Sức sống mới ở bãi sông Gianh
Xã Quảng Văn (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) trước đây thường gọi là “làng đảo” với 3 mặt hướng ra sông Gianh. Sống ở vùng hạ lưu sông Gianh trù phú, bên cạnh những nghề thủ công, dịch vụ, đi biển, người dân làng La Hà, xã Quảng Văn đã giữ gìn và làm giàu từ nghề đan mây.
Nghề mây đan ở xã Quảng Văn là nghề phụ nhưng mang lại thu nhập chính cho người dân hàng chục năm nay. Theo các cụ cao tuổi tại địa phương, nghề mây đan ở làng La Hà (xã Quảng Văn) được truyền bá từ những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước. Ngày đó, cụ Trần Mại, một cán bộ tiền khởi nghĩa được tổ chức cử đi học nghề ở làng Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình về truyền dạy. Người dân trong làng vốn có nghề nón lá nên dễ dàng tiếp cận được với mây đan.
Bên cơ sở sản xuất mây đan rì rì tiếng máy, ông Trần Văn Hiếu - người làng La Hà kể lại, hai cụ thân sinh của ông là thế hệ đầu tiên theo cụ Trần Mại học nghề mây đan. Vì vậy, ngay từ thuở con thơ, ông đã thấm đẫm lời ru của mẹ “Trưa hè bên chiếc nôi đưa/Mẹ ru con ngủ giữa trưa bóng tròn” bên chiếc nôi đan bằng mây của cha. Tuổi lên 9 lên 10, ông đã thạo nghề mây đan. Nhờ nghề mây đan mà gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác trong làng vượt qua được đói khổ thời chiến tranh, bao cấp.
Và rồi những năm 90, khi nền kinh tế mở cửa, ông Hiếu khăn gói vào Nam học thêm nghề, đến năm 1995 quyết định về quê dựng nghiệp. Những năm đầu, khi nguồn vốn còn hạn hẹp, ông sản xuất tại gia và thu gom của người dân trong làng để bán lại cho các đối tác nội tỉnh và mở rộng dần thị trường...
Khi bước đi đã cứng cáp, năm 2011, ông Trần Văn Hiếu mạnh dạn thành lập Hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh, dịch vụ mây tre đan, nón lá Quảng Văn (gọi tắt là HTX mây tre đan Quảng Văn). Thời gian đầu, nhân công của HTX thường trực khoảng 10 người, chủ yếu tách, sấy mây. Mỗi ngày, HTX đều rộn ràng tiếng người ra vào nhận mây hoặc giao hàng. Và để tăng thêm thu nhập, bà con trong làng nhận vỏ mây về đan thành tấm.
Năm nay đã ngoài 60 tuổi, bà Trần Thị Phúc, ở thôn La Hà nhớ lại, tôi biết nghề đan mây từ lúc bắt đầu đi học cấp 1. Trước đây, tôi làm mây tại nhà, dùng dao rựa để tách mây rồi mang bán kiếm thu nhập. Nay làm ở HTX thì có máy tách, nhanh hơn và khỏe hơn. Đều đặn quanh năm, mỗi ngày làm gần 8 tiếng đồng hồ, tôi có tiền công gần 250 nghìn đồng để nuôi các con ăn học.
Mấy tháng nay, đại dịch Covid-19 bùng phát, con cái đứa nghỉ học, đứa mất việc làm nên công việc chính của gia đình bà Trần Thị Lâm, thôn La Hà Tây, là ở nhà đan mây. Bà Lâm chia sẻ, rảnh khi nào làm khi ấy, trung bình mỗi tấm dài 15x0,9m bà mất 6 ngày để đan xong, tiền công là 900 nghìn đồng. Mấy ngày nghỉ dịch, bà nhận thêm mây để cho các con phụ đan.
Hiện ở xã Quảng Văn có khoảng 400 hộ dân theo nghề mây đan, trong đó, HTX mây tre đan Quảng Văn chiếm hơn 60% thị phần và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 200 hộ dân. Nghề mây đan ở xã Quảng Văn không gia công thành các sản phẩm gia dụng như những làng nghề truyền thống khác, mà chủ yếu đan thành tấm dài khoảng 15 m, rộng từ 0,4-0,9 m theo đơn đặt hàng. Từng tấm mây đan thường được dùng để làm bàn ghế, trang trí nội thất... rất được thị trường ưa chuộng.
Vẫn theo ông Trần Văn Hiếu, các công đoạn của nghề mây đan bắt buộc phải kỹ. Mấy chục năm làm nghề, chưa bao giờ HTX bị phàn nàn chuyện chất lượng mây đan. Có những chuyến chở cả mấy xe lớn, đơn hàng mấy tỷ đồng nhưng đối tác cũng chẳng cần kiểm tra vì uy tín thương hiệu xây dựng bao năm nay. Đến nay, hàng của HTX xuất chủ yếu ở thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho các công ty chuyên xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Đợt dịch này, nhiều HTX phải sản xuất cầm chừng nhưng HTX mây tre đan Quảng Văn vẫn nhận đơn hàng đều đặn.
Theo ông Trần Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Quảng Văn, nghề mây đan ở xã Quảng Văn đã góp phần mang lại sức sống mới cho quê hương khi giải quyết việc làm cho người dân, nhất là vào dịp nông nhàn và mang lại nguồn thu nhập khá ổn định, đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Để gìn giữ và phát huy truyền thống làng nghề mây đan, vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, xã Quảng Văn đều tổ chức hội thi tay nghề khéo để khích lệ người dân.