Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Thách thức có kèm cơ hội?

Lê Minh Long 01/11/2021 06:15

Lợi ích đến từ chuyển đổi số rất lớn, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, bài toán lực lượng lao động ứng phó và thích nghi với quá trình chuyển đổi số vẫn rất nan giải. Đã có không ít lo ngại về việc chuyển đổi số sẽ tạo ra những biến động lớn trong thị trường lao động. Song nếu không thay đổi, chúng ta sẽ phải trả giá đắt…      

Săn đón lao động có kỹ năng

Trước diễn biến của dịch Covid-19, anh Nguyễn Văn Thỏa (quận Long Biên, TP Hà Nội) quyết định nghỉ việc tại Công ty TNHH công nghệ ở TP Hồ Chí Minh. Chưa có ý định đi làm, anh đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đúng hôm đó, tại Trung tâm diễn ra sàn giao dịch việc làm trực tuyến với 5 tỉnh (Bắc Giang – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Bắc Ninh - Thanh Hóa).

Sau một lượt tham khảo anh Thỏa đã chọn Công ty Enshu Sanko Việt Nam (KCN Quế Võ, Bắc Ninh) để phỏng vấn. Thật không ngờ, chỉ sau 15 phút trao đổi với cán bộ nhân sự, anh Thỏa đã có được một công việc đúng sở trường với mức lương 15 triệu đồng một tháng chưa bao gồm chính sách phúc lợi xã hội khác…

“Ngoài lương có phụ cấp, làm thêm giờ… như vậy hàng tháng tổng thu nhập của tôi khoảng hơn 20 triệu đồng/tháng. Thu nhập này so với công ty cũ không bằng nhưng đổi lại tôi được ở gần gia đình. Nhà tôi ở quận Long Biên, (Hà Nội) đi sang KCN Quế Võ khá tiện trong khi công ty lại có xe đưa đón”- anh Thỏa chia sẻ.

Nói về nhu cầu nhân lực có kỹ năng, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trước khi chưa có dịch, tỷ lệ tuyển dụng giữa nguồn nhân lực có kỹ năng với lao động phổ thông gần như ngang nhau. Tuy nhiên, khi dịch Covid -19 xảy ra, nhu cầu nhân lực có kỹ năng tăng vượt trội hơn hẳn. Đơn cử như ngành công nghệ thông tin đang rất “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao. Không chỉ các doanh nghiệp (DN) về công nghệ mới cần đội ngũ chuyên viên về công nghệ thông tin mà ở mọi DN, muốn cạnh tranh được trên thị trường cũng cần bổ sung đáng kể nhân lực công nghệ thông tin.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển công nghệ cũng đang được các DN trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đầu tư mạnh mẽ. Không chỉ các ngân hàng có quy mô lớn, các ngân hàng nhỏ hơn và một số công ty chứng khoán cũng đã lên kế hoạch đầu tư cho việc chuyển đổi, thành lập các ban dự án/khối chuyển đổi số. Do đó, nhu cầu nhân sự các cấp cho các vị trí như: công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển ứng dụng, phát triển công nghệ, quản trị chuyển đổi, quản trị và phân tích dữ liệu, marketing và kinh doanh trên nền tảng số đang tăng cao.

Đáp ứng cho các vị trí này đều là các nhân sự chất lượng cao, tuy nhiên đây cũng là lĩnh vực mà DN đau đầu nhất khi tuyển dụng. Nhiều DN thấy khó khăn trong khâu đào tạo để người lao động có thể đáp ứng được công việc.

3 năm trở lại đây, mỗi năm, Học viện FPT Software phải nhận đào tạo 3.000-4.000 học viên mới có thể đáp ứng được nhu cầu làm việc tại các DN - ông Đỗ Ngọc Hoàng, Giám đốc Học viện FPT Software cho biết.

Nhiều doanh nghiệp vẫn “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Quang Vinh.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và kéo dài đã làm tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III/2021 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Theo đó, trong quý III/2021, số người thiếu việc làm trong độ tuổi là hơn 1,8 triệu người, tăng 700 nghìn người so với quý trước và tăng 620 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục Thống kê chỉ ra, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn.

Vấn đề cấp bách

Rõ ràng chuyển đổi số đã và đang thay đổi mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lao động, việc làm. Đặc biệt trong 2 năm vừa qua, dịch Covid-19 là yếu tố thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực lao động, việc làm ở Việt Nam nhanh hơn. Trước thực tế này, Chính phủ đã nỗ lực thông qua những sáng kiến, chính sách tầm quốc gia, tạo tiền đề cho xu thế mới này.

Điển hình là Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”… Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc triển khai không dễ, nhất là khi nguồn lao động nước ta phần lớn vẫn là lao động phổ thông.

Chia sẻ về chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động KCN-KCX hiện nay, ông Nguyễn Mạnh Tiêm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thực tế kiểm tra tại các địa phương cho thấy, hiện đa số người sử dụng lao động chưa quan tâm nhiều đến việc thực hiện trách nhiệm đào tạo lại, đào tạo nâng cao tay nghề, thi nâng bậc nghề cho công nhân lao động.

“Tỷ lệ công nhân học để nâng cao về trình độ học vấn cũng còn hạn chế, đặc biệt là công nhân tay nghề cao hiện rất hiếm. Có 7% là công nhân có trình độ bậc 6, bậc 7, còn 75% công nhân bậc 1, bậc 2 và 3. Bởi lẽ, nhiều DN cũng không muốn nâng cao tay nghề cho công nhân vì phải trả lương cao, do đó 5-7 năm không thi tay nghề”, ông Tiêm cho biết.

Cũng theo ông Tiêm, nhân lực là vấn đề sống còn đối với DN, do vậy các DN cũng cần phải “bắt tay” cùng với Nhà nước, các trường đào tạo. Hiện nay Nhà nước cũng đã có những cơ chế về nguồn lực, cũng như tháo gỡ những rào cản về thủ tục, chính sách. Đây cũng là cơ hội để DN tạo được nguồn nhân lực chất lượng phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất.

Nhìn nhận về việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ông Lê Ðăng Doanh, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh đến việc cần có sự hợp tác giữa các trường đào tạo nghề với DN, nhất là DN FDI. “Các trường đào tạo nghề của Việt Nam kết hợp với họ, đào tạo theo đúng chương trình của họ thì sẽ có người giỏi, lương cao hơn và có động lực để người tài phát huy”, ông Doanh nói.

Sự bùng nổ ứng dụng công nghệ số, thiết bị thông minh, robot vào sản xuất như hiện nay cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam. Theo đó, nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, 46 triệu lao động Việt Nam chưa qua đào tạo sẽ đứng trước nguy cơ không có cơ hội tham gia làm những công việc có mức thu nhập cao, bị thay thế bởi lao động robot, trang thiết bị công nghệ thông minh.

Chính vì vậy, thị trường lao động trong nước sẽ cần những giải pháp toàn diện từ tất cả các bên liên quan để hướng tới nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực thông qua phát triển kỹ năng và tăng cường tri thức cho người lao động trong tình hình mới.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh: Cần những giải pháp toàn diện

Thời gian qua, để kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng các đợt dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các gói hỗ trợ mới, mở rộng các nhóm đối tượng được hưởng lợi, giảm 2/3 số thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn cho người dân.

Tuy nhiên, dịch được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi lĩnh vực lao động, việc làm phải có sự chuẩn bị kỹ hơn và phải thay đổi phần lớn cách thức vận hành hiện đại, số hóa để thích nghi với “trạng thái bình thường mới”. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được xem là chìa khóa để phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Nếu chúng ta chần chừ thì thời gian tới thị trường lao động sẽ phải đối mặt với sự khủng hoảng trầm trọng do chuyển đổi số.

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Đào tạo lại nguồn lao động – nhân tố quan trọng

Phát triển thị trường lao động hiện nay cần tập trung vào các giải pháp cơ bản như phát triển theo hướng hiện đại để bắt kịp cơ hội mới. Ngoài dịch chuyển lao động theo tính truyền thống như khu công nghiệp, dịch vụ công nghiệp thì phải nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu lao động từ nơi có năng suất lao động thấp sang nơi cao hơn. Tuy nhiên mắt xích quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đó là đào tạo lại nguồn lao động.

Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được ban hành đầu tháng 7 vừa qua; đặc biệt là Nghị quyết 116/NQ-CP và Quyết định 28/2021/QĐ-CP, của Chính phủ đã rất quan tâm chú trọng vấn đề đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, tháo gỡ rào cản và tạo cơ chế thông thoáng tối đa trong khuôn khổ pháp lý hiện hành để doanh nghiệp có thể tổ chức đào tạo, đào tạo lại cho người lao động. Đây là bước đi đúng đắn của Chính phủ về mặt chủ trương, chính sách, và cần được khẩn trương triển khai vào cuộc sống một cách nhanh nhất.

Lê Minh Long