Thu phí ô tô vào nội đô: Giao thông công cộng phải mạnh
Ngay sau khi Sở Giao thông vận tải Hà Nội phát đi một số nội dung cơ bản của Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông”, một số ý kiến cho rằng đây cũng có thể xem là một cách để giảm kẹt xe. Tuy nhiên, hệ thống giao thông công cộng phải đủ mạnh.
Nếu đã chấp nhận mất phí…
Một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu phân tích, khi thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực trung tâm thành phố sẽ làm giảm số lượng xe có trong nội đô cùng một thời điểm, dẫn tới giảm hiện tượng kẹt xe, tắc đường. Khi lượng xe lưu thông trên cùng một khu vực giảm, kéo theo giảm lượng khí phát thải chung. Tiến hành thu phí phương tiện cơ giới cũng sẽ tăng thu ngân sách cho thành phố.
Song vị chuyên gia này cũng chỉ ra việc thu phí phương tiện giao thông cơ giới sẽ trở thành vô nghĩa nếu Hà Nội hay các địa phương lân cận không có hệ thống giao thông công cộng đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại vào nội đô của người dân.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, khi thu phí phương tiện cơ giới để di chuyển vào một số khu vực người sử dụng phương tiện sẽ phải cân nhắc có việc thật cần thiết mới di chuyển vào, hoặc chịu mất phí nếu muốn vào để dạo chơi hay mua sắm.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh, nguồn kinh phí thu được phải minh bạch, nguồn thu được cần dùng một phần tái đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông công cộng. Người sở hữu phương tiện giao thông cá nhân, chấp nhận mất phí thì họ phải được sử dụng hệ thống giao thông chất lượng hơn. Chưa kể, việc thu phí cũng cần tính toán có lộ trình vì doanh nghiệp và người dân đã và đang bị tác động mạnh từ dịch Covid -19.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, việc nghiên cứu giải pháp thu phí xe vào nội đô để hạn chế ùn tắc trong khu vực này như một số nước đã thực hiện là cần thiết. Nhưng tiền đề quan trọng nhất để triển khai được là vận tải công cộng phải đáp ứng. Vì khi hạn chế cái này thì phải có cái kia thay thế, để người dân lựa chọn. Hệ thống metro, xe buýt ở Hà Nội, TP HCM phải đảm đương được 50 - 60% nhu cầu đi lại của người dân thì mới khuyến khích họ chuyển từ xe cá nhân sang công cộng. Nếu vận tải công cộng chưa đáp ứng được mà vẫn thực hiện thu phí xe cá nhân với mục đích làm khó, hạn chế đi vào khu vực hay ùn tắc thì chưa hiệu quả.
Có thể thực hiện vào năm 2024?
Trao đổi với với báo chí về Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông” - ông Vũ Văn Viện, Giám đốc sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, mức thu phí thấp nhất để bù đắp chi phí đầu tư, quản lý, vận hành khoảng 50.000 đồng mỗi lượt. Tuy nhiên, với nguyên tắc mức phí đủ tác động điều chỉnh hành vi người tham gia giao thông và căn cứ vào mức chi trả của người dân hiện nay (phí trông giữ xe ôtô khoảng 50.000 đồng đến 100.000 đồng), đề án đưa ra mức phí cao nhất 100.000 đồng mỗi lượt.
Cũng theo ông Viện, hiện tại kết cấu hạ tầng giao thông vận tải chưa đồng bộ theo quy hoạch; các tuyến vành đai 1-2-3 được đầu tư chưa hoàn chỉnh. Các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ, theo như dự kiến. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt vào giờ cao điểm và các dịp lễ, tết tập trung đông người. Vì vậy, giải pháp thu phí là cần thiết. Đề án mới là nghiên cứu đề xuất của Sở trên cơ sở giao nhiệm vụ của UBND TP Hà Nội. Sắp tới Sở sẽ báo cáo cấp thẩm quyền xem xét trình HĐND thành phố. Nếu HĐND thành phố ban hành nghị quyết về việc thu phí xe vào nội thành tại kỳ họp cuối năm 2021, UBND thành phố sẽ xây dựng dự án đầu tư, phương án quản lý theo lộ trình; triển khai tích cực thì dự án có thể hoàn thành vào năm 2024.
Cũng theo tính toán sơ bộ ban đầu từ cơ sở tư vấn, để thực hiện việc thu phí, Hà Nội sẽ cần hơn 2.600 tỷ đồng để xây 87 trạm thu phí, bao gồm chi phí đầu tư ban đầu và chi phí thay thế các thiết bị hết khấu hao, chưa tính chi phí vận hành khai thác.
Chính đại diện nhóm đề xuất thu phí ô tô cũng đã phân tích rằng, việc thu phí chỉ khả thi khi đã đáp ứng được các điều kiện: Xây dựng, hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thu phí; Đảm bảo số hóa, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu phương tiện giao thông; Lắp đặt trang thiết bị trên các xe để có thể thực hiện được thu phí không dừng và xử lý vi phạm bằng phạt nguội; Đảm bảo các điều kiện về kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống giao thông tĩnh và bãi đỗ trung chuyển để hành khách gửi xe cá nhân và đi phương tiện công cộng, phương tiện thay thế; Đảm bảo năng lực hệ thống vận tải hành khách công cộng đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi từ đi xe cá nhân của một bộ phận người dân…
TP HCM đề xuất thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm
Ngày 31/10, Sở GTVT TP HCM cho biết, vừa chính thức gửi văn bản đến UBND TP đề xuất dự án thu phí xe ôtô lưu thông vào trong khu vực trung tâm thành phố.
Dự án đề xuất đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) - Hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao) với thời hạn 10 năm và không tái đầu tư. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 2.274,1 tỷ đồng, gồm chi phí đầu tư ban đầu 478,1 tỷ đồng và tổng chi phí vận hành (có bao gồm lãi vay) của dự án trong 10 năm là 1.796 tỷ đồng. Nhà đầu tư tự thu xếp các nguồn vốn để thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BLT. Kinh phí lập đề xuất dự án do nhà đầu tư đề xuất tự cân đối, chi trả.
Lê Anh