Đắm say với phiên bản sách đặc biệt làm từ chất liệu lụa tơ tằm thủy ấn
Có được cầm trên tay, được chạm vào và nhìn tận mắt những đường vân lụa từ phiên bản đặc biệt của bộ sách “Những người phụ nữ bé nhỏ”, chúng ta mới thấy hết được sự tỉ mẩn của một cuốn sách được làm từ chất liệu lụa tơ tằm thủy ấn họa vân màu.
Vũ điệu lụa tơ tằm trên bìa sách
Mới đây, Phuc Minh Books đã cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết “Những người phụ nữ bé nhỏ” với bốn phiên bản độc đáo. Trong đó, hai phiên bản bìa lụa thủy ấn khổ to và phiên bản miniature book (vi quyển) được độc giả chú ý bởi vì đã sử dụng chất liệu lụa truyền thống để làm bìa sách.
Xuất phát từ ý tưởng đưa chất liệu truyền thống lên bìa sách, Phuc Minh Books đã ấp ủ từ rất lâu tuy nhiên đến nay mới đi vào thực hiện. Nghệ nhân thủy ấn Đồng Phước Quang chia sẻ, thủy ấn là loại nghệ thuật đã có từ lâu đời.
Tuy nhiên, thủy ấn trên lụa tơ tằm thì tại Việt Nam rất hiếm bởi quá trình này đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, được làm bằng tay rất cầu kì và đòi hỏi sự khéo léo cũng như tính kiên nhẫn cao. Để đưa đưa được lụa thủy ấn lên bìa sách, người nghệ nhân phải trải qua hành trình với muôn vàn khó khăn, thử thách.
Lụa trên bìa sách là lụa tơ tằm được nhập từ Bảo Lộc – Lâm Đồng, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” tơ tằm của Việt Nam. Đây là loại lụa tự nhiên 100% nên có độ óng, độ mềm mịn và khi sờ rất mát. Lụa được nhuộm màu cà phê tự nhiên trước khi đem đi thủy ấn.
Được biết, cà phê để nhuộm lụa cũng được chọn lọc kỹ lưỡng, là cà phê nguyên chất. Trong quá trình nhuộm màu, người làm phải liên tục đảo đều tay để tinh chất cà phê ngấm đều trên lụa. Đợi màu lên đúng chuẩn thì xả lụa với nước cho đến khi nước trong vắt rồi đem đi phơi. Lụa nên phơi chỗ nắng vừa để có độ óng và mượt. Sau khi khô, lụa sẽ có màu nâu nhạt và thoang thoảng hương cà phê rất đặc trưng.
Sau khi nhuộm màu cho lụa là đến quá trình thủy ấn. Tại Việt Nam chưa có màu thủy ấn nên màu nhuộm phải từ nước ngoài. Đây là loại màu hữu cơ từ đất, đá, cây, cỏ được xử lý nên có giá thành rất đắt. Anh Quang chia sẻ “Điều làm tôi thích thú nhất khi làm thủy ấn chính là quá trình màu loang trên mặt nước. Từng màu sắc loang dần ra, hết sức ảo diệu, sau đó tới bước tạo hình cho các vân màu. Chính sự loang của màu sắc này đã tạo nên những vân màu hết sức tự nhiên và không lặp lại. Sự độc bản duy nhất của thủy ấn chính là điều mà tôi theo đuổi”.
Việc sử dụng lụa tơ tằm thủy ấn họa vân màu đã đem đến cho những tác phẩm văn học sự độc đáo - mới lạ. Chất chất liệu thuần tự nhiên 100% như thế này vừa gần gũi với tự nhiên lại vừa gần gũi với con người. Đặc biệt với một cuốn tiểu thuyết viết về chủ đề nữ quyền và thiên tính nữ như “Những người phụ nữ bé nhỏ” thì việc sử dụng chất liệu lụa tơ tằm vừa đầy tính sáng tạo lại mang đến sự hài hòa. hợp lý.
Chất liệu truyền thống Việt cần được “kết nối” nhiều hơn
Chất liệu truyền thống Việt Nam rất nhiều và vô cùng giá trị nhưng đó lại là một khoảng trống chưa được khai thác. Trước đây khi nhắc đến lụa tơ tằm, người ta thường chỉ dùng nó trong may quần áo, làm các phụ kiện hoặc cùng lắm là làm các vật dụng trong nhà như chăn, gối… Việc đưa lụa tơ tằm lên bìa sách giúp chúng ta có thể thưởng thức giá trị văn hóa và giá trị tri thức cùng nhau.
Tôn vinh chất liệu truyền thống Việt là một điều rất đáng quý, nhưng làm sao để chất liệu truyền thống được “sống” trong môi trường hiện đại lại là một điều rất bứt thiết. Chính vì thế, sắp tới đây, Phuc Minh Book dự định sẽ tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu thêm các sản phẩm thủ công truyền thống để kết hợp với việc làm sách, để mang đến những sản phẩm chất lượng và độc đáo hơn nữa.
Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Những người phụ nữ bé nhỏ”: Hành trình người Việt sử dụng chất liệu Việt, làm sách cho người Việt sẽ được đơn vị phát hành tổ chức vào ngày 6/11/2021 tới đây.
Tọa đàm hứa hẹn sẽ cùng bạn đọc và các khách mời khám phá những điều đặc biệt hấp dẫn về bộ sách; làm rõ hành trình đưa bộ sách đến với bạn đọc Việt Nam, từ nội dung tư tưởng cho tới việc lựa chọn hình thức, của đơn vị phát hành.