Thu phí ô tô vào nội đô: Cần mức phí hợp lý
Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông” dự kiến trình HĐND TP Hà Nội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2021. Nếu được thông qua, đề án sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2025. Vậy liệu đề án có khả thi?
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội: Căn cứ kết cấu hạ tầng giao thông và mật độ giao thông, dự kiến phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3-Cầu Thanh Trì-Pháp Vân-Mai Dịch-Phạm Văn Đồng-trục Tây Thăng Long-Võ Chí Công-Cầu Nhật Tân- Đường Hoàng Sa-Đường Trường Sa-Đường Lý Sơn-Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3. Với vành đai thu phí như trên dự kiến đặt trạm thu phí tại 68 vị trí và 87 trạm thu phí.
Lộ trình của đề án xác định: Từ năm 2022-2023 sẽ hoàn thiện các điều kiện thu phí. Xây dựng dự án đầu tư trạm thu phí. Phương án tài chính, quản lý chi phí, xác định cụ thể mức thu phí và các chính sách miễn giảm cụ thể cho các đối tượng thu phí. Đến năm 2024 trình HĐND TP ban hành mức thu phí cụ thể và các chính sách miễn giảm phí theo dự án đầu tư được duyệt và tổ chức thực hiện sau khi HĐND TP quyết định trong năm 2024. Đến năm 2025 bắt đầu thu phí xe vào nội đô.
Liên quan đến đề án trên, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, theo kinh nghiệm của các nước, tại đô thị đều áp dụng thu phí phương tiện vào thành phố. Đó là giải pháp hữu hiệu để thực hiện giảm áp lực giao thông trong khu vực nội đô, đồng thời bảo vệ môi trường. Thế nhưng để áp dụng đối với Hà Nội cần xem xét đến 2 yếu tố liên quan.
Đó là cần xem xét hệ thống giao thông của Hà Nội kết nối với các vùng đã hoàn chỉnh chưa? Bởi hiện nay hệ thống vành đai 3 chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Còn hệ thống vành đai 4 thì chưa hình thành, chưa liên kết. Như vậy mối quan hệ của Hà Nội-là trung tâm của vùng thì cần phải có liên kết với các vùng khác.
Bên cạnh đó, phải xem xét đến vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, đời sống của người dân. Trong khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận phải có hỗ trợ nhau làm thế nào để đảm bảo đời sống, không tăng phí sinh hoạt của người dân. Khi có thêm phí thì giá tiêu dùng lúc đó sẽ khác. Cho nên, cần quan tâm và cân nhắc tất cả cái được, cái chưa được. Và đặc biệt chất lượng cuộc sống của người dân mới là điều quan trọng. Bởi thu phí mà nâng giá tiêu dùng lên là điều cần phải xem xét, tính toán.
“Thu phí phương tiện vào nội đô của Hà Nội là vấn đề đã nhiều lần đặt ra nhưng chưa thực hiện được. Từ thực tiễn áp dụng của nhiều nước, tôi đề xuất chưa thực hiện thu phí trong bối cảnh hiện nay vì giao thông liên kết cần cân nhắc thêm phạm vi mối quan hệ của Thủ đô với các vùng như thế nào. Quan trọng là cân nhắc các mặt lợi-hại chứ đừng vì riêng một yêu cầu quản lý giao thông”-ông Nghiêm nói và lưu ý phải lấy người dân làm trung tâm.
Còn theo PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật TP Hà Nội: Việc thu phí phương tiện vào nội đô để giảm áp lực giao thông trong khu vực nội đô, đồng thời bảo vệ, giảm áp lực môi trường là hết sức cần thiết. Tuy nhiên cần tính toán về mức thu phí để thu cho đúng, cho sát với đời sống người dân. Bởi các phương tiện còn là “an sinh” của mỗi gia đình, là nguồn mưu sinh chứ không đơn thuần ở việc đi lại. Cho nên cần nghiên cứu đặc thù để khi thu phí người dân vẫn đảm bảo được cuộc sống.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh lại cho rằng: Giảm ùn tắc phải xem xét nguyên nhân do đâu để khắc phục. Theo đó, số lượng xe nhiều chỉ là một trong những nguyên nhân, ngoài ra còn do quy hoạch phát triển hạ tầng chưa phù hợp. Tổ chức giao thông nội đô cũng còn chồng chéo.
Ông Thanh nêu rõ: “Chúng ta cho phép xây dựng nhiều chung cư cao tầng trong nội đô thì bây giờ quá tải và ùn tắc giao thông là thứ mà ai cũng nhìn thấy được. Vì vậy, cần phải nghiên cứu cách tổ chức giao thông đô thị một cách hài hòa để phục vụ cho những nơi có nhiều chung cư cao tầng mật độ đông dân”.