Làm giả sao kê ngân hàng, bảng lương, hợp đồng lao động...

Quang Thành 01/11/2021 08:00

Chỉ cần gõ trên thanh tìm kiếm của facebook cụm từ: “làm bảng lương”, “hợp đồng lao động giả”…, hàng loạt các nhóm kín đến công khai cùng nhiều fanpage (trang) hiện ra với dịch vụ cung cấp các loại giấy tờ này.

Trên mạng xã hội, hiện đang xuất hiện nhiều nhóm đối tượng nhận làm giả sao kê, bảng lương, xác nhận số dư tài khoản... của một số ngân hàng cho những người có nhu cầu, nhằm mục đích chứng minh năng lực tài chính, hoàn thiện hồ sơ dự án xin cấp phép đầu tư, thậm chí lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chỉ cần 1,5 triệu đồng…

Lợi dụng việc nhiều tổ chức, cá nhân cần có các tài liệu như: Cam kết cấp tín dụng, xác nhận số dư tài khoản, sao kê tài khoản, để chứng minh năng lực tài chính sử dụng vào việc hoàn thiện hồ sơ dự án xin cấp phép đầu tư, ký kết hợp tác kinh doanh hoặc nhu cầu cá nhân,… một số đối tượng đã nảy sinh ý định làm giả các tài liệu này nhằm thu lợi bất chính.

Khi tìm được người có nhu cầu làm các tài liệu này, các đối tượng đề nghị cung cấp thông tin doanh nghiệp, mã số thuế, số tài khoản, thông tin dự án và số tiền cần xác nhận cấp Cam kết tín dụng, Xác nhận số dư tài khoản, Bảo lãnh dự phòng,... Sau khi thỏa thuận chi phí làm giả số giấy tờ, tài liệu, các đối tượng in các nội dung nêu trên lên giấy có biểu trưng của ngân hàng, ký giả chữ ký của lãnh đạo ngân hàng và dùng con dấu po-ly-me giả đóng lên tài liệu.

Chỉ cần gõ trên thanh tìm kiếm của facebook cụm từ: “làm bảng lương”, “hợp đồng lao động giả”…, hàng loạt các nhóm kín đến công khai cùng nhiều fanpage (trang) hiện ra với dịch vụ cung cấp các loại giấy tờ này.

Ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, trên các hội nhóm có tên “Nhận làm sao kê lương – Hợp đồng lao động”, nhiều tài khoản cá nhân thường xuyên đăng tải các với nội dung: “Nhận làm hợp đồng lao động, xác nhận lương, xác nhận công tác, bảng lương (có nhận làm theo công ty và mẫu khách yêu cầu)…”. Phía dưới các bài đăng luôn được đính kèm số điện thoại Zalo để khách hàng tiện liên hệ.

Trong vai một người đang có nhu cầu làm giấy tờ để vay thế chấp, PV đã tiếp cận được với những đối tượng làm dịch vụ này. Qua tin nhắn trò chuyện, tài khoản có tên Mr Ph. nhanh chóng gửi số điện thoại Zalo để tiện liên lạc với PV. Theo người này, chỉ cần bỏ ra 1.500.000 đồng sẽ có đầy đủ hợp đồng lao động và xác nhận lương theo yêu cầu của khách hàng.

Cụ thể, khách hàng chỉ gửi các thông tin tên, địa chỉ công ty, mức lương, số điện thoại…kèm ảnh chụp 2 mặt chứng minh nhân dân. Sau 3-5 ngày sẽ có giấy tờ chuyển đến tận nhà không mất phí ship. Về phương thức thanh toán, người này cho biết: “Khi làm xong, sẽ quay video lại cho khách kiểm tra trước, khi thanh toán xong (bằng hình thức chuyển khoản) sẽ gửi hồ sơ”.

Người mua được tư vấn nhiệt tình để sở hữu 1 “bộ hồ sơ” với giá chỉ từ 1-1,5 triệu đồng.

Khi được hỏi tên công ty và địa chỉ có uy tín không, người này nhanh chóng gửi hàng loạt bức ảnh chụp hợp đồng lao động và đơn xin xác nhận công tác, mức lương của nhiều người đã từng làm để tăng độ tin cậy với tên một số công ty: Công ty Cổ phần Bất động sản T.K., Công ty TNHH V.N.W…

Cùng với mức giá trên, một tài khoản có tên A. Nguyễn cũng nhiệt tình tư vấn cho PV cách để sở hữu một bộ hồ sơ giả. Theo đó, chỉ cần gửi đầy đủ thông tin theo yêu cầu, khách hàng sẽ nhận được hồ sơ bản online trước. Khi đã kiểm tra đầy đủ và chính xác thông tin, chỉ cần đợi 3 – 4 ngày sẽ được nhận hồ sơ gốc và thanh toán tại nhà mà không cần chuyển khoản trước đó.

Chưa dừng lại ở đó, người này còn sẵn sàng gửi cho PV danh sách 6 công ty có thể làm giả các loại giấy tờ này và yêu cầu PV lựa chọn.

Doanh nghiệp, người dân khi làm các thủ tục xác nhận của ngân hàng, xin cấp hạn mức, cam kết tín dụng,... cần liên hệ trực tiếp với các ngân hàng để đề nghị hỗ trợ làm thủ tục; không sử dụng các dịch vụ trên các trang mạng xã hội, không thông qua các đối tượng trung gian không rõ nhân thân, lai lịch để làm các thủ tục nêu trên, tránh tạo điều kiện để các đối tượng xấu lợi dụng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hành vi đặc biệt nguy hiểm

Trên thực tế, tình trạng này không chỉ mới diễn ra thời gian gần đây mà đã có từ trước đó. Tháng 8/2021, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ; UBND tỉnh, TP đề nghị phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm. Theo nội dung văn bản trên, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết đang điều tra vụ án “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác.

Kết quả điều tra vụ án, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã phát hiện, bóc gỡ đường dây tổ chức làm giả rất nhiều con dấu và các loại tài liệu gồm: cam kết cấp tín dụng, xác nhận số dư tài khoản, sao kê tài khoản, Bảo lãnh dự thầu… của các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Các tài liệu giả này được doanh nghiệp, cá nhân sử dụng, đưa vào hồ sơ dự án đầu tư và các hồ sơ khác nhằm chứng minh năng lực tài chính.

Theo cơ quan chức năng, đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm, dẫn đến việc các doanh nghiệp không có năng lực tài chính được phê duyệt, thực hiện dự án, làm dự án chậm tiến độ, thậm chí không triển khai được, ảnh hưởng xấu đến kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các bộ, ngành, địa phương…. Ngoài ra, các đối tượng còn có thể sử dụng tài liệu giả để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Một mẫu sao kê lương được các đối tượng đưa ra “làm mẫu”.

Trước đó, ngày 5/5/2020, TAND TP HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Xuân Nam (49 tuổi, ngụ phường Tân Phú, quận 9) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Theo hồ sơ bản cáo trạng, Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Tiến Phát do Nguyễn Xuân Nam làm Tổng giám đốc thường xuyên ký kết hợp đồng mua bán cáp điện các loại với Công ty CP địa ốc cáp điện Thịnh Phát (Công ty Thịnh Phát).

Tháng 5/2017, sau khi ký với Công ty Thịnh Phát 2 hợp đồng mua bán, do không đủ tiền thanh toán trực tiếp, Nam thuê một người tên Minh (không rõ lai lịch) làm giả con dấu của một ngân hàng nhằm tạo ra hai chứng thư bảo lãnh thanh toán giả rồi cung cấp cho công ty đối tác.

Đến ngày 10/7/2017, khi Công ty Thịnh Phát chuyển chứng thư bảo lãnh thanh toán đến ngân hàng để giải ngân thì được nhân viên giao dịch thông báo ngân hàng không phát hành chứng thư bảo lãnh này.

HĐXX nhận định bị cáo đủ khả năng nhận biết mức độ nguy hiểm của hành vi nhưng vẫn cố tình phạm tội (làm giả con dấu, ngụy tạo chứng thư bảo lãnh thanh toán của ngân hàng); hành vi của bị cáo đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức tín dụng trong nước.

Vì vậy, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Nam 8 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 2 năm tù về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; tổng hình phạt là 10 năm tù.

Có thể xử lý hình sự

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, các dịch vụ làm giả giấy tờ xuất hiện ngày càng nhiều và tràn lan trên thị trường là nhằm đáp ứng các nhu cầu, mục đích khác nhau của khách hàng.

Nguy hiểm hơn nữa là thủ đoạn làm giả giấy tờ ngày càng tinh vi, bất kỳ loại giấy tờ nào cũng đều có thể làm giả, thậm chí các dịch vụ làm giả giấy tờ còn ngang nhiên công khai dịch vụ, giá tiền qua các trang web, các trang mạng xã hội, thể hiện sự coi thường pháp luật, gây ra thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống nạn làm giấy tờ giả.

Các giấy tờ giả này cũng có nhiều loại, có loại giả hoàn toàn từ thông tin công ty đến con dấu...Nhưng cũng có loại chỉ làm giả một phần như kê khai sai thông tin mức lương, thời gian công tác.

Đối với hành vi làm giả sao kê bảng lương và hợp đồng lao động, người thực hiện hành vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự 2015. Mức phạt cho hành vi này là phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm; nếu thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên sẽ chịu mức phạt tù cao nhất đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Trao đổi thêm, Luật sư Tiền cho rằng, hành vi làm giả sao kê bảng lương và hợp đồng lao động nhằm mục đích vay vốn, chiếm đoạt tài sản của ngân hàng có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên còn bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Căn cứ vào Điều 174 Bộ luật Hình sự, tùy vào giá trị số tiền chiếm đoạt, người phạm tội có thể chịu mức án cao nhất là tù chung thân; đồng thời phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Bộ Công an đã phát đi thông báo về thủ đoạn làm giả sao kê tài khoản, cam kết cấp tín dụng, xác nhận số dư tài khoản của các ngân hàng. Theo đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị các bộ, ngành, chính quyền các địa phương, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, người dân cần nâng cao cảnh giác đối với thủ đoạn nêu trên. Các cơ quan hữu quan có liên quan, khi nghiên cứu thẩm định hồ sơ xin cấp phép dự án, hợp tác, kêu gọi vốn đầu tư,... cần xem xét, thẩm định kỹ hồ sơ, tài liệu về năng lực tài chính của các doanh nghiệp, cá nhân. Trường hợp thấy nghi ngờ tài liệu giả, cần liên hệ với Ngân hàng đã phát hành văn bản để thẩm định về tính hợp pháp của các loại tài liệu này.

Quang Thành