Để học sinh không bị sốc khi trở lại trường

Thu Hương 31/10/2021 10:55

Nhiều tỉnh thành đang có kế hoạch mở cửa trường học trở lại. Với những thay đổi về thời khóa biểu và thói quen sinh hoạt, nhiều chuyên gia tâm lý và bác sĩ khuyến cáo các bậc cha mẹ nên có sự chuẩn bị cũng như hỗ trợ tâm lý cho con, để trẻ trở lại trường trong tâm thế tốt nhất, cả về học tập lẫn sinh hoạt.

Thay đổi không dễ

Chị Hoa Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, tròn nửa năm nay con không đến trường. Mọi giao tiếp với xã hội, bạn bè cũng cực kỳ hạn chế, chủ yếu qua mạng xã hội thay vì giao lưu trực tiếp dù trước đó, con là người thích các hoạt động tập thể, hội nhóm ở trường cũng như các câu lạc bộ ngoại khóa. Khi năm học bắt đầu với học online, con có thêm giờ học trong lịch sinh hoạt hàng ngày nhưng bài vở của lớp 6 với con cũng chưa quá nặng.

Thầy cô cũng lo học sinh quá tải nên nhiều bài giao tự học, tự đọc ở nhà nên con vẫn khá thảnh thơi, thậm chí còn thời gian tham gia nhiều lớp học vẽ, học tiếng Anh online, học đàn miễn phí qua các ứng dụng trên internet.

“Con thấy cô giáo nhắc đăng ký tiêm vaccine để sớm trở lại trường cũng không hồ hởi như tưởng tượng của tôi. Thậm chí con tiếc các lớp học trực tuyến do khi học trực tiếp, bài vở chắc sẽ nặng hơn, lo không có thời gian giao lưu với những người bạn mới trên internet khiến tôi khá lo lắng khi thay đổi môi trường sinh hoạt của con” - chị Hoa Mai chia sẻ và cho biết hiện nay, chị đang khuyến khích con giao lưu nhiều hơn với các bạn học ở lớp mới, trường mới nhưng khá khó khăn do các con trước đó hầu như không quen nhau.

Một phụ huynh khác ở quận Hà Đông lại lo lắng khi học online ở nhà, trừ thời gian học cố định từ 8 đến 10h sáng mỗi ngày còn lại toàn thời gian con hoạt động tự do. Việc sắp xếp ăn học chơi thế nào chị để con tự chủ động nên nếu trở lại trường học sẽ phải thay đổi hàng loạt thói quen, nếp sinh hoạt.

Để con không bị “sốc”, vị phụ huynh này cho biết đang dần uốn nắn trẻ vào nề nếp cũng như thảo luận với con về các biện pháp đảm bảo an toàn trường học. Trong đó nêu ra các tình huống có thể xảy ra để con có sự chuẩn bị, không hoang mang cũng như không chủ quan thái quá đều không có lợi.

Dịch bệnh đã khiến trẻ bị gián đoạn sinh hoạt, giáo dục, giải trí. Trong khi đó, người lớn có thể bị khủng hoảng về thu nhập, sức khỏe và gây ra tác động tiêu cực với trẻ. Các chuyên gia cho rằng nhà trường và giáo viên cần chung tay với gia đình để có giải pháp can thiệp, tư vấn, hỗ trợ kịp thời nhằm giảm tác động của đại dịch gây ra cho nhóm đối tượng này, đặc biệt là mỗi khi có những thay đổi lớn như trở lại trường học.

Chuẩn bị tâm lý để thích ứng

Ở góc độ tâm lý, PGS.TS Phạm Mạnh Hà (Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Dịch Covid-19 gây ra sang chấn nghiêm trọng, đặc biệt đối với lứa tuổi học sinh, sau một thời gian dài sống trong các điều kiện hạn chế đi lại, giao tiếp, học tập trực tuyến kéo dài… khiến cho các em trở thành nhóm đối tượng dễ mắc những vấn đề tâm lý nhất. Vì vậy, khi đi học trực tiếp trở lại, cần lường đến những tình huống có thể xảy ra khi cảm giác bất an, dẫn đến phản ứng cáu kỉnh, nóng giận với bạn bè, thậm chí là bạo lực học đường có thể xảy ra.

Về phía Bộ GDĐT cũng đã ban hành Công văn số 4808/BGDĐT-GDTrH, trong đó lưu ý khi học sinh mới trở lại trường học, nhà trường cần tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường. Đi kèm với đó là các hình thức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau để “không học sinh nào bị bỏ lại phía sau”.

Không gây áp lực, quá tải đối với học sinh là việc các trường cần phải cân nhắc, trong đó có việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, từ kinh nghiệm của những lần mở cửa trường học trước, bên cạnh các biện pháp bảo đảm an toàn cho thầy và trò thì việc hỗ trợ tâm lý cho các em cũng rất quan trọng. Có thể chia thành các buổi nói chuyện chuyên đề trong phạm vi một lớp hoặc chia thành các nhóm nhỏ để tìm hiểu những vấn đề các em đang gặp phải để có phương án hỗ trợ kịp thời.

Đặc biệt, vai trò của giáo viên chủ nhiệm là rất quan trọng khi tìm hiểu hoàn cảnh, tâm lý của từng học sinh trong lớp bởi đại dịch kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều gia đình, thậm chí có những học sinh có thể mất bố, mẹ và người thân trong đại dịch thì cần sự động viên, chia sẻ, khuyến khích của giáo viên và tập thể lớp.

Các chuyên gia tâm lý lưu ý rằng, sức khỏe tinh thần của học sinh trong thời gian này quan trọng hơn là kiến thức. Do vậy, giáo viên cần tổ chức hỗ trợ về tâm lý cho các em thích nghi lại với cuộc sống trường học, trao đổi về những lo âu khi quay trở lại trường học và cách ứng phó.

Thầy cô cần làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho học sinh

Vừa qua, Bộ GDĐT đã tổ chức chương trình tập huấn trực tuyến cho cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông về tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19. Hơn 1.000 cán bộ phụ trách công tác xã hội, tư vấn tâm lý của các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường Tiểu học, THCS và THPT đã tham dự tại 400 điểm cầu trên toàn quốc. Tại chương trình, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức để nhận diện những vấn đề tâm lý thường gặp ở học sinh, cách nhận diện sự căng thẳng và những khó khăn về tâm lý của học sinh trong dịch bệnh và khi quay lại trường học.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh, những khó khăn, khủng hoảng tâm lý của học sinh trong bối cảnh đại dịch đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ, giáo viên có kiến thức sâu về tâm lý, đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, cán bộ đoàn, đội. Đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến các em mà còn ảnh hưởng đến các thầy, cô. Do đó, các thầy, cô cần cân bằng công việc, gia đình để làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho các em khi thực hiện nhiệm vụ giáo dục của mình.

Liên quan tới việc chuẩn bị đón học sinh trở lại trường, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho rằng, lần quay lại trường học này sẽ khác rất nhiều so với khi học sinh nghỉ hè những năm trước. Có thể, những ngày đầu tiên trở lại trường, các em rất hào hứng. Tuy nhiên, cha mẹ và giáo viên cần phải hiểu là với các em, trở lại trường là trở lại với những nỗi lo. Các em có thể sẽ trải qua lo âu này đến lo âu khác.

“Trước khi trở lại trường, cha mẹ nên chuẩn bị cho con một thời gian thích ứng với hoạt động mới ở trường. Giúp con hiểu đúng và có cảm giác an toàn. Một tuần trước khi quay trở lại trường phải giảm tải học online, thiết lập lại lịch ăn - ngủ phù hợp với học kỳ. Bố mẹ có thể cùng hỗ trợ con tổ chức lại góc học tập và cập nhật các thông tin liên quan đến việc trở lại trường như một hành động “lên dây cót” tinh thần”, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.

P.Anh

Thu Hương