Nỗi lo xử lý bùn thải từ hệ thống thoát nước và các công trình vệ sinh

MINH QUÂN 02/11/2021 08:08

Việc xử lý, tái sử dụng bùn thải từ hệ thống thoát nước và các công trình vệ sinh trong đô thị đang là khó khăn vướng mắc trong quản lý chất thải.

Bùn thải phát sinh từ hệ thống nước thải khu dân cư. Ảnh: Hà An.

Việc xử lý, tái sử dụng bùn thải từ hệ thống thoát nước và các công trình vệ sinh trong đô thị đang là khó khăn vướng mắc trong quản lý chất thải.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiên hệ thống đô thị Việt Nam có trên 819 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 19 đô thị loại I, 23 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV và còn lại là đô thị loại V… Với sự phát triển nhanh chóng của khu vực đô thị đã góp phần làm cho việc thoát nước, chống ngập đô thị ngày càng nan giải.

Hầu hết các đô thị đã có mạng lưới thu gom nước chung (nước mưa và nước thải) nhưng mạng lưới này đã, đang bị xuống cấp, khả năng thu gom và tiêu thoát còn nhiều hạn chế và đến nay cũng chỉ có khoảng trên 50% địa phương có trạm/nhà máy xử lý nước thải tập trung với các quy mô khác nhau và sử dụng công nghệ cũng khác nhau.

Được biết, tại các đô thị Việt Nam hiện nay, hầu hết các hộ gia đình sử dụng hệ thống vệ sinh tại chỗ và chủ yếu là các bể tự hoại. Còn ở một số khu vực và đường phố có bố trí các nhà vệ sinh công cộng. Phần lớn nước thải được xả vào hệ thống thoát nước công cộng, còn bùn thải từ các công trình vệ sinh và cả từ mạng lưới đường ống thoát nước được thông hút, nạo vét, thu gom và vận chuyển chưa qua xử lý đổ thẳng ra mương, hồ hoặc bãi chôn lấp cùng với các loại rác thải đô thị.

Bên cạnh đó việc quản lý bùn thải từ các công trình này chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay chỉ có số ít đô thị có biện pháp quản lý và xử lý phù hợp với loại bùn thải kể trên.

Quy hoạch đô thị, quy hoạch thoát nước và quy hoạch xử lý bùn thải chưa thực sự quan tâm đến việc thu gom, vận chuyển cũng như việc xác định các vị trí, địa điểm xử lý bùn thải từ hệ thống thoát nước và các công trình vệ sinh.

Giải pháp

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, bùn thải được phân thành 3 loại chủ yếu theo nguồn gốc phát sinh gồm: bùn từ hệ thống thoát nước đô thị (được nạo vét từ các kênh, rạch, mương, rãnh hoặc sông, hồ theo định kỳ). Bùn từ các nhà máy xử lý nước thải và bùn bể tự hoại, phần lớn từ các hộ gia đình, công sở sử dụng hệ thống vệ sinh tại chỗ, hay trên một số đường phố, khu vực có bố trí các nhà vệ sinh công cộng.

Hiện nay, bùn thải từ hoạt động nạo vét cống rãnh, kênh rạch, bùn bể tự hoại được vận chuyển bằng xe chuyên dụng. Bùn thải từ các trạm, nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, đô thị tập trung sau khi tách nước, làm khô được vận chuyển đến các bãi chôn lấp.

Bùn thải phát sinh từ khu dân cư qua đường nước thải ngày một tăng. Ảnh: Nam Anh.

Công tác nạo vét bùn từ mạng lưới thoát nước nhiều đô thị vừa và nhỏ vẫn còn sử dụng phương pháp thủ công, nhiều đô thị lớn bước đầu sử dụng cơ giới hóa. Phương pháp thủ công có năng suất thấp, không an toàn và gây nguy hại đến sức khỏe công nhân thoát nước.

Do đặc điểm các đô thị Việt Nam là đô thị cũ, đô thị cải tạo và mở rộng; cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế trong khi mật độ dân số cao. Việc thông hút, vận tải bùn từ bể tự hoại của các hộ dân cực kỳ khó khăn, khó tiếp cận. Mặt khác phương tiện hút, vận chuyển cũ, thiếu thốn không đảm bảo vệ sinh môi trường và không phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật.

Vẫn theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, khối lượng bùn thải phát sinh từ mạng lưới thoát nước giữa các đô thị rất khác nhau, dao động từ 15.000 – 245.000 m3/năm, tùy thuộc vào quy mô đô thị và cấu trúc mạng lưới thoát nước. Hai đô thị có lượng bùn thải lớn nhất là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, vì địa bàn rộng, nhiều kênh mương, sông hồ và chiều dài các tuyến cống lớn.

Lượng bùn phát sinh trong khoảng từ 3.6-293.8 l/người/năm, trung bình là 45.5 l/người/năm, trong đó lượng bùn phát sinh theo đầu người cao nhất là thành phố Vũng Tàu (293.8 l/người/năm). Như vậy lượng bùn thải từ hệ thống cống thoát nước giữa các đô thị và tính cho từng đầu người tại các đô thị có sự khác biệt rõ rệt.

Theo số liệu của Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), lượng bùn thải từ bể tự hoại tại các đô thị dao động từ vài trăm m3/năm đến trên 200.000 m3/năm. Tuy nhiên lượng bùn thu gom cũng rất hạn chế, tỷ lệ thu gom có biên độ dao động lớn, từ 3% đến 97%, tỷ lệ thu gom trung bình chỉ đạt khoảng 32%.

Lượng bùn bể tự hoại được thu gom có thể lớn hơn do có nhiều doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ hút bùn bể tự hoại ở quy mô nhỏ lẻ. Số liệu về hoạt động của nhóm này khó cập nhật do các đơn vị này không tham gia trong các hiệp hội hoặc có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước.

Liên quan tới thực trạng trên, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, cho biết: trong những năm gần đây nhiều nhà máy xử lý nước thải ở nhiều đô thị đi vào hoạt động. Đến nay đã có gần 70 nhà máy xử lý nước tập trung với công suất đạt hơn 1.000.000 m3/ngày/đêm đi vào hoạt động. Như nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (TP Hồ Chí Minh) với công suất 141.000 m3/ngày/đêm hoặc nhà máy xử lý nước thải ở Yên Sở (TP Hà Nội) với công suất 200.000 m3/ngày/đêm).

Tuy nhiên, việc đầu tư chủ yếu tập trung vào công trình đầu mối, trong khi xây dựng mạng thu gom còn chậm. Phần lớn các dự án thiếu phần đầu tư cho việc thu gom, xử lý bùn. Như nhà máy xử lý nước thải công suất 141.000 m3/ngày/đêm Bình Hưng với lượng bùn cạn phát sinh khoảng 34 tấn/ngày, chủ yếu thực hiện ủ lên men, trộn trấu và đem đi chôn lấp.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, cần có các nghiên cứu tổng thể về quản lý bùn thải, bao gồm: điều tra, khảo sát tình hình quản lý bùn thải tại các địa phương; các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tài chính; quản lý xây dựng; ứng dụng công nghệ mới; chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật; định mức đơn giá; các chi phí... đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; sổ tay hướng dẫn thực hiện.

Áp dụng công nghệ mới trong xử lý bùn thải hướng tới giảm tối đa việc chôn lấp kết hợp yếu tố môi trường, kinh tế và tiết kiệm năng lượng để đưa ra các công nghệ thích hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường.

Thống nhất cơ quan quản lý nhà nước về bùn thải từ Trung ương đến địa phương. Sắp xếp lại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đảm bảo tổ chức bộ máy gọn nhẹ, trang thiết bị hiện đại, cơ động linh hoạt, hoạt động có hiệu quả với chi phí thấp.

Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng trong ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

MINH QUÂN