Đồng bộ để giải quyết ùn tắc

Quang Ngọc 01/11/2021 06:10

Việc Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến ô tô vào nội thành ở một số tuyến đường thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm sẽ phải đóng phí, đang gây sự chú ý của dư luận. Tuy rằng đây cũng lại được xem là phương án không mới. Trước đó, khi cho rằng xe máy là nguyên nhân chính dẫn tới ùn tắc thì cả hai thành phố lớn nhất nước cũng đã từng đề xuất nhiều cách (và cũng đã từng áp dụng) để hạn chế loại phương tiện cá nhân này. Nhưng rốt cục đến nay vẫn không thành công.

Với ô tô cá nhân, cũng không phải không từng có những khuyến nghị hạn chế. Tuy nhiên, cần phải nói ngay rằng, với ô tô cá nhân, nó là một xu hướng sinh hoạt của người dân khi thu nhập cao lên. Đến nay, dù số người có ô tô chưa nhiều nhưng nhiều tuyến giao thông đô thị đã ùn tắc, sắp tới khi mà “bùng nổ” ô tô cá nhân thì tình hình sẽ còn căng thẳng hơn. Vậy thì phải có cái nhìn xa hơn để giúp các thành phố thông thoáng.

Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc áp dụng một số biện pháp hạn chế ô tô cá nhân để giảm ùn tắc thì trước hết phải phát triển tốt phương tiện giao thông công cộng, trong khi hiện tại điều đó tại TP HCM mới đáp ứng được khoảng 17%, còn Hà Nội vào khoảng 21%. Bên cạnh đó, việc mở mang đường sá cũng phải được coi là đòi hỏi cơ bản.

Về việc này, chính Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng thừa nhận, hiện tại kết cấu hạ tầng giao thông vận tải chưa đồng bộ theo quy hoạch; các tuyến vành đai 1-2-3 được đầu tư chưa hoàn chỉnh. Các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ. Hà Nội dự kiến phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 - Cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - đường Hoàng Sa - đường Trường Sa - đường Lý Sơn - đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3.

Với vành đai thu phí như trên thì Hà Nội dự kiến phải đặt 87 trạm thu phí.

Còn tại TP HCM Sở Giao thông vận tải cũng đã đề xuất UBND thành phố chấp thuận chủ trương nghiên cứu dự án thu phí ô tô vào trung tâm với 34 cổng thu phí tự động không dừng.

Theo ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, các doanh nghiệp vận tải hiện nay đã phải gánh rất nhiều chi phí cho quỹ bảo trì đường bộ, các trạm thu phí hình thức BOT, làm giá thành vận tải tăng cao, giá thành hàng hóa cũng bị ảnh hưởng. Nếu lại thu thêm phí khi đi vào trung tâm sẽ khiến doanh nghiệp tốn thêm một khoản chi phí, giảm sức cạnh tranh. Ông Quản lo rằng, khi áp dụng sẽ “phí chồng phí”.

Tương tự, nhiều người có ô tô riêng cho biết, để mua một chiếc ô tô thì phải gánh rất nhiều thứ thuế, phí, giờ lại chịu thêm phí ra vào trung tâm nữa thì “phí chồng phí”. Muốn thực hiện việc này thì phải có phương tiện công cộng thay thế để người dân lựa chọn.

Ở chiều ngược lại, một số ý kiến ủng hộ việc thu phí ô tô vào nội đô. Tuy nhiên, họ cho rằng cùng với việc phát triển phương tiện công cộng thì cần phải có lộ trình rõ ràng và đặc biệt phải minh bạch kế hoạch thu, phương án thu, số tiền thu được sử dụng vào mục đích gì. Nói như PGS.TS Chu Công Minh - Bộ môn cầu đường, Khoa kỹ thuật xây dựng Trường Đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM) thì vấn đề là phải tính toán mức phí thu sao cho phù hợp, đặc biệt cần phải công khai minh bạch khoản phí thu được chỉ dùng cho công tác chống ùn tắc.

Ùn tắc giao thông đã như một căn bệnh kinh niên của các đô thị lớn, trong khi các phương tiện giao thông công cộng còn rất hạn chế và lượng xe cá nhân tiếp tục tăng lên, thì giải pháp chống ùn tắc cần phải được đặt ra cấp thiết. Nhưng đó phải là nhóm giải pháp đồng bộ vì thực tế cho thấy nếu chỉ áp dụng một hai biện pháp thì không giải quyết được vấn đề. Chính vì thế, việc Hà Nội và TP HCM dự kiến thu phí ô tô vào trung tâm thành phố cũng chỉ là một biện pháp. Trong khi để giải quyết nạn ùn tắc thì trước hết và cơ bản hơn phải là đầu tư phát triển đường sá cũng như tăng cường các phương tiện công cộng vận chuyển hành khách.

Quang Ngọc