Bảo vệ ‘nguồn vốn quý’

Hải Đăng 02/11/2021 07:40

Khảo sát tại 300 doanh nghiệp (DN) của Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động cho thấy, dưới tác động của dịch Covid-19 có tới 60% lao động đang nghỉ việc, 7% giãn cách, chỉ khoảng 10% sản xuất 3 tại chỗ.

Thực tế cho thấy, hiện nay, khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, nhiều DN đã lên kế hoạch cho việc khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, hầu hết DN đang phải đối mặt với nguồn vốn cạn kiệt, thiếu nhân lực.

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, lượng lao động về quê vẫn gặp nhiều rào cản khi trở lại làm việc nên nhiều DN chưa đủ “lao động xanh” để có thể sản xuất trở lại, đặc biệt là tại một số tỉnh thành phía Nam, độ phủ vaccine cho người lao động vẫn ở mức thấp. Điều này có thể dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng một lần nữa mà nguyên nhân cơ bản là do khan hiếm lao động. Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, việc trở lại sản xuất của DN vẫn còn nan giải. Vì chậm khôi phục sản xuất nên nền kinh tế và các DN trong nước đã bị lỡ nhịp. Theo nhận định của giới chuyên gia, các DN Việt đã bị lỡ mất khoảng 20% cơ hội.

Một điều đáng quan tâm là hiện nay, nhiều lao động gặp khó khăn trong việc di chuyển do một số địa phương vẫn siết chặt đi lại. Mới đây, 19 DN đầu tư nước ngoài tại tỉnh Tiền Giang cũng đã “kêu cứu” vì chưa thể khôi phục sản xuất do thiếu nhân lực. Tỷ lệ tiêm vaccine cho người lao động còn ở mức thấp, cùng đó là những chính sách tiếp tục lấy mô hình sản xuất “3 tại chỗ” làm trọng tâm, các yêu cầu xét nghiệm phức tạp đang gây lãng phí tài chính và khó khăn cho các DN tại tỉnh này. Chủ một DN FDI tại Tiền Giang cho hay, nhiều người lao động tại DN đã được tiêm mũi 1 đủ 14 ngày nhưng vẫn chưa được quay lại nhà máy.

Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, Cục đã đề xuất Chính phủ có văn bản chung quy định các tiêu chí về việc di chuyển của người lao động, nhằm tạo thuận lợi hơn cho người lao động, DN và địa phương. Song thực tế nhiều DN vẫn khó khăn khi mở cửa sản xuất, đặc biệt là các DN có số lượng nhân công lớn, nguyên nhân là các địa phương áp dụng các biện pháp khác nhau trong việc cho phép người lao động di chuyển.

Người lao động là “nguồn vốn quý” của DN. Việc giữ chân người lao động, bảo vệ “nguồn vốn quý” là vấn đề mà DN cần làm hiện nay, để làm sao cho họ gắn bó với DN trong đó có các vấn đề cấp bách như tiêm vaccine, chế độ hỗ trợ, nhà ở...

Để giải cơn “khát” lao động thời điểm này, cùng với nhiều giải pháp, cần nhanh chóng đưa lao động trong các ngành cần sử dụng nhiều nhân lực vào đối tượng ưu tiên tiêm vaccine. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi sớm đưa người lao động trở lại làm việc thông qua việc sắp xếp phương tiện vận chuyển, tạo khu nhà trọ xanh… Đặc biệt DN cần sớm có các giải pháp để người lao động gắn bó dài lâu, không để tình trạng “một đi không trở lại”.

Hải Đăng