Ngành nông nghiệp cần tăng tính tự chủ

Lan Hương 03/11/2021 08:00

Theo các chuyên gia nếu còn “ăn đong” nguyên liệu thì ngành nông nghiệp sẽ vẫn còn lệ thuộc. Theo đó, nông nghiệp cần phải có giải pháp tự chủ về nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón và các nguyên liệu khác phục vụ cho sản xuất.

Bị động đến 70%-80% nguồn nguyên liệu

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 9/2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 3,5 tỷ USD, giảm 7,6% so với tháng 9/2020 nhưng tăng 4,8% so với tháng 8/2021. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2021 đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể thấy, ngành nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, kinh tế nông nghiệp tiếp tục là minh chứng cho điều này. Tuy nhiên do thiếu tính tự chủ nên sản xuất nông nghiệp vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, 8 tháng năm 2021, Việt Nam nhập khẩu khoảng 14,45 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trị giá 5,22 tỷ USD, tăng 24,3% về số lượng và 47,4 % về giá trị so với cùng kỳ 2020.

Trong đó, Việt Nam nhập nhiều nhất thức ăn chăn nuôi giàu năng lượng với khối lượng lên đến 8,97 triệu tấn, tương ứng 2,35 tỷ USD, tăng 49,4% về số lượng và 89,5% về giá trị so với cùng kỳ 2020. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập 5,09 triệu tấn thức ăn giàu đạm đạt 5,09 triệu tấn, tương ứng với 2,27 tỷ USD, giảm 2,6% về số lượng nhưng tăng 28% về giá trị.

Đáng chú ý, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp ở Việt Nam đã tăng trưởng ngoạn mục, đạt bình quân từ 13-15%/năm. Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Tuy nhiên, ngành thức ăn chăn nuôi công nghiệp Việt Nam vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước chủ yếu từ nguồn nhập khẩu, năm 2020 Việt Nam chi tới 6 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Không chủ động được nguồn nguyên liệu đã dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó phải kể đến nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất. Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, thức ăn chăn nuôi ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản phẩm chăn nuôi, khi chiếm tới 65-70% giá thành. Trong khi đó một năm, Việt Nam nhập khẩu một sản lượng lớn, khoảng gần 20 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chủ yếu là ngô, đậu tương, cám mỳ, bã ngô,… để làm thức ăn chăn nuôi.

Đề cập đến ảnh hưởng từ việc giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, trong 9 tháng năm 2021, ngành chăn nuôi gia cầm gần như không có lãi. Đây là năm đầu tiên tăng trưởng âm cả về sản lượng, đặc biệt là về giá trị. Theo đó, giá gia cầm có thời điểm xuống dưới 7-8 nghìn đồng/kg, giảm tới 60- 70% so với trước đây.

Ngành chăn nuôi lao đao vì nhiều chi phí bị đội lên.

Bao giờ hết “ăn đong”?

Theo ông Sơn, để gỡ khó cho khâu đầu vào của ngành chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay, vấn đề mấu chốt là cần tìm giải pháp để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, chủ động nguyên liệu phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nếu giải quyết được bài toán này, sẽ giúp cho người chăn nuôi gỡ khó cho khâu đầu vào, giảm chi phí và giá thành cho sản xuất chăn nuôi.

“Chừng nào chúng ta còn phải “ăn đong” thì chúng ta còn lệ thuộc và giá thành vẫn cao. Do vậy, cần có ngay chiến lược tổng thể về phát triển thức ăn chăn nuôi trong nước, đặt ra mục tiêu cho từng giai đoạn. Ví dụ từ nay đến năm 2030 chủ động được bao nhiêu phần trăm các loại nguyên liệu? Để có được điều này, cần có chính sách về tín dụng, ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên liệu” – ông Sơn đề xuất.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần xem xét đánh giá nghiêm túc có hay không câu chuyện các “ông lớn” làm giá thức ăn chăn nuôi. Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Tống Xuân Chinh cho rằng, giải pháp căn bản nhất để giảm phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu là quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, điều này không đơn giản vì đòi hỏi phải có sự đầu tư đồng bộ về phát triển. Theo đó, trước hết cần đổi mới thể chế trong quản lý đất nông nghiệp, chính sách hỗ trợ chuyển đổi và đầu tư khoa học, công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ, trong đó đưa giống ngô, đậu tương biến đổi gen canh tác đại trà ở nước ta.

“Hiện Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, trong đó có Cục Chăn nuôi xây dựng chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân, các mô hình liên kết sản xuất để đầu tư công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ để thu gom, sơ chế, chế biến sâu, bảo quản phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho chăn nuôi, sản xuất phân bón hữu cơ, chăn nuôi côn trùng để lấy protein thay thế bột cá, khô dầu và sản xuất phân bón hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp thông qua tiêu hóa của côn trùng” - ông Chinh cho biết.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan:

Nhắc đến câu chuyện đứt gãy chuỗi cung ứng, hiện mới thấy rõ nền nông nghiệp của chúng ta tính tự chủ chưa cao, phụ thuộc rất nhiều đầu vào của nước ngoài. Bản thân nông nghiệp cũng sử dụng 50%, đến 70-80% nguyên liệu nhập khẩu. Tại sao một đất nước nông nghiệp, tự hào là nước nông nghiệp mà bắp cũng phải nhập, đậu nành cũng phải nhập để làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản? Đây là lúc Việt Nam cần nhìn lại xem mặt hàng nào chúng ta có thể chủ động sản xuất để thay thế, mặt hàng phải chấp nhận nhập khẩu. Để làm được điều này, rất cần có sự chủ động từ phía doanh nghiệp.

Lan Hương