‘Mở’ có kiểm soát
Trả lời báo chí liên quan đến thắc mắc của một số đơn vị kinh doanh du lịch về việc không nên hạn chế số lượng du khách quốc tế tới Phú Quốc, lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang khẳng định không khống chế “quota”, nếu các doanh nghiệp có nhiều khách là điều đáng mừng. Tuy nhiên, việc hồ hởi mở cửa cũng khiến không ít người lo lắng.
Đối với ngành du lịch nói chung và các doanh nghiệp lữ hành nói riêng, việc có càng nhiều khách du lịch (kể cả nội địa cũng như quốc tế) là điều đáng mừng. Đơn giản là khách càng nhiều, doanh thu càng cao, lợi nhuận càng lớn. Song, với bối cảnh hiện nay, việc cho phép du khách quốc tế ồ ạt vào Việt Nam cần phải cẩn trọng để đạt hai mục tiêu phát triển du lịch và chống dịch.
Chúng ta mới tạm cơ bản khống chế được dịch Covid-19 nên không thể chủ quan lơ là. Trong hoàn cảnh cụ thể của Phú Quốc, nhiều ý kiến cho rằng UBND tỉnh Kiên Giang cần cân nhắc “công suất” phục vụ khách du lịch của địa phương, từ đó đưa ra hạn mức mới đảm bảo an toàn phòng dịch hiệu quả.
Nếu bao nhiêu du khách quốc tế cũng được, vậy cả khách du lịch nội địa ồ ạt kéo tới thì liệu có đảm bảo các khuyến cáo phòng dịch của ngành y tế hay không? Chúng ta đều biết biến thể Delta của SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan rất nhanh, nếu không thực hiện nghiêm 5k và có sự giãn cách cần thiết thì khó có thể cam đoan được điều gì.
Vẫn biết chúng ta cần phải thích nghi với cuộc sống có sự tồn tại của Covid-19, rằng không thể đưa con số nhiễm bệnh về mức “zero” trong cộng đồng. Song, điều đó không có nghĩa chúng ta trông chờ vào may rủi, mà phải có đối sách hợp lý với loại “giặc” này. Đối sách ở đây là đảm bảo an toàn cộng đồng, không để bùng phát dịch.
Chẳng phải một trong những giải pháp 5K do Bộ Y tế khuyến cáo là giữ khoảng cách an toàn hay sao? Làm sao các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có thể đảm bảo khoảng cách an toàn nếu số lượng du khách kéo đến quá đông? Nếu không khống chế số lượng khách, lấy gì đảm bảo sẽ không quá tải khách du lịch, gây nguy hiểm cho xã hội?
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, có những thời điểm các khách sạn, nhà nghỉ tại Phú Quốc đều bị “cháy phòng” do khách du lịch tập trung về đây quá đông. Nếu tình huống đó diễn ra vào thời điểm này, có lý nào các bãi biển, danh lam thắng cảnh của địa phương này không xảy ra tình trạng chen vai thích cánh, không đảm bảo khoảng cách an toàn?
Trải qua 4 làn sóng dịch Covid-19, ngành du lịch gần như ngừng hoạt động, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vô cùng khó khăn. Vì thế, khi được “mở cửa” trở lại, cả cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp đều muốn “bung ra” để bù đắp lại sự hao hụt doanh thu trong những ngày bị giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Mong muốn đó hoàn toàn chính đáng nên dư luận xã hội hết sức ủng hộ.
Có khát vọng làm kinh tế là tốt nhưng phải đảm bảo an toàn phòng dịch, không gây nguy hiểm cho cộng đồng xã hội. Bởi cứ làm ào ào để rồi xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2, từ đó bùng phát dịch Covid-19 ngoài cộng đồng thì phải chăng là lợi bất cập hại. Bao nhiêu kinh tế làm được liệu có đủ bù đắp kinh phí để chống dịch nếu bùng phát diện rộng?
Đôi khi có những mong muốn, khát vọng chính đáng, có thể thấu hiểu, cảm thông, nhưng tuyệt đối không được quyết định theo cảm tính. Trong trường hợp này, việc cho càng nhiều khách du lịch vào Phú Quốc thì doanh thu của các doanh nghiệp lữ hành càng cao, nộp ngân sách địa phương cũng lớn. Song rất cần cân nhắc kỹ càng giữa cái lợi và cái hại.