất nước mà còn vươn ra thế giới hay nắm được các yết hầu kinh tế thế giới như tài chính ngân hàng, hay huyết mạch về hàng hóa, tiền tệ.
Những tác động từ đại dịch và cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi chúng ta phải cơ cấu lại, theo ông Cường nền kinh tế càng đặt ra cần thay đổi nhiều hơn, cần có cơ chế đột phá để tạo lập ra chỗ đứng, thay đổi các phương thức đầu tư chứ không phải thực hiện các biện pháp thông thường.
ĐB Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) cho rằng, cần tập trung xác định những nút thắt của nền kinh tế, của ngành, của địa phương để từ đó đưa ra những biện pháp cụ thể, khả thi khơi thông và tạo nguồn lực phát triển mạnh và bền vững. Bởi theo ông Hậu, những mâu thuẫn dẫn đến các nút thắt đang hiển hiện trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước, của nhân dân, ngăn cản sự phát triển. Do đó trong cơ cấu lại nền kinh tế, nếu các ngành, địa phương bắt đầu giải quyết những bức xúc của người dân và doanh nghiệp sẽ tìm ra và tháo gỡ được những nút thắt, tạo ra được những thay đổi mang tính đột phá.