Tìm hướng đi lên trong đại dịch

Hoàng Mai 02/11/2021 09:00

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tập trung thảo luận tại tổ về tình kình kinh tế xã hội năm 2021, các định hướng lớn cho năm 2022. Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh chúng ta vừa trải qua đỉnh điểm của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi thảo luận tại Tổ về tình hình kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19.

1. Các ĐBQH cho rằng, do ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, tình hình kinh tế - xã hội trong nước đã gánh chịu nhiều tác động nặng nề, tăng trưởng kinh tế 9 tháng giảm mạnh còn 1,42%, cả năm ước chỉ khoảng 3%, 4/12 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn thấy có những điểm sáng nổi bật như: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân 9 tháng tăng 1,82%… Dịch bệnh đến nay cơ bản được kiểm soát. Thành quả này có được là nhờ sự lãnh đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự đồng hành, chủ động, linh hoạt của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự ủng hộ tin tưởng của nhân dân, sự hỗ trợ của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.

Trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen, ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, Chính phủ cần xác định rõ nguồn lực dành cho phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi nền kinh tế trong năm 2022 và cần bàn xem có chấp nhận vượt mức bội chi để phục hồi nhanh nền kinh tế, hay đi theo giải pháp an toàn là không vượt trần bội chi, nhưng chính sách nhỏ giọt và phục hồi hậu Covid-19 sẽ mất nhiều thời gian hơn? Đối với các nguồn thu từ thuế và phí, phải khắc phục cho được tình trạng chuyển nguồn, trốn thuế, gian lận thuế... “. Tăng cường thực thi pháp luật tốt mới là giải pháp tăng thu tốt nhất”, ông Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh.

Thực ra, giải pháp kinh tế là điều mà ai cũng quan tâm trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp và có thể kéo dài; chi cho phòng chống dịch hiện chiếm tỷ lệ lớn; vì thế, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch đã thật sự trở nên cấp bách. Vừa qua, Trung ương đã bàn và hiện nay Chính phủ, Quốc hội đã triển khai nghiên cứu, xây dựng. Nhưng, một Chiến lược tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải kèm theo điều chỉnh về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, việc phối hợp hai chính sách này trên cơ sở tính toán nguồn lực cụ thể, quy mô phù hợp, lộ trình hợp lý và trên nền tảng ổn định kinh tế, vĩ mô là cần thiết. Thực tế, Nhà nước cũng triển khai gói hỗ trợ tài khoá, tiền tệ ước tính khoảng 4% GDP, chưa kể phần chi cho y tế, giảm tiền điện, nước, viễn thông… Các chuyên gia và các cơ quan đã thống nhất quan điểm gói hỗ trợ phải đủ lớn, lộ trình hợp lý; thậm chí, cần được thực hiện trong 2 năm 2022-2023. Trong đó, năm 2022 tập trung vào giải quyết giảm thiểu thiệt hại của dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, điều kiện phục hồi, tăng tổng cầu, chuẩn bị năng lực đầu tư để năm 2023 có thể đưa ra gói kích thích kinh tế lớn hơn hướng đến các ngành, lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao như kết cấu hạ tầng, logistic, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh... Đồng thời đề nghị xác định đúng, trúng mục tiêu của gói chính sách này, đưa vào các ngành nào nhằm tạo tác động lan tỏa, kích thích khôi phục nền kinh tế. Bảo đảm hiệu quả, tránh tình trạng bị trục lợi, bị lợi ích nhóm thao túng.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, trước khi có gói chính sách mới thì phải tập trung làm thật tốt các gói chính sách hỗ trợ hiện có, chuẩn bị thật tốt để giải ngân đầu tư công nhanh hơn, hiệu quả hơn.Nhưng để thực hiện một chiến lược tổng thể là không đơn giản “Vừa qua Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động làm việc với các bộ, ngành và các chuyên gia kinh tế để tiếp cận trước. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tính đến việc báo cáo Quốc hội tổ chức kỳ họp chuyên đề bất thường vào cuối năm để quyết định sớm vấn đề này, không chờ đến kỳ họp thứ ba vì sẽ lỡ nhịp phục hồi của kinh tế thế giới”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói tại phiên thảo luận tổ.

2. Lại nói đến hỗ trợ sao cho đúng, trúng, ĐB Lê Tiến Châu (đoàn Hậu Giang)- Phó Chủ tịch, Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, cần tính xem hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) thì hỗ trợ cái gì cho đúng, cho trúng. Theo ông Châu thì nên tập trung hỗ trợ đảm bảo điều kiện an toàn cho sản xuất kinh doanh của DN. Cùng với giảm thuế, giãn thuế, phí, lệ phí cần dành dư địa để các DN sử dụng hỗ trợ đó đầu tư lại, đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là cho công nhân.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần quan tâm đến lao động tự do trong đại dịch; bởi mỗi lần dịch qua đi, nhiều lao động tự do đã gặp khó khăn. Vì thế, việc có những gói hỗ trợ, kích thích người lao động quay trở lại sản xuất là điều cần thiết. Lương và an sinh xã hội - 2 yếu tố quan trọng nhất đã được đề cập. Trong bối cảnh đó, ngành lao động, thương binh và xã hội (LĐTBXH) đã làm gì? Có thể thấy, về vấn đề lao động, hiện ngành LĐTBXH đã xây dựng chương trình phục hồi thị trường lao động. Hiện nay, chúng ta có 4 loại hình lao động gồm: Lực lượng lao động khu vực FDI, thứ 2 là khu vực sản xuất công nghiệp, thứ 3 là khu vực sản xuất ngoài khu công nghiệp và thứ 4 là lao động tự do.

“Vấn đề thị trường lao động sẽ điều tiết theo thị trường. Trước đây, không có dịch bệnh, hàng năm sau Tết, chúng ta vẫn thiếu 10% lao động. Năm nay, chắc chắn sẽ thiếu, nhưng chỉ phục hồi sau Tết. Trong trường hợp căng thẳng thị trường lao động, chúng ta đã có cả phương án để có thể cung cấp khoảng 200.000 lực lượng lao động mới”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Phát biểu tại họp tổ, ông Đào Ngọc Dung cho biết, khi dịch bệnh bùng phát, chỉ trong thời gian ngắn chúng ta đã ban hành các gói hỗ trợ về an sinh xã hội. Trong đó, Nghị quyết 68 được thực hiện khẩn trương. Đến nay, đã có 25,12 triệu lượt người (23.000 tỷ đồng) được hưởng thụ theo Nghị quyết 68. Về gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng (Nghị quyết 116), theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đây là gói hỗ trợ chưa có tiền lệ. Sau khi, có Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Bộ LĐTBXH đã giải ngân ngay cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. “Ai có tài khoản thì được chuyển tiền ngay, ai chưa có thì mở tài khoản, trường hợp không có thì thông qua DN. Về cơ bản đến nay đã thực hiện xong”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Như vậy là chúng ta đã nhanh chóng hỗ trợ người lao động vượt qua giai đoạn gian khó nhất trong dịch bệnh- đó có thể coi là một điểm sáng; mà nhờ nó, theo như nhận định của ĐBQH Lê Tấn Tới (đoàn Long An), cái được lớn nhất trong thời gian qua chính là lòng dân. Bởi, chúng ta kiên quyết nỗ lực chống dịch trong khi vẫn cố gắng tìm nguồn để hỗ trợ cho từng lao động khó khăn trong đại dịch. Chính những hỗ trợ đó, dù nhỏ nhưng đã thể hiện rõ quan điểm không ai bị bỏ lại phía sau trong gian khó thời dịch bệnh.

3. Từ thực tế thời gian qua và những trải nghiệm có một không hai trong dịch bệnh Covid-19 với 4 đợt dịch, để vững bước trên con đường còn chông gai, có lẽ tới thời điểm này, các cơ quan đặc biệt là các cơ quan tham mưu của Chính phủ cần nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, dự báo tình hình. Dự báo đúng thì mới có biện pháp đúng, không bị lúng túng, bất ngờ. Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tình hình kinh tế - xã hội của thế giới có phục hồi, tăng trưởng nhưng lại có sự phân hóa do độ bao phủ về vaccine. Các chuyên gia nhận định nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng với hai tốc độ, một số nước tăng trưởng nhanh vì được bao phủ vaccine và một số nước còn lại tăng trưởng rất chậm vì vaccine còn hạn chế. Tuy nhiên, nếu sang năm các nền kinh tế lớn lại thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, nguy cơ lỡ nhịp phục hồi kinh tế của thế giới… Vì vậy, việc nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế về các biện pháp điều hành, dựa trên cơ sở dữ liệu khoa học, dữ liệu dịch tễ học là rất quan trọng.

“Phải nghiên cứu rất căn cơ, khi quyết định rồi thì phải thực hiện nhất quán. Cần xác định rõ đây là một cuộc chiến có thể còn kéo dài nên phải có giải pháp tổng thể mang tính chiến lược, dài hơi hơn”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Hoàng Mai